Nhập môn Dân chủ

             

Ở Việt Nam, hai từ “dân chủ” vừa quen lại vừa lạ.

Quen là vì chúng ta thường xuyên nghe các nhà lãnh đạo Việt Nam nói rằng Việt Nam là một nền dân chủ của dân, do dân và vì dân. Lạ là vì ngoài những câu từ trên, khi được hỏi sâu hơn nữa về dân chủ, chẳng hạn như đâu là sự khác biệt giữa “nền dân chủ nhân dân” của Việt Nam và nền dân chủ của Mỹ, thì đa phần mọi người cảm thấy bối rối, đôi khi e ngại, và thường không biết trả lời như thế nào.

Đó là lý do VOICE nhận thấy rằng cần phải đưa môn Dân chủ vào chương trình đào tạo.

Trong Kỳ 1, chúng tôi đã giới thiệu với các bạn môn học Nhập môn Chính trị ở VOICE. Kỳ này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu với các bạn một môn học liên quan khác, đó là Nhập môn Dân chủ (D101).

Nhập môn Dân chủ sẽ cung cấp cho bạn kiến thức về 4 chủ đề sau:

1. Các khái niệm cơ bản

Phần này giúp bạn hiểu rõ các khái niệm cơ bản như dân chủ là gì và độc tài là gì, cùng các tiêu chí để có thể phân biệt các chế độ trong thực tế. Chẳng hạn, bạn sẽ nhận dạng được chế độ hiện nay ở Singapore hay Nga là dân chủ hay độc tài.

Ngoài ra, bạn cũng được học các phương pháp đánh giá các chế độ trên thế giới, từ thang đo của các tổ chức nổi tiếng như Freedom House, EIU, qua đó biết được các tổ chức này xếp hạng Việt Nam vào dạng chế độ nào.

2. Lịch sử Dân chủ và Tình hình Dân chủ hiện nay

Trong lịch sử hiện đại, bạn có biết nền dân chủ đại diện xuất hiện đầu tiên vào khi nào? Đó chính là ở Mỹ vào năm 1828, khi quyền bầu cử được mở rộng cho toàn bộ đàn ông da trắng. Và từ đó, dân chủ đã lan rộng khắp toàn cầu cho đến ngày nay.

Phần này sẽ cung cấp các kiến thức về lịch sử dân chủ, với các khái niệm như làn sóng dân chủ, suy thoái dân chủ. Đặc biệt, học viên sẽ được cập nhật tình hình dân chủ hiện nay trên thế giới, để hiểu được những thăng trầm của nền dân chủ nói chung.

3. Con đường từ độc tài sang dân chủ

Ngày nay, chúng ta thấy rằng dân chủ đã trở thành xu thế của thời đại. Tuy nhiên, vào những năm 1980, trước thời điểm Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, bạn có biết rằng lúc đó số lượng các nước độc tài nhiều hơn dân chủ? Nếu quay ngược lại khoảng hơn 200 năm trước, thậm chí còn không có một nước nào là dân chủ, tất cả đều là độc tài.

Điều gì đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi ấy, và điều gì khiến cho người dân các nước Đông Âu, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan xuống đường đòi dân chủ?

Học phần này giúp giải thích lý do tại sao chuyển đổi dân chủ lại xảy ra, cũng như các cách thức chuyển đổi trên thực tế, để từ đó có thể rút ra bài học lịch sử cho riêng mình.

4. Dân chủ và tương quan

Ai cũng ca ngợi dân chủ, vậy thì dân chủ có gì hay khi so sánh với các chế độ độc tài?

Trong phần này, các học viên sẽ được dạy về mối tương quan giữa dân chủ và các giá trị quan trọng khác của xã hội như nhân quyền, phát triển, và xã hội dân sự.

Qua đó, học viên sẽ trả lời được cho các câu hỏi cụ thể như giữa dân chủ và độc tài thì thể chế nào giúp tăng trưởng kinh tế tốt hơn, thể chế nào giúp chống tham nhũng tốt hơn, thể chế nào tôn trọng quyền con người hơn.

TÀI LIỆU HỌC TẬP

Tương tự như Nhập môn Chính trị, VOICE cũng sử dụng những học liệu tốt nhất, hiện đang được sử dụng phổ biến ở các trường đại học phương Tây làm tài liệu giảng dạy, như:

– Robert A. Dahl, Bàn về dân chủ, Phạm Nguyên Trường dịch
– Larry Diamond, Tinh thần Dân chủ, Phạm Nguyên Trường dịch
– Samuel Huntington, Đợt Sóng Dân chủ hoá Thứ Ba, Trần Lương Ngọc dịch
– Adam Przeworski, Democracy and Development: Political Institutions and Well-Being in the World, 1950-1990.
– Georg Sørensen, Democracy and Democratization.

Đăng ký học bổng Xã hội Dân sự VOICE ngay hôm nay nếu bạn muốn học về Dân chủ cùng VOICE!

——–
Đăng ký học bổng: https://bit.ly/DangKyHocBongVOICE10
Chi tiết chương trình đào tạo: https://bit.ly/KhoaDaoTaoVOICE10
Giải đáp thắc mắc: http://bit.ly/HoiDapHocBongVOICE10
Cập nhật tin tức tuyển sinh: http://bit.ly/TheoDoiHocBongVOICE10

#HocBongXaHoiDanSuVOICE #VOICE10