Dấu ấn của lớp kỹ năng giao tiếp ở VOICE

             

Kỹ năng giao tiếp luôn được chúng tôi xem là một trong trong những môn quan trong, không thể thiếu trong Chương trình Đào tạo Xã hội Dân sự VOICE. Đây là kỹ năng quan trọng cho bất cứ ngành nghề nào, đặc biệt là cho các nhà hoạt động xã hội vì yếu tố thường xuyên tiếp xúc với các cộng đồng người dân xung quanh họ.

Dưới đây là bài chia sẻ của học viên Bình Hòa, khóa 1-2019, sau khi hoàn tất môn học Kỹ năng Giao tiếp tại VOICE.


Hẳn nhiều người trong số các bạn đang đọc bài này đã từng ít nhất một lần học kỹ năng giao tiếp ở một nơi nào đó. Các bạn chắc đã biết và chẳng muốn đọc lại một bài viết nói về các nguyên tắc giao tiếp nữa. Vậy nên, trong những dòng chữ tiếp theo, mình chỉ có một tham vọng nho nhỏ: đó là kể cho các bạn nghe về những điểm khác biệt thú vị mà tụi mình được đào tạo trong tuần đầu khóa huấn luyện của VOICE: lớp Communication (Kỹ năng Giao tiếp).

Có lẽ bạn sẽ đồng ý với mình là một lớp học luôn có hai yếu tố: người dạy và người học. Và ở các trung tâm dạy kỹ năng giao tiếp, mình thường thấy yếu tố người học luôn là một nhóm các học viên đồng đều nhau, có thể về tuổi tác, có thể về vùng miền hoặc ít nhất họ có điểm chung như cùng là học sinh trường A hay sinh viên trường B. Tất cả đều rất tốt. Ở VOICE, tụi mình cũng có cả hai yếu tố đó. Tuy nhiên, chúng lại hơi khác một chút: học viên tụi mình thì chẳng có một điểm chung nào, thậm chí nếu không muốn nói là có những tính cách hoàn toàn khác nhau, từ những vùng miền khác nhau và tuổi tác cũng hoàn toàn khác nhau. Tụi mình chỉ giống nhau ở một điểm duy nhất và quan trọng nhất: lý tưởng.

VOICE là một tổ chức xã hội dân sự, phải! Tụi mình – những học viên khóa 9 của VOICE – dù có là những nhà hoạt động hay chưa thì đều có một ước mơ và khao khát duy nhất là phấn đấu để thúc đẩy xã hội dân sự Việt Nam phát triển hơn, để đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương. Nhờ đó, tụi mình đón nhận sự khác biệt, tôn trọng nhau và cùng nhau học hỏi theo cách mà chắc chắn tụi mình không thể tìm ở đâu ra được, ngoại trừ ở VOICE: “hành” nhiều hơn học.

Sở dĩ mình nói như vậy là vì trong suốt 6 buổi học kỹ năng giao tiếp tại lớp, tụi mình đã có đến 3 buổi thực hành chính thức và 1 buổi hùng biện ngoài lề. Và các buổi thực hành đó thực sự hiệu quả. Như trong ví dụ bên dưới chẳng hạn, người dạy của tụi mình, chỉ rõ sự tự tin bên trong và bên ngoài quan trọng như thế nào trong giao tiếp.

Chuyện là thế này: Có một bạn trong nhóm mình có dáng người khá cao to. Khi thuyết trình, bạn ấy đứng hơi khòm lưng xuống và nhìn nghiêng nghiêng về một phía. Đối với bạn ấy, chuyện đó bình thường nhưng người dạy đã chỉ ra tư thế đứng ấy làm cho nguyên cả con người bạn ấy mất đi một dáng mạnh mẽ, tự tin mà đáng ra là lợi thế ở những người cao ráo và đô con. Cũng vì dáng đứng ấy mà góc nhìn của bạn không bao quát được toàn bộ lớp học, không giúp bạn có được giao tiếp bằng mắt tốt (eye contact) với những người đang nghe.

Chỉ là giao tiếp – thuyết trình, nói chuyện với người khác, có cần phải chỉn chu tất cả như vậy mới gọi là có tự tin không? Có chứ! Cực kỳ là đàng khác! Tụi mình hiện tại, và các bạn sau này nữa, là những học viên trên mức bình thường của VOICE. Tụi mình không học để đi làm kiếm tiền nuôi thân. Tụi mình không học, để đơn giản chỉ biết cách nói năng hoạt bát với người khác. Tụi mình học để là những nhà hoạt động xã hội có khả năng vận động giỏi trong tương lai. Mà vận động là gì? Nôm na là thuyết phục người khác nghe theo ý của bạn, làm điều bạn muốn và làm hết mình. Tư thế đứng của bạn phải thật sự thoải mái nhưng phải thể hiện sự cứng rắn và mạnh. Giọng của bạn phải rõ, to, vừa đủ nghe và truyền cảm. Ngôn từ của bạn phải gọn, súc tích và cả con người bạn phải toát lên vẻ xác tín về những điều bạn nói. Vì nếu tất cả những yếu tố bên ngoài lẫn bên trong bạn không gây được một sự thu hút nhất định, không gây được sự quan tâm nhất định thì người ta sẽ không muốn mất giờ để nghe bạn!

