Học sử ở VOICE
Năm 2013, khi hay tin rằng môn Lịch sử sẽ không nằm trong danh sách các môn thi tốt nghiệp, nhiều học sinh trường THPT Nguyễn Hiền ở TP.HCM đã xé nát đề cương môn sử tung xuống sân trường để ăn mừng.
Vì lẽ gì mà sự học Lịch sử ở nước ta lại trở nên đáng buồn như vậy?
“Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này.
Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng để vun đắp thêm vào cái nền xã hội của tiên tổ đã xây dựng nên mà để lại cho mình.”
Đó là mở đầu lời tựa cuốn Việt Nam Sử lược của học giả Trần Trọng Kim, như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của sử sách đối với dân tộc. Ấy cũng như lời nhắn nhủ đối với những người làm giáo dục, vốn có trọng trách truyền bá lòng yêu sử Việt lại cho các thế hệ đi sau.
Đáng tiếc rằng ta chưa thấy được điều ấy trong chương trình giáo dục sử học tại Việt Nam.
Lãnh nhận một phần trách nhiệm về mình, những người lo việc đào tạo ở VOICE đã nỗ lực đưa các môn Lịch sử vào trong chương trình học.
Một trong số các giảng viên mà VOICE mời về giảng dạy cho các học viên là thầy Ngô Nhân Dụng, chủ bút tờ báo Người Việt và cũng là Giáo sư Đại học Québec tại Canada.
Trò chuyện với các học viên tại VOICE, thầy Ngô Nhân Dụng chia sẻ: “Tổ tiên mình đã gặp những khó khăn suốt cả ngàn năm, họ đã vượt qua nhiều khó khăn và lập thành nước Việt Nam. Chúng ta có bổn phận tiếp tục công việc đó để các thế hệ sau có được một nước Việt Nam hùng cường, giàu có, và được sống tự do dân chủ.”
Vân, học viên khóa 8 hiện đang theo học tại VOICE, kể lại: “Thầy Dụng, với vốn kiến thức sâu rộng về lịch sử Việt Nam từ cổ chí kim, đã có những kiến giải rất hay về sự tồn vong và hưng thịnh của Việt Nam qua suốt chiều dài lịch sử. Qua đó, mình hiểu được tại sao trải qua ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ, nước Việt ta vẫn giữ được phong tục tập quán, tiếng nói và chữ viết. Mình cũng hiểu được tầm ảnh hưởng và mối hoạ từ nước láng giềng Trung Quốc trong thời điểm hiện tại và sự cấp thiết thoát khỏi sự chi phối đó.”
Trong học phần này, các học viên còn được nghe thầy Dụng kể những điển tích như Sĩ Nhiếp – vị Thái thú cai quản vùng đất Việt cổ, Thái thú Nhân Diên với “Chu công lục lễ” về tục cưới hỏi của người Việt, hay thời Lê sơ có công ban bố Bộ luật Hồng Đức bước đầu bảo vệ quyền của người phụ nữ trong hôn nhân.
“Bàn về chữ Nôm, với kiến thức rất uyên bác, thầy lý giải tại sao chữ Nôm lại cực thịnh dưới thời Trần và tại sao tiếng Nôm lại có sức sống mãnh liệt như vậy dưới sức đồng hoá của đế chế Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn,” Vân kể.
“Nhờ có những buổi trao đổi với thầy, mình hiểu rõ hơn những nét tương đồng trong ngữ vựng của tiếng Việt và tiếng Thái. Mình còn biết được vai trò thực sự của Alexander de Rhode trong việc biên soạn cuốn từ điển bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên.”
Không chỉ lồng ghép việc giảng dạy lịch sử Việt Nam vào chương trình học, VOICE còn dành riêng một tuần để dạy môn “Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX”, với những kiến thức về sự thật lịch sử từ cuộc nội chiến hai miền 1954-1975.
VOICE tin rằng việc hiểu biết về lịch sử sẽ giúp các nhà hoạt động xã hội hiểu rõ về đất nước mình, hòng tự tin hơn về con đường mà mình đã chọn.
Không chỉ vậy, chuyện tìm tòi sử Việt còn giúp “cho những thiếu niên nước ta ngày nay ai cũng có thể biết một đôi chút sự tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc hồn”, như lời học giả Trần Trọng Kim vậy.
Đăng ký học bổng Xã hội Dân sự VOICE: https://bit.ly/DangKyHocBongVOICE10
Chi tiết chương trình đào tạo: https://bit.ly/KhoaDaoTaoVOICE10
Giải đáp thắc mắc: http://bit.ly/HoiDapHocBongVOICE10
Cập nhật tin tức tuyển sinh: http://bit.ly/TheoDoiHocBongVOICE10
#HocBongXaHoiDanSuVOICE #VOICE10