Humans of VOICE: Therese Lê
Tuần này chúng ta sẽ cùng lắng nghe những chia sẻ của chị Therese Lê, thành viên của VOICE Na Uy, một trong số những tổ chức liên kết cùng chia sẻ tầm nhìn tương lai với VOICE. Trong những năm qua, nhiều học viên lẫn nhân viên của VOICE đã nhận được nhiều sự giúp đỡ quý báu mỗi lần họ đến đây để đi vận động, thực tập hoặc học hỏi tại các tổ chức ở đây.
——–
Tôi mới có dịp gặp anh Trịnh Hội trong một lần anh tranh thủ ghé thăm cộng đồng người Việt khi đi công tác tại đây. Qua những lần hàn huyên tâm sự, anh mới gợi ý chúng tôi thành lập VOICE Na Uy như là tổ chức liên kết với VOICE của anh. Bằng cách đó, mối quan tâm của cộng đồng đến sự phát triển của quê hương được cụ thể hoá nhờ cùng làm việc chung với VOICE. Ý tưởng này đã nhận được nhiều sự ủng hộ, ai cũng mong sẽ cùng thực hiện với VOICE các mục tiêu và tầm nhìn phát triển xã hội dân sự trong nước, và giúp đỡ những người Việt tị nạn kém may mắn khác.
Rồi cuối cùng chúng tôi cũng tập hợp được một nhóm và thành lập VOICE Na Uy. Hai chương trình gây quỹ đầu tiên đều thành công tốt đẹp. Tất cả là nhờ vào tinh thần hăng say làm việc của các thành viên và nhất là được sự ủng hộ đông đảo của đồng bào Việt Nam tại Na Uy.
Làm việc với VOICE đã mang đến cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời. Những lần gặp gỡ các bạn học viên trẻ của VOICE đã khiến tôi bất ngờ và cảm mến vì sự can đảm dấn thân vào con đường thay đổi xã hội đầy gian nan. Bởi vì ở tuổi các bạn thì tôi vẫn chưa nhận thức được như vậy, cho dù tôi được may mắn sống ở đất nước Na Uy, một trong những nơi đáng sống nhất thế giới. Phải đến những lần tôi về lại Việt Nam thì tôi mới nhận ra sự khác biệt giữa hai nước và ý thức được nguyên nhân của sự khác biệt đó.
Ở tuổi đôi mươi ai cũng có nhiều ước mơ, hoài bão, sự nghiệp cho riêng mình. Nhưng vì sao các bạn ấy đã tạm gác những điều đó để tham gia vào các khoá huấn luyện nhà hoạt động dân sự của VOICE, tham gia vào các công việc thúc đẩy phát triển xã hội đầy gian nan này? Có lẽ có nhiều người sẽ nghĩ như vậy. Nhưng tôi lại nghĩ rằng, thật ra là các bạn ấy hiểu rõ trách nhiệm công dân của mình, muốn góp sức thay đổi quê hương mình được phát triển hơn, không chỉ phát triển về kinh tế mà còn cả về các giá trị tự do lẫn các giá trị nhân quyền. Và đó chính là những ước mơ, hoài bão và sự nghiệp của họ. Thế hệ trẻ hôm nay với tư duy sáng tạo, có trình độ, hiểu biết sâu rộng sẽ là sức mạnh vô bờ bến để thay đổi đất nước ngày một tốt lên.
Tôi lạc quan tin tưởng rằng các con cháu Lạc Hồng đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới cũng đang trăn trở về tình hình đất nước hôm nay. Và họ cũng luôn tự hào về tinh thần yêu nước của các bậc tiền nhân đã ngã mình để bảo vệ mảnh đất này. Chúng ta luôn hãnh diện đã có nền văn hiến lâu đời, có những trang sử hào hùng chiến thắng giặc phương Bắc từ hơn bốn ngàn năm qua. Vì thế các cộng đồng người Việt từ khắp nơi trên thế giới sẽ luôn ủng hộ hết mình cho thế hệ trẻ trong nước. Bởi những bạn trẻ trong nước mới chính là nhân tố để thay đổi xã hội, giúp quê hương Việt Nam ngày một tốt đẹp hơn, văn minh hơn và nhân bản hơn.
Tôi xin mượn lời bài hát “Đã đến lúc” của nhạc sĩ Trúc Hồ để thay cho lời kết.
“Đã đến lúc đứng lên cho sự thật
Đã đến lúc, đứng lên cho công bằng
Người Việt Nam khắp nơi
Cùng nhịp chung tiến lên
Vì quê hương vì Tổ quốc Việt Nam”