VOICE họp báo thông tin về tiến trình định cư đồng bào tỵ nạn Việt Nam

             

Bangkok, Thái Lan, 18 Tháng Bảy, 2019

Cập nhật về Chương trình Tị nạn của VOICE

Update on VOICE’s Refugee Program

Đúng một năm, sau cuộc họp tổng quát vào mùa Hè 2018 để công bố kế hoạch định cư một số đồng bào tỵ nạn Việt Nam hiện đang lánh nạn tại Thái Lan, Phi Luật Tân và Indonesia. Vào lúc 10 giờ sáng Thứ Năm, 18 tháng Bẩy, 2019 vừa qua, cũng tại địa điểm cũ, phòng họp chính của khách sạn Bangkok Chada, tổ chức VOICE đã trở lại để thông báo kết quả cùng cập nhật tin tức liên quan đến tiến trình định cư người Việt tỵ nạn tại Canada.

VOICE-hop-bao-thong-tin-ve-tien-trinh-dinh-cu-dong-bao-ty-nan-viet-nam-VIETNAMVOICE
Quang cảnh của buổi họp với cử tọa và thuyết trình đoàn

Tương tự như kỳ trước, cuộc họp lần này được công khai mở rộng cho tất cả mọi người tham dự, đồng thời bất cứ ai đều có thể đặt các câu hỏi liên quan đến hoạt động của VOICE, đặc biệt là việc định cư người Việt tỵ nạn. Khoảng 50 đồng hương thuộc đủ mọi thành phần, đã đến tham dự buổi họp. Ngoài ra còn có sự hiện điện của Linh mục Peter Prayoon Namwong, cùng luật sư Kristian Benestad thuộc tổ chức CAP (Center for Asylum Protection tức Trung Tâm Bảo Vệ Người Tỵ Nạn), và các vị Luật sư, thực tập viện tình nguyện. Có mặt trong chuyến viếng thăm đồng bào tỵ nạn tại Thái Lan, và tham dự buổi họp lần này còn có những vị ân nhân đã âm thầm ủng hộ cũng như đóng góp tài chánh để hỗ trợ các việc làm của VOICE từ trước đến nay. Họ đã đến Manila và Bangkok để đích thân tìm hiểu sự thật liên quan đến các chương trình mà VOICE đã gây quỹ để hoạt động.

VOICE-hop-bao-thong-tin-ve-tien-trinh-dinh-cu-dong-bao-ty-nan-viet-nam-ls-Trinh-Hoi-Nam-Loc-LM-Peter-Namwong-LS-Kristian-Benestad-VIETNAMVOICE
Luật sư Trịnh Hội, Nam Lộc, Linh mục Peter Namwong, Luật sư Kristian Benestad

Mở đâu cuộc họp, LS Trịnh Hội, giám đốc điều hành của tổ chức VOICE đã trình bầy cũng như phân phát tận tay cho quý vị cử tọa, các tài liệu bao gồm những dữ kiện đòi hỏi, ảnh hưởng trực tiếp đến các chương trình định cư người Việt tỵ nạn hiện nay tại Canada, cùng sự khác biệt và điều kiện nhận người tỵ nạn tại quốc gia nhân đạo này, đặc biệt là các tin tức cập nhật, tùy thuộc và liên quan đến hoàn cảnh của từng nhóm người tỵ nạn VN tại Thái Lan trong thời điểm của năm 2019. Một trong những chi tiết quan trọng cần lưu ý, là kể từ năm 2016, sau khi VOICE hoàn tất việc định cư 108 thuyền nhân, những người đã từng sống ở trại tỵ nạn Sikhew, Thái Lan vào các năm 1989, 90 và 91 do linh mục Peter Namwong giới thiệu được đến Canada, thì với chương trình định cư mới hiện nay, VOICE đã hoàn toàn mở rộng, ngoài các thuyền nhân năm xưa, nay còn bao gồm cả những tù nhân lương tâm, nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo, các nhà hoạt động môi trường, đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ hóa VN, các đồng bào thiểu số Tây Nguyên, Khmer Krom, H’mong v..v…

Sau Trịnh Hội, tôi đã hân hạnh được mời chia sẻ và minh xác hầu tránh sự hiểu lầm gây ra bởi các tin đồn thất thiệt về lý do cùng mục đích của các cuộc gây quỹ giúp tổ chức VOICE hiện nay tại nhiều nơi trên thế giới. Hội đồng quản trị của VOICE đã ra thông cáo khẳng định rằng mục tiêu chính của các buổi gây quỹ mà VOICE đang phát động trong giai đoạn này hoàn toàn tập trung vào việc có đủ tài chánh theo các quy chế mà chính phủ Canada đòi hỏi để hoàn tất việc định cư 50 người tỵ nạn trong đợt đầu tiên mà thôi. Trách nhiệm này rất nặng nề và đầy thử thách, cho nên VOICE sẽ không đủ khả năng hay điều kiện để gây quỹ giúp đỡ hoặc cung cấp phương tiện sinh sống cho người tỵ nạn VN tại Thái Lan. Tuy nhiên VOICE hoan nghênh và cổ vũ bất cứ ai đứng ra thực hiện các việc làm đầy tình nhân ái này, để hỗ trợ cho cuộc sống gian truân của đồng bào tỵ nạn đang tạm trú tại đây. VOICE cũng tha thiết, mong mỏi cũng như kêu gọi các cá nhân hay cơ quan đoàn thể hoặc bất kỳ một tổ chức tư nhân hay cộng đồng tại các quốc gia tự do hãy đứng lên và ra tay vận động với chính quyền sở tại để xin cứu vớt và định cư người tỵ nạn VN. Đây không phải là việc làm hay trách nhiệm “dành riêng” cho VOICE, mà bất cứ tổ chức nào, hoặc bất cứ ai cũng có thể thực hiện được nếu thật lòng quan tâm đến những người tỵ nạn muộn màng và thiếu may mắn hơn chúng ta.

