Giải đáp: Học bổng Xã hội Dân sự VOICE có phải là phản động?

             

Gần đây, trên các trang tin học bổng có lan truyền thông tin cho rằng “VOICE thực chất là tổ chức phản động của Việt Tân núp dưới danh nghĩa tổ chức phi chính phủ nhằm ‘chiêu mộ’ giới trẻ gia nhập vào đội ngũ những người có tư tưởng chống đối Việt Nam”. Để biết thực hư như thế nào, mời bạn theo dõi phần hỏi đáp dưới đây.

Q1. Bạn hỏi: Làm thế nào để tôi có thể ứng tuyển học bổng VOICE ngay bây giờ?

VOICE: Chương trình đào tạo khóa 10 sẽ bắt đầu vào tháng 9/2019. Bạn có thể nộp hồ sơ ngay bây giờ theo hướng dẫn tại đây.

Q2. Bạn hỏi: Làm thế nào để tôi tham gia khóa học của VOICE mà vẫn bảo mật được thông tin?

VOICE: Cũng như bất kỳ một tổ chức nào khác, VOICE tôn trọng quyền riêng tư và quyền bảo mật thông tin của tất cả các bên liên quan. Vì vậy, khi học tại VOICE, học viên cũng được hướng dẫn cách bảo mật thông tin theo bộ quy tắc bảo mật của VOICE. Các thông tin cá nhân của học viên sẽ được VOICE giữ kín tuyệt đối và không trao cho bất kỳ bên thứ ba nào khác.

Q3. Bạn hỏi: Nếu tôi tham gia khóa học của VOICE, tôi có phải công khai rằng mình đang học tại VOICE không?

VOICE: Không. Bạn có thể lựa chọn công khai hoặc không công khai khi học trong chương trình đào tạo của VOICE. VOICE tuyệt đối tôn trọng quyết định này của học viên.

Q4. Bạn hỏi: VOICE có quan hệ gì với Việt Tân không?

VOICE: Không. VOICE hoàn toàn không có bất kỳ một mối quan hệ nào về mặt tổ chức với Việt Tân hay bất kỳ đảng phái chính trị nào khác. Không có thành viên Hội Đồng Quản Trị nào của VOICE hiện nay là thành viên của Việt Tân hay của bất kỳ đảng phái chính trị Việt Nam nào khác. VOICE là một tổ chức phi chính phủ, phi đảng phái, phi lợi nhuận. VOICE đã chính thức ra thông cáo để làm rõ tin đồn này vào tháng 4 năm 2016, xem tại đây.

Q5. Bạn hỏi: VOICE đã đào tạo được bao nhiêu người?

VOICE: Chương trình đào tạo VOICE bắt đầu từ năm 2011. Tính đến nay (6/2019), VOICE đã đào tạo được 137 học viên.

Q6. Bạn hỏi: Mục tiêu khóa đào tạo của VOICE có phải là để chiêu mộ người trẻ chống đối Việt Nam như một số tin đồn?

VOICE: Không. Ở Việt Nam hiện nay, nhiều người trẻ ngày càng nhận thức rõ về các vấn nạn xã hội như ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng, bất công xã hội, v.v… và họ muốn góp phần thay đổi đất nước một cách tốt đẹp hơn. Nhận thức được điều đó, VOICE mở ra chương trình đào tạo Xã hội Dân sự để hướng dẫn, đào tạo những người trẻ này, nhằm giúp họ hiểu các vấn đề một cách đúng đắn và rõ ràng hơn, đồng thời giúp họ có kiến thức/kĩ năng để giải quyết các vấn đề ấy. Thông tin này đã được VOICE đề cập rõ ràng trong bản Thông báo Tuyển sinh.

Q7. Bạn hỏi: Sau khi kết thúc khóa học, VOICE có ràng buộc gì với học viên không?

VOICE: Sau khi kết thúc khoá học, các học viên có thể tiếp tục hợp tác với VOICE hoặc tự hoạt động theo cách của họ, VOICE không có bất kỳ ràng buộc hay áp đặt nào.

Q8. Bạn hỏi: Báo Công an Nhân dân viết rằng nội dung khóa đào tạo của VOICE là “kích động người dân chống đối chính quyền”, điều này có đúng không?

