Tự do của bác Phong

             

Dưới đây là chia sẻ của một nhân viên, cựu học viên của VOICE về ông Huỳnh Phong, người tị nạn duy nhất mà VOICE thất bại trong việc vận động đi định cư ở nước thứ ba trong số 3.000 thuyền nhân bị kẹt lại tại Philippines. (*)

——-

Bác Phong người Việt gốc Hoa. Sau biến cố 1975, cũng như hàng triệu người Việt khác, đặc biệt là cộng đồng Hoa kiều, bác Phong đã cùng người thân (**) của mình vượt biển ra đi để thoát khỏi những nguy hiểm, đàn áp từ chế độ và tìm cho mình một cơ hội sống sót ở một miền đất mới bình yên và đáng sống hơn. (***)

Dù lấy niềm sống làm hi vọng, nhưng sự bất định trên biển cả thì quá sức khắc nghiệt. Những người sống sót kể lại rằng, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, cạn kiệt lương thực, cả con thuyền chở đầy những bóng ma, vật vờ chờ chết. Hết người này đến người kia lần lượt, lần lượt, thoi thóp, ra đi. Người thân bác Phong cũng nằm trong số ấy, người đó đã chết vì đói và vì kiệt sức. Bác Phong may mắn sống sót, nhưng cũng đã chứng kiến tất cả trong sự bất lực tột cùng.

Những người này cũng kể, sau khi chết, người thân của bác Phong đã bị xẻ ra làm thực phẩm cứu đói cho những người thoi thóp sống cuối cùng trên thuyền. Có lẽ vì thế, mà khi cập bến tại trại Palawan, bác Phong đã không còn tỉnh táo. Theo lời kể của những thuyền nhân tại trại Palawan năm đó, bác thường nói cười một mình, chiều chiều thường ra bờ biển ngồi và trông mãi ra khơi.

Có người cho rằng đó là cách mà bác chống chọi với cú shock kia, chui vào cơn điên của mình, để mà sống sót. Giờ đây bác hiếm khi nói, nhưng mỗi khi nói bác thường gọi mọi người xung quanh bằng chú bác, và hỏi thăm xem bố mẹ chú bác có khoẻ không. Đôi khi bác cũng kể về mình bằng những câu rời rạc. Gom góp lại, có thể thấy là tất cả các câu chuyện đó đều để kể về một anh chàng Phong ba mươi mấy tuổi, về những gì anh chàng đó làm khi ở Việt Nam hay khi lênh đênh trên biển.

Do sức khoẻ, bác bị tất cả các quốc gia từ chối bảo trợ. Và cứ thế, VOICE chịu trách nhiệm trông nom bác suốt mấy chục năm nay. Mỗi tháng, nhân viên hoặc học viên của VOICE thường thăm viếng bác để theo dõi tình hình sức khỏe, đóng phí và tiếp tế nhu yếu phẩm. Gọi là nhu yếu phẩm, nhưng thực chất là những thứ mà bác thích, một lon Coca-cola không đường (bác bị đái tháo đường), ba bánh xà phòng Dove, một chai cồn rửa tay, một hộp bánh quy và hai cái bánh bao để bác ăn ngay tại đó.

Tôi cũng vì thế mà đến thăm bác nhiều lần, lần nào cũng vậy, xúc động không cầm được nước mắt. Sao không xúc động được khi chứng kiến cảnh bác nhận tiếp tế mà vui như đứa trẻ nhận quà. Bác thường sẽ mở túi quà, tìm lon Coca, đưa lên miệng tu ực một hơi hết. Sau đó, bác đếm từng cục xà bông rồi bóc ra cho lên mũi hít hà cho đã.