VOICE-hop-bao-thong-tin-ve-tien-trinh-dinh-cu-dong-bao-ty-nan-viet-nam-ong-Do-Ky-Anh-VOICE-Canada-VIETNAMVOICE
Ông Đỗ Kỳ Anh, VOICE Canada

Sau phần trình bầy của chúng tôi thì đến lượt ông Đỗ Kỳ Anh, đại diện cho VOICE Canada, là tổ chức tranh đấu và vận động định cư người tỵ nạn tại đây loan báo các tin tức cập nhật liên quan đến tình trạng hồ sơ xin định cư của nhóm 50 người tỵ nạn đầu tiên. Vì không thể có mặt tại Thái Lan trong thời gian này cho nên ông Đỗ Kỳ Anh đã thu âm sẵn những chi tiết sau đây để thông báo và giải thích cho mọi người được rõ:

1. Chính phủ Canada đã và đang cứu xét hồ sơ xin tỵ nạn của nhóm đầu tiên gồm 50 người Việt Nam tại Thái Lan. Tuy nhiên hiện nay với những diễn biến và thay đổi chính sách về di dân của các quốc gia trên thế giới kể cả Canada, nên việc cứu xét đơn xin tỵ nạn tại quốc gia này có vẻ khắt khe và phức tạp hơn ngày trước rất nhiều. Tỷ lệ hồ sơ bị từ chối lên khá cao!

2. Mặc dù phải đối đầu với những khó khăn kể trên, nhưng tương đối đơn xin tỵ nạn của người Việt Nam tại Thái Lan được chấp nhận đông hơn so với các chủng tộc khác, con số đã lên đến trên 50%. Những hồ sơ còn lại, một phần thì sở di trú Canada chưa trả lời, còn một phần khác thì bị từ chối. Tuy nhiên ông Kỳ Anh đã trấn an mọi người rằng, VOICE Canada sẽ làm đủ mọi cách để thúc dục sở di trú Canada cứu xét các hồ sơ còn lại, cũng như tiếp xúc với Sở Di Trú Canada (SDT Canada) hầu tìm hiểu và kháng cáo các hồ sơ bị từ chối. Ông cho biết là sẽ nhờ các luật sư chuyên mộn về di trú ở Canada tiếp tay để duyệt xét kỹ càng các hồ sơ trước khi tái nộp lên cho SDT Canada.

3. Sau cùng ông Kỳ Anh tâm sự rằng, VOICE Canada rất thông cảm với những khó khăn và hiểm nguy mà đồng bào chúng ta đang phải đối phó trong cuộc sống hàng ngày. Ông xin mọi người hãy cố gắng, kiên nhẫn, vững tin vào sự cam kết và quyết tâm của các thành viên của tổ chức VOICE cũng như VOICE Canada trong tiến trình định cư đồng bào tỵ nạn Việt Nam tại Thái Lan hiện nay.

VOICE-hop-bao-thong-tin-ve-tien-trinh-dinh-cu-dong-bao-ty-nan-viet-nam-LS-Kristian-Benestad-trinh-bay-LS-Trinh-Hoi-phien-dich-VIETNAMVOICE
LS Kristian Benestad trình bầy, LS Trịnh Hội phiên dịch

Chương trình hội thảo được tiếp tục với phần trình bầy của luật sư Kristian Benestad, thay mặt cho tổ chức CAP, hiện đang điều hành một dự án được cơ quan BPSOS bảo trợ. Ông Benestad đã nói về hoạt động và nỗ lực của CAP trong việc giúp đỡ những người đang trốn tránh khỏi sự ngược đãi tại quốc gia của mình có thể xin được quy chế tỵ nạn do Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ cung cấp, hoặc lập thủ tục khiếu nại nếu đơn bị từ chối. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến hai yếu tố ưu tiên hàng đầu mà Cao Ủy đang chú tâm và áp dụng để đưa người tỵ nạn được đi định cư một cách khẩn cấp. Trường hợp thứ nhất là lý do y tế, và thứ hai là sự an toàn đến tính mạng hay cuộc sống của những người ở trong hoàn cảnh này. Ông giải thích thêm và đưa ra một vài thí dụ điển hình: Về lý do y tế, nếu một người tỵ nạn đang tạm dung tại Thái Lan, nhưng mắc phải một chứng bệnh hiểm nghèo mà hệ thống y khoa tại đây không thể chữa trị được, thì Cao Ủy sẽ ưu tiên cho đương sự được đến các nước định cư có khả năng hay phương tiện trị liệu. Còn về vấn đề an ninh thì nếu một người tỵ nạn, có nguy cơ bị nhà cầm quyền của quốc gia mà họ phải chạy trốn, truy nã hay lùng bắt, thì Cao Ủy cũng sẽ ưu tiên cho đương sự cùng gia đình của họ đi định cư khẩn cấp tại một nước thứ Ba.