VOICE: Không. VOICE luôn luôn tôn trọng người học. Các giảng viên của VOICE đóng vai trò hướng dẫn học viên, các bài giảng được thiết kế dựa trên tri thức khách quan và thực tế xã hội. Học viên hoàn toàn được tự do lựa chọn quan điểm, cách nhìn, và thái độ đối với các vấn đề xã hội. Sứ mệnh của khóa đào tạo Xã hội Dân sự của VOICE là giúp các học viên trở thành những công dân tích cực, giàu tinh thần cộng đồng, và được trang bị các kiến thức nền tảng để có thể tham gia vào các hoạt động xã hội. Nội dung chương trình đào tạo căn bản 6 tháng của VOICE gồm 2 phần: 4 tháng học lý thuyết (với 15 môn học lý thuyết như môn luật pháp, nhập môn nhân quyền, nhập môn chính trị), và 2 tháng thực hiện dự án dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Sau đó, các học viên về nước hoặc được VOICE gửi đi thực tập ở các tổ chức quốc tế. Để tìm hiểu thêm, bạn xem chi tiết nội dung chương trình đào tạo tại đây.

Q9. Bạn hỏi: VOICE sẽ hỗ trợ những gì khi tôi hoàn tất khóa học 6 tháng tại VOICE?

VOICE: Như Giám đốc Điều hành Trịnh Hội từng chia sẻ, “VOICE luôn tìm cách hỗ trợ và tạo điều kiện cho từng bạn. Cụ thể, VOICE thường xuyên gửi các bạn đi tham gia các hội nghị trong vùng hoặc trên thế giới, hoặc làm thực tập sinh ở các tổ chức phi chính phủ, kể cả văn phòng của các dân biểu. Nhiều học viên, sau khi hoàn tất khóa đào tạo, đã được giữ lại làm việc trong tổ chức VOICE để các bạn có thể sử dụng ngay những kiến thức và kỹ năng mà các bạn vừa mới học được. Bên cạnh đó, chúng tôi còn giúp một số học viên phát triển những dự án cá nhân của mình, để các bạn có thể thực hiện những hoài bão của mình sau khi về nước.”

Q10. Bạn hỏi: Các học viên đi học từ VOICE về có bị chính quyền sách nhiễu không? Nếu có thì bị sách nhiễu như thế nào?

VOICE: Thực tế, môi trường hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo thường niên của tổ chức Front Line Defenders về những nhà hoạt động gặp rủi ro, thì những nhà hoạt động ở Việt Nam thường phải đối mặt với bốn rủi ro sau: bị cấm xuất cảnh, bị tấn công, bị sách nhiễu bằng thủ tục pháp lý, và bị giam giữ tùy tiện. Vì chương trình đào tạo Xã hội Dân sự VOICE hướng tới đào tạo các nhà hoạt động xã hội dân sự, nên các học viên theo học chương trình của VOICE cũng đối mặt với những rủi ro tương tự như các nhà hoạt động xã hội dân sự khác, tùy thuộc vào cách thức hoạt động cũng như lĩnh vực hoạt động của từng học viên. Trong bốn năm vừa qua (kể từ khi VOICE công khai tuyển sinh cho chương trình đào tạo Xã hội Dân sự), VOICE tuyệt đối bảo mật thông tin của học viên. Tuy nhiên, một số ít học viên đã bị sách nhiễu sau khi trở về từ khóa học của VOICE khi học viên chủ động công khai việc học tập tại VOICE hoặc vô tình để lộ thông tin. Với những học viên này, khi trở về sân bay tại Việt Nam, học viên thường bị tịch thu hộ chiếu, thẩm vấn về quá trình học tại VOICE, cũng như bị theo dõi trong thời gian sau đó.

Q11. Bạn hỏi: Vì sao báo Công an Nhân dân lại viết những thông tin sai sự thật về VOICE?

VOICE: Không chỉ báo Công an Nhân dân, mà gần đây nhiều trang tin cũng đưa thông tin sai sự thật về VOICE. Một mặt, một số cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam mong muốn các tổ chức xã hội dân sự có thể làm cầu nối giữa chính quyền với người dân để giải quyết các vấn đề xã hội, khi có quá nhiều vấn nạn mà tự chính quyền không giải quyết được. Song mặt khác, một số cơ quan công quyền lại không chấp nhận sự tồn tại của những tổ chức mà họ không thể kiểm soát. Điều này đi ngược lại với ý muốn xây dựng xã hội dân sự của chính quyền Việt Nam nói chung. VOICE là một tổ chức xã hội dân sự độc lập và tự chủ. Cũng như nhiều tổ chức xã hội dân sự khác, VOICE đã bị vu khống vì những hoạt động độc lập của mình, vốn vượt ra khỏi sự kiểm soát của các cơ quan công quyền. Vì vậy, nếu các trang tin có quan tâm đến các hoạt động của VOICE và muốn xác thực những tin đồn, VOICE hoan nghênh các bạn liên lạc với chúng tôi qua email [email protected], chúng tôi sẵn lòng giải đáp mọi thắc mắc.