Không ai có thể tin vào một người mà đang không biết mình nói gì. Tự tin và xác tín là điều quan trọng đầu tiên.

Vậy thì, điều quan trọng thứ 2 mà tụi mình được chia sẻ cho khi học ở VOICE là gì?

Đó là cách quản lý thời gian trong giao tiếp.

Như đã đề cập ở trên, các nhà hoạt động thường có những cuộc nói chuyện đặc biệt với nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế nhằm thuyết phục họ dùng quyền hành và khả năng của họ để làm điều mình muốn. Quản lý thời gian luôn luôn là một vấn đề vô cùng quan trọng vì một lý do vô cùng đơn giản: những người bạn vận động, là những con người có quyền lực, thì luôn không có thời gian. Họ dù có khác nhau ở chức vụ, vị trí hay tuổi tác thế nào chăng nữa thì đều có một điểm chung là họ cực kỳ bận rộn và bạn cần họ chứ họ không cần bạn. Vấn đề đặt ra là bạn phải, bằng cách nào đó, khống chế sự uyên bác và nhiệt huyết của bản thân lại một cách khôn ngoan để chỉ trong có 1 phút hay 90 giây, bạn nói cho người ta nguyện vọng của bạn. Điều này đòi hỏi, một lần nữa, bạn phải thật sự nắm được vấn đề, hiểu được mình đang nói gì, tìm được từ ngữ chuẩn nhất nhưng cũng là chân thành nhất để nói với người ta và phải thật sự biết mình biết ta.

Điểm cuối và cũng là một trong 03 điểm quan trọng nhất mà mình đã được học: đó là thái độ cần có trong giao tiếp. Giảng viên đã cho tụi mình nhiều lắm những lời khuyên về điểm cuối cùng này: đó là tụi mình phải luôn ở trong tư thế nhận biết chỗ đứng của bản thân để biết khiêm tốn trước người nghe.

Điều này thật sự khác biệt và ấn tượng! Mình thường hay có suy nghĩ chỉ cần nói to và nói nhiều là chiếm ưu thế nhưng thực tế lại không phải như vậy. Mình vẫn còn nhớ rõ giảng viên đã nói rằng, những người mà tụi mình phải gặp gỡ, trao đổi trong tương lai luôn là những con người học cao, hiểu rộng và có bản lĩnh (Nếu không tụi mình đã không nhờ họ giúp). Thế nên, khi nói chuyện với họ, bên cạnh sự tự tin, xác tín thì cần có thái độ khiêm tốn và chân thành. Mình có thể không thật sự xuất sắc bằng các ứng viên khác, những người mà họ đã từng tiếp chuyện, nhưng sự chân thành và khiêm nhường của mình sẽ để lại một ấn tượng trong họ, để họ đã giúp một lần thì sẽ sẵn lòng giúp đỡ lần 2, lần 3 và thêm mãi!

“Không ai khôn để mình dại và chẳng ai dại để mình khôn các em ạ. Điều quan trọng là họ cảm mến mình qua sự chân thành và khiêm tốn của mình để họ giúp mình, chứ thiếu gì người ăn nói xuất chúng đã và đang cần sự giúp đỡ từ họ!”

Bạn thấy đấy, trong lĩnh vực giao tiếp, một nhà hoạt động xã hội cần nhiều lắm những kỹ năng và những nhận thức trên – điều mà không hề được truyền đạt hoặc có lắm thì cũng ở mức hạn chế ở các lớp thông thường. Mình mừng vì VOICE nhìn thấy tầm quan trọng của vấn đề giao tiếp trong mối quan hệ của nó với bức tranh tổng thể những điều cần kíp cho một nhà hoạt động, và đã hào sảng chia sẻ, không dè xẻn những điều đó cho những học viên như tụi mình.

Giảng viên của nhóm mình không những có nền tảng kiến thức sâu rộng và có tâm tận tụy mà còn có khiếu nói năng rất riêng và rất hóm hỉnh. Chính sự linh động hoạt bát của giảng viên khiến nhóm mình hấp thụ, có thể nói là gần như hoàn toàn, những tinh hoa và chìa khóa của giao tiếp trong một khoảng thời gian ngắn với một tinh thần vui tươi và phấn chấn.

Mình cảm thấy may mắn và vinh dự khi được học ở VOICE. Lớp Kỹ năng Giao tiếp là một điểm nhấn, là lớp mở đầu cho những lớp khác trong chuỗi các môn học đào tạo một nhà hoạt động thực thụ của VOICE mà mình đang được học đến giờ. Mình thấy vững tin vào con đường mình đã chọn hơn hẳn!

Xin cảm ơn VOICE, cảm ơn các giảng viên và những người đã âm thầm cũng như công khai giúp mình có được sự hiểu biết như hôm nay, trong lĩnh vực này.

#HocBongXaHoiDanSuVOICE