Giám đốc Điều hành Trịnh Hội nói về chương trình đào tạo của VOICE

             

Nhân mùa tuyển sinh khóa đào tạo Xã hội dân sự của VOICE lần thứ 9, Ban Truyền thông đã có một cuộc phỏng vấn nhanh với Luật sư Trịnh Hội, Sáng lập viên và cũng là Giám đốc Điều hành của VOICE.

Luật sư Trịnh Hội tốt nghiệp ngành luật tại Ðại Học Melbourne (Úc) và Thạc sĩ Nghiên cứu tại Ðại Học Oxford (Anh). Ông đứng ra thành lập tổ chức VOICE vào năm 2007, với mục tiêu giúp tái định cư những người Việt tị nạn, đồng thời vận động chính sách và nhân quyền, và thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự Việt Nam.

Chào anh Trịnh Hội, được biết VOICE đã thực hiện chương trình đào tạo Xã hội dân sự trong gần 8 năm qua. Có lý do nào đặc biệt khiến cho VOICE thực hiện chương trình này?

Có khá nhiều lý do khiến cho tôi, trong cương vị là Giám đốc Điều hành của VOICE, đã bắt đầu triển khai chương trình đào tạo Xã hội dân sự từ năm 2011.

Thứ nhất là vì vào những năm 2007, khi tôi còn ở Việt Nam làm việc, nhiều người bạn của tôi lúc ấy như Luật sư Nguyễn Văn Đài, Luật sư Lê Công Định đều bảo tôi rằng, tuổi trẻ Việt Nam, đặc biệt là những người thích hoạt động xã hội, cần được đào tạo một cách bài bản hơn.

Thứ hai, tôi nhận thấy mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên Việt Nam được gia đình và nhà nước tạo điều kiện để ra nước ngoài ăn học, làm việc. Trong khi đó, những nhà hoạt động xã hội dân sự, tức những người đang sẵn sàng hy sinh cả sự nghiệp và cuộc sống của họ vì tương lai đất nước, thì lại không được trao tặng những cơ hội như thế.

Vì vậy, tôi nghĩ VOICE cần phải hỗ trợ họ.  

Vì sao anh cho rằng cần phải hỗ trợ những nhà hoạt động xã hội dân sự mà không phải là ở các lĩnh vực khác?

Xã hội dân sự là một trong ba mảng chính để hình thành một xã hội công bằng, văn minh, và nhân bản.

Hiện nay ở Việt Nam chỉ mới có hai mảng, đó là nhà nước (rất mạnh) và kinh doanh (tương đối ổn). Còn mảng xã hội dân sự độc lập thì không những chưa đủ mạnh mà còn thường bị đàn áp.

Tôi nghĩ rằng, ngày nào mà mảng xã hội dân sự này chưa đủ mạnh để cân bằng hai mảng kia, thì sự bất công, lạm dụng quyền hạn và bóc lột người dân sẽ tiếp tục xảy ra trên khắp đất nước.  

Chương trình đào tạo của VOICE chỉ kéo dài trong vòng 6 tháng mỗi khóa. Liệu anh có cho rằng 6 tháng là quá ngắn để đào tạo nên một nhà hoạt động xã hội?

Nó sẽ là quá ngắn đối với những ai thật sự quan tâm về những vấn đề xã hội. Bởi đây là một vấn đề cần phải tốn rất nhiều công sức, thời gian, và tiền bạc mới hiểu và giải quyết được.

Vậy nên, sáu tháng ở VOICE chỉ là bước khởi đầu. Đối với những học viên thật sự quan tâm và có những dự án nhất định, những kế hoạch chắc chắn cho bản thân và cho sự phát triển của Việt Nam, thì VOICE sẽ tạo điều kiện để các bạn được tiếp tục đào tạo ở Úc, Mỹ, và châu Âu với những tổ chức đối tác của VOICE.

Cho tới nay, có nhiều học viên của VOICE đã được đào tạo 2 đến 3 năm rồi mới về nước để tiếp tục công việc hoạt động xã hội.

Đâu là điều khiến anh tâm đắc nhất khi xây dựng chương trình đào tạo này?

Điều khiến tôi tâm đắc nhất là trong 8 năm vừa qua, VOICE đã, đang, và tiếp tục làm một nhịp cầu hữu hiệu kết nối những con người và những tấm lòng Việt Nam luôn thiết tha với tương lai của đất nước, bất kể là họ đến từ đâu, đang làm gì, hay tuổi tác bao nhiêu.

VOICE có hỗ trợ gì cho các học viên sau khi hoàn tất khóa đào tạo không, thưa anh?

Tuỳ vào điều kiện và đặc biệt là phẩm chất, tài năng của mỗi học viên, VOICE luôn tìm cách hỗ trợ và tạo điều kiện cho từng bạn.

Cụ thể, VOICE thường xuyên gửi các bạn đi tham gia các hội nghị trong vùng hoặc trên thế giới, hoặc làm thực tập sinh ở các tổ chức phi chính phủ, kể cả văn phòng của các dân biểu. Nhiều học viên, sau khi hoàn tất khóa đào tạo, đã được giữ lại làm việc trong tổ chức VOICE để các bạn có thể sử dụng ngay những kiến thức và kỹ năng mà các bạn vừa mới học được.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn giúp một số học viên phát triển những dự án cá nhân của mình, để các bạn có thể thực hiện những hoài bão của mình sau khi về nước.

Được biết VOICE đã đào tạo hơn 130 học viên trong thời gian qua. Vậy cho tới nay, những nhà hoạt động từng được VOICE đào tạo đã làm gì để đóng góp cho Việt Nam, thưa anh?

Thật lòng cũng khó mà cân đong, đo đếm vấn đề này, bởi một số bạn đã có những hoạt động nhất định trước khi họ sang làm học viên của VOICE.

Bên cạnh đó, những gì họ đã đóng góp cho Việt Nam không hẳn chỉ nhờ VOICE mà còn nhờ vào những tổ chức, cá nhân khác. Và nhất là sự hết lòng, kể cả những hy sinh cá nhân của họ đã dành cho sự phát triển của Việt Nam.

Ấy là chưa kể đến việc trong thời điểm hiện tại VOICE không thể nào công khai danh tính của họ, vì lý do đảm bảo an toàn thông tin cá nhân.

Thôi thì để cho chính những người đó sau này đánh giá vai trò của VOICE. Nó sẽ chính xác và công bằng hơn cho cả hai bên.

Liệu anh có thể kể lại một kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh với các bạn học viên?

Thật lòng thì có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Nhưng có lẽ nhớ nhất là trong một đêm không trăng ở Tagaytay gần thủ đô Manila, tôi và một số anh em trong nước cùng với một số anh em ở hải ngoại lần