Q12. Bạn hỏi: Tôi chưa bao giờ tham gia hoạt động xã hội, vậy tôi có thể tham gia ứng tuyển không?

VOICE: Có. VOICE đánh giá cao những ứng viên đã dấn thân cho các công việc hoạt động xã hội. Song bên cạnh đó, VOICE cũng đánh giá cao những ứng viên giàu tiềm năng, thể hiện được rằng ứng viên sẽ giúp ích cho xã hội dân sự Việt Nam trong tương lai, dù trước đó ứng viên có tham gia hoạt động hay chưa.

Q13. Bạn hỏi: Tiếng Anh của tôi chưa thành thạo, vậy tôi có thể ứng tuyển không?

VOICE: Có. Tiếng Anh là một điều kiện ưu tiên chứ không phải là điều kiện bắt buộc. Bạn hoàn toàn có thể nộp hồ sơ ứng tuyển. Ngoài tiếng Anh, VOICE còn xem xét nhiều yếu tố khác như tiềm năng, kiến thức và kinh nghiệm hoạt động xã hội để lựa chọn học viên. Tuy nhiên, nếu tiếng Anh của học viên tốt, học viên có thể tận dụng được nhiều cơ hội khi đến học ở VOICE. Học viên của VOICE thường được thu xếp tham quan các tổ chức NGO quốc tế hoặc các nghị viện, ủy ban nhân quyền, Trụ sở Liên Hợp Quốc để tìm hiểu về đời sống chính trị thực tiễn. Những học viên có khả năng giao tiếp tiếng Anh sẽ được giới thiệu đi thực tập từ 3 đến 6 tháng tại các nước châu Á, châu Âu, Úc, và Mỹ.

Q14. Bạn hỏi: Tôi chưa tốt nghiệp đại học, vậy tôi có thể đăng ký học bổng VOICE không?

VOICE: Có. Bạn có thể đăng kí học bổng của VOICE dù không có bằng Đại học hay Cao đẳng. Bằng cấp là một trong các điều kiện xét tuyển chứ không phải là điều kiện bắt buộc. Ngoài bằng cấp, chúng tôi còn xem xét các yếu tố khác như tiếng Anh, kiến thức, kinh nghiệm làm việc và hoạt động xã hội của bạn.

Q15. Bạn hỏi: Học ở VOICE, tôi có phải chi trả gì không?

VOICE: Không. Học bổng toàn phần trong chương trình học tập 6 tháng tại VOICE bao gồm vé bay khứ hồi, phí visa, bảo hiểm, học phí, chỗ ở, kèm mức sinh hoạt phí 300 USD mỗi tháng. Trường hợp bạn được gửi đi tham gia các hội thảo, các khóa học ở các tổ chức NGO tại quốc gia khác, thì VOICE sẽ hỗ trợ các kinh phí đi lại, phí visa, và sinh hoạt phí cho bạn tùy theo quốc gia và chương trình mà bạn đến. Nhìn chung, VOICE cung cấp cho học viên một mức sinh hoạt phí đủ cho các chi tiêu cơ bản.

Q16. Bạn hỏi: Làm thế nào để tôi được nhận các cơ hội đi thực tập quốc tế?

VOICE: Những học viên tốt nghiệp xuất sắc khóa đào tạo Giai đoạn 1 (6 tháng) của VOICE sẽ được gửi sang các tổ chức quốc tế phù hợp để thực tập trong vòng 3-6 tháng sau khi kết thúc chương trình 6 tháng tại VOICE. Điều kiện tối thiểu là học viên phải sử dụng tiếng Anh thành thạo và cho thấy bản thân là người có tiềm năng đóng góp vào sự phát triển của xã hội dân sự tại Việt Nam. Trong chương trình thực tập quốc tế, học viên sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp, cũng như nắm bắt cách vận hành của hệ thống chính trị – xã hội tại các quốc gia dân chủ. Cho đến nay, VOICE đã gửi hơn 25 học viên đi thực tập tại các tổ chức quốc tế lớn tại các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á, châu Âu, Úc, và Mỹ.

Q17. Bạn hỏi: Hạn cuối nộp học bổng là khi nào?

VOICE: Chúng tôi vừa gia hạn học bổng từ ngày 30/6 sang ngày 15/7. Như vậy, bạn có thêm 15 ngày để chuẩn bị hồ sơ!

#HocBongXaHoiDanSuVOICE