VOICE-hop-bao-thong-tin-ve-tien-trinh-dinh-cu-dong-bao-ty-nan-viet-nam-cha-Peter-Namwong-cung-mot-so-dong-bao-ty-nan-va-phai-doan-thien-nguyen-tu-HongKong-den-tham-hinh-chup-tai-nha-tho-Wat-Noi-Catholic-Khorat-city-VIETNAMVOICE
Cha Namwong cùng một số đồng bào tỵ nạn và phái đoàn thiện nguyện từ HK đến thăm (hình chụp tại nhà thờ Wat Noi Catholic ở TP Khorat)

Người sau cùng được VOICE mời chia sẻ và phát biểu, đó chính là linh mục Peter Prayoon Namwong, vị cứu tinh của đồng bào tỵ nạn VN tại Thái Lan từ hơn 4 thập niên qua. Mặc dù ngài đã về hưu nhưng vẫn tận tâm lo lắng cho người tỵ nạn, thậm chí vẫn còn che chở và chăm nuôi một số gia đình tỵ nạn không có phương tiện sinh sống. Linh mục Peter Namwong đã không quản ngại đường xá xa xôi, vượt hàng trăm cây số. Từ ngôi giáo đường nơi ngài đang cư ngụ ở thành phố Khorat, tỉnh Nakhon Ratchasima phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ lái xe mới đến địa điểm họp ngày hôm nay. Tuy nhiên đứng trước nhu cầu cấp thiết cùng sự hoang mang, lo lắng của đồng bào, gây ra bởi các tin tức thiếu chính xác đang bị những người không tốt tung ra với dụng ý đánh phá uy tín của VOICE, nhất là họ đã lợi dụng tên tuổi của Cha để sử dụng vào các mục tiêu mờ ám, làm phương hại đến danh dự của ngài cùng tiến trình định cư người tỵ nạn VN tại TL. Để cho rõ ràng và chính xác, linh mục Namwong đã sử dụng tiếng Thái để nói chuyện và nhờ người dịch lại sang tiếng Việt. Một lần nữa, ngài lên tiếng xác nhận lại danh sách 108 người tỵ nạn ở trại Sikiew được định cư tại Canada trong các năm 2014,15 và 16 là đều do Cha đích thân trao cho LS Trịnh Hội cũng như tổ chức VOICE, và tòa đại sứ Canada để nhờ giúp đỡ và phỏng vấn định cư, nếu ai nói khác đi thì đều không đúng với sự thật.

Cha Namwong cũng yêu cầu những người phao tin thất thiệt hãy chấm dứt ngay việc làm thiếu đứng đắn của họ và nếu ai thực sự quan tâm về số phận của người tỵ nạn thì hãy tập trung vào việc giúp đỡ cho đồng bào sớm được đi định cư như những người tỵ nạn may mắn khác.

VOICE-hop-bao-thong-tin-ve-tien-trinh-dinh-cu-dong-bao-ty-nan-viet-nam-VIETNAMVOICE-2

Sôi nổi nhất vẫn là phần trả lời trực tiếp các câu hỏi của đồng bào tham dự. Thời gian hơn 1 giờ đồng hồ còn lại VOICE đã để dành cho phần hỏi đáp. Rất nhiều thắc mắc đã được nêu lên và được thuyết trình đoàn cùng cha Peter Namwong giải thích cũng như giải quyết một cách tận tình và đầy đủ.

VOICE-hop-bao-thong-tin-ve-tien-trinh-dinh-cu-dong-bao-ty-nan-viet-nam-VIETNAMVOICE-3

Cuộc họp mặt để cập nhật tin tức và thông báo tiến trình định cư người Việt tỵ nạn tại Canada do VOICE tổ chức đã chấm dứt vào lúc 12 giờ trưa trong niềm hy vọng của mọi người tham dự. Hy vọng vào một tương lai sáng sủa hơn, một hoàn cảnh tốt đẹp hơn và có lẽ quan trọng hơn cả là một quê hương dân chủ hơn, một đất nước tự do hơn để mọi người trong chúng ta không ai phải ra đi và tất cả đều có cơ hội trở về!

Nam Lộc
(tường trình từ Bangkok, Thái Lan)

Cập nhật về Chương trình Tị nạn của VOICE

Update on VOICE’s Refugee Program