Humans of VOICE: Trần Mỹ Lan
Chị Trần Mỹ Lan, là Thạc sĩ ngành Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Aalborg, hiện nay đang là tình nguyện viên của VOICE tại Đan Mạch. Chị Lan sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, đã từng có 5 năm làm việc ở Hà Nội trước khi qua Đan Mạch để du học. Trong gia đình, chị là mẹ của 3 cô con gái. Chồng chị, anh Nguyễn Công Huân là người quản lý trang báo online Dân Luận (www.danluan.org).
Xin mời các bạn đọc những dòng tâm sự dưới đây của chị.
Mình là tình nguyện viên của VOICE tại Đan mạch. Hiện tại, mình đang làm việc chung với một số anh chị em ở đây để kết hợp với các hội đoàn người Việt tổ chức các sự kiện cho VOICE, cũng như sắp xếp các cuộc gặp gỡ cho VOICE với chính giới và các tổ chức xã hội dân sự của Đan Mạch, mục đích là để vận động cho nhân quyền và sự phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam.
Mình có may mắn được quen biết một số các nhà hoạt động xã hội trong và ngoài nước, như anh Trịnh Hội và đặc biệt là một số bạn trẻ trong nước đã và đang là thực tập sinh của VOICE. Qua các bạn, mình được biết tới các hoạt động và mục tiêu mà VOICE đang theo đuổi. Mình rất thương mến sự dấn thân của các bạn trẻ làm việc tại VOICE và khâm phục những công việc các bạn và VOICE đã và đang làm trong nhiều năm qua. Bởi vậy, mình muốn góp một bàn tay cùng các bạn mỗi khi có dịp.
Hè năm 2018 khi VOICE ra mắt bộ phim tài liệu ngắn Mẹ Vắng Nhà – về blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, lúc đó đang chịu án tù 10 năm, mình và một người bạn cùng thành phố đã rất muốn mang bộ phim này chiếu tại Đan Mạch, không chỉ tới cho bà con đồng hương mà còn cho người Đan Mạch thấy được câu chuyện về các tù nhân lương tâm ở Việt nam. Lần đó Đan Mạch, một quốc gia nhỏ bé ở vùng Bắc Âu này, đã tổ chức chiếu phim được tại 4 thành phố lớn nhất: Aalborg, Aarhus, Odense và Copenhagen.
Riêng ở Aalborg nơi mình sống, bọn mình có hai buổi chiếu, một buổi cho bà con đồng hương và một buổi ở trụ sở của Amnesty Aalborg cho các bạn người Đan Mạch quan tâm. Đây sẽ là một kỷ niệm khó quên của mình, bởi là lần đầu tiên mình tham gia tổ chức sự kiện góp phần lên tiếng về tình trạng nhân quyền tại Việt nam. Bộ phim thực sự gây được sự xúc động cho người xem, và đã tạo được sự quan tâm của cả người Việt lẫn người Đan Mạch về vấn đề này. Từ sự kiện này, VOICE cũng nhận được thêm nhiều những tình cảm thương mến từ Đan Mạch.
Sống ở Đan Mạch một thời gian, mình quan sát thấy người dân Đan Mạch rất quan tâm tới chính trị xã hội, không chỉ những vấn đề ở đất nước họ mà cả những vấn đề nóng trên thế giới. Hoạt động xã hội dân sự ở đây cũng rất phong phú. Đan Mạch được cho là thiên đường của các hội đoàn. Một đất nước nhỏ chỉ có hơn 5 triệu dân mà họ có tới hơn 101 ngàn hội đoàn hoạt động độc lập và tự nguyện. Các hội đoàn có mặt rộng rãi ở mọi lĩnh vực, từ văn hóa, nghệ thuật, giải trí, tới thể thao, sức khỏe, y tế, thiên nhiên, môi trường, nghiên cứu, giáo dục, chính trị, xã hội… Người dân tham gia sinh hoạt ở các hội đoàn theo đúng sở trường, sở thích cá nhân. Thông qua các hội đoàn, mọi người tham gia thảo luận, lên tiếng tranh đấu cho các lĩnh vực mà hội đoàn của mình hoạt động, từ đó tạo ra mối quan tâm chung cho toàn xã hội khi có vấn đề ở bất cứ lĩnh vực nào.
Ở Việt Nam từ trước tới nay, các hội đoàn được thành lập phải hoạt động theo chủ chương của nhà nước. Bởi vậy có sự hạn chế về tiếng nói đa chiều cho các vấn đề tồn tại trong xã hội. Người dân hầu như không có mấy ảnh hưởng tới các chính sách công. Tuy nhiên những năm gần đây có thể thấy phong trào xã hội dân sự trong nước bắt đầu được nhen nhóm. Đã có một số nhóm xã hội dân sự ra đời như các nhóm phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông, phản đối dự án Boxit ở Tây nguyên, phản đối Dự Luật Đặc khu, phản đối việc chặt cây xanh, phản đối Dự Luật An ninh mạng, hay các nhóm thiện nguyện giúp người dân ở các vùng bị ảnh hưởng bởi thảm họa Formosa… Những người tham gia hoạt động dân sự trái với chủ trương của nhà nước thường bị qui chụp là phản động. Do thiếu những kỹ năng hoạt động xã hội dân sự, có nhiều người chưa biết cách liên kết, tự bảo về quyền lợi chính đáng của mình trước những cáo buộc sai trái của chính quyền. Bởi vậy, các chương trình đào tạo của VOICE cho các bạn trẻ thực sự rất có ý nghĩa với phong trào phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam.
Quan sát VOICE trong một thời gian dài, quen biết rồi làm việc với các bạn nhân viên của VOICE, mình thực sự tin tưởng vào con đường VOICE đang chọn. Các bạn nhân viên và thực tập sinh của VOICE không chỉ trẻ trung, năng động, giỏi giang mà còn đầy nhiệt huyết với đất nước. Việc anh Trịnh Hội rời cương vị Giám đốc Điều hành của VOICE trong thời gian tới, theo mình, ít nhiều cũng có hưởng tới VOICE bởi những đóng góp, nỗ lực của anh trong những năm qua không thế nào sánh hết. Nhưng với một đội ngũ nhân viên trẻ và chuyên nghiệp của VOICE như hiện nay, mình tin rằng các bạn sẽ còn vượt xa, bất kể ai sẽ là người kế nhiệm.
Lời cuối cùng, mình xin cám ơn VOICE đã cho mình cơ hội được trải lòng về những trăn trở với đất nước. Cũng như bất kỳ một người dân Việt nam nào, dù sống ở bất kỳ nơi đâu, lòng mình luôn hướng về quê hương và mong muốn được nhìn thấy một Việt Nam phồn thịnh, có nhân quyền và dân chủ. Cám ơn mọi người đã kiên nhẫn đọc hết những dòng tâm sự của mình.