The Vietnamese: Giới chức Liên minh Châu Âu nêu lên mối quan tâm về tình hình nhân quyền đáng lo ngại tại Việt Nam
“Tình hình nhân quyền ở Việt Nam thật đáng lo ngại”, theo Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu, bà Cecilia Malmström, sau cuộc gặp với đại diện các tổ chức xã hội dân sự độc lập Việt Nam vào ngày 14 tháng 3 năm 2019.
Khi công bố thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EV-FTA) vào tháng 10 năm 2018, Ủy viên Malmström đã hy vọng rằng các thỏa thuận đó sẽ “giúp quảng bá những tiêu chuẩn cao của châu Âu và tạo ra các khả năng thảo luận toàn diện về quyền con người và bảo vệ công dân.”
Tuy nhiên, trong nhiều tháng gần đây, tình hình nhân quyền ở Việt Nam không hề cải thiện.
Thay vào đó, nó trở nên đáng lo ngại hơn.
Ủy viên Malmström không phải là quan chức EU duy nhất bày tỏ quan tâm về xu hướng đàn áp nhân quyền đáng lo ngại ở Việt Nam trong những tháng gần đây.
32 Nghị sĩ từ khắp các đảng lớn trong Nghị viện Liên minh Châu Âu đã ký chung một lá thư vào tháng 9 năm 2018, kêu gọi EU yêu cầu Việt Nam cải thiện nhân quyền thật cụ thể trước khi phê chuẩn EV-FTA.
Người phát ngôn của EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách đối ngoại, Maya Kocijancic, cũng đã xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do hồi đầu tháng này, rằng trong Đối thoại Nhân quyền Việt Nam – EU lần thứ 8 tổ chức tại Brussels vào ngày 4 tháng Ba năm 2019, EU đã đề cập cụ thể đến các trường hợp tù nhân lương tâm với phái đoàn Việt Nam.
Bà Kocijancic cũng tuyên bố trong cuộc phỏng vấn tương tự rằng cuộc đối thoại thường niên đã “đưa ra một loạt các vấn đề liên quan đến tự do ngôn luận, Luật An ninh mạng, án tử hình, quyền môi trường và lao động, hợp tác trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc.”
Tính đến hôm nay, cơ sở dữ liệu của Trang 88 Projectđã ghi nhận 21 nhà hoạt động Việt Nam đang bị giam để chờ xét xử. Có 218 nhà hoạt động khác hiện đang thụ án tù; trong số đó, 30 người là các nhà hoạt động nữ và 51 tù nhân chính trị người sắc tộc thiểu số bản địa.
Theo VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment), một trong những tổ chức đã tham dự cuộc họp với Ủy viên Malmström, việc trả tự do vô điều kiện và phóng thích những tù nhân lương tâm ngay tại Việt Nam phải là chuẩn mực nhân quyền đầu tiên trước khi phê chuẩn EV-FTA.
———-
Bài viết được Ban Truyền thông VOICE lược dịch từ bài viết tiếng Anh của trang The Vietnamese.
Hình ảnh từ tài khoản Twitter chính thức của Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmström.
Meeting Vietnamese HR organisations to discuss the worrying human rights situation in Vietnam. pic.twitter.com/mAP9U07Zb1
— Cecilia Malmström (@MalmstromEU) March 14, 2019