Có một hôm, như bao lần khác, bác lấy mấy cục xà bông ra hít hà, xong bỏ lại vào hộp rồi lôi bút ra đánh dấu. Hộp đầu tiên, bác viết tên mình bằng chữ Hán, tiếng mẹ đẻ của bác. Hộp thứ hai, bác viết tên mình bằng tiếng Việt. Hộp thứ ba, bác lẳng lặng viết hai chữ “TỰ DO”. Tôi đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến điều đó. Tâm trí tôi lúc bấy giờ vang lên câu hát trong bài “Xin đời một nụ cười” của nhạc sĩ Nam Lộc:

“Tự do ơi tự do! tôi trả bằng nước mắt
Tự do hỡi tự do! anh trao bằng máu xương
Tự do ôi tự do! Em đổi bằng thân xác.
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong.”

Có lẽ nào lời bài hát ấy chính là câu chuyện của chàng trai tên Phong ba mươi mấy tuổi? Có phải vì tự do mà người thanh niên ấy đã lên tàu, đã lênh đênh để rồi đổi lấy một kết cục cay đắng? Tôi sẽ mãi mãi không thể hiểu chuyện gì diễn ra trong đầu bác Phong ngày hôm ấy và nhiều ngày khác. Bác tỉnh hay bác mê, hay bác chọn sống mãi trong tâm tưởng của mình để có thể tiếp tục tồn tại ở hiện tại? Tôi không biết.

Cho đến giờ, dù đã nghe, đã gặp nhiều thuyền nhân, nhưng câu chuyện của bác Phong vẫn luôn là câu chuyện ám ảnh nhất. Tôi, cũng một anh chàng ngoài ba mươi tuổi, rời Việt Nam, rong ruổi qua nước này nước nọ, hòng trau dồi tri thức để trở về cũng chỉ vì hai chữ Tự do. Có khác chăng, tự do trong mơ ước của tôi là tự do trên quê hương mình. Nhờ tự do đó mà Việt Nam ở thành một nơi đáng sống và sẽ không còn ai phải liều mình ra đi.

Con đường trước mắt của tôi còn nhiều chông gai, nhưng tôi biết tôi may mắn hơn chàng trai tên Phong trong bài rất nhiều. Bởi lẽ đó, tôi sẽ không bỏ cuộc, sẽ tiếp tục cho đến khi nào thành công.
———-

(*) Như trong phần chia sẻ, do mắc bệnh tâm thần mà tất cả các quốc gia VOICE vận động đều từ chối trường hợp của ông Huỳnh Phong. Cũng bởi lẽ đó mà VOICE đã chịu trách nhiệm chăm nuôi ông Phong trong những năm qua. Hiện tại ông ở tại một trung tâm chăm sóc cho các bệnh nhân tâm thần tại Manila, Philippines.

(**) Theo những lời kể lại, có người nói rằng đó là em của bác Phong, có người lại kể đó là vợ bác. Không ai chắc chắn được người đó có mối quan hệ cụ thể là gì với bác Phong, chỉ biết đó là một người thân thiết khiến bác phải bị shock khi chứng kiến thảm cảnh. Vì thế người viết chọn dùng chữ người thân cho bài viết.

(***) Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 tại miền Nam Việt Nam là một trong những biến cố tạo nên một trong những cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử thế giới hiện đại. Nhiều báo cáo cho thấy trong số hơn 2 triệu người Việt chạy ra nước ngoài giai đoạn 1975 – 1979 thì có khoảng từ 800, 000 – 900, 000 thuyền nhân Việt Nam, với hơn một nửa chết trên đường vượt biển.
Riêng cộng đồng Hoa kiều thì bị gây sức ép buộc phải bỏ nước ra đi, một phần quay lại Trung Quốc, nhưng phần lớn là vượt biển đến các nước khác trong một chiến dịch có tên Tị nạn Bán chính thức diễn ra khoảng 1978 – 1979.

————

Đây là một bài viết khác về chú Phong:

www.facebook.com/1102791311/posts/10203669521194222

https://www.facebook.com/1102791311/posts/10203669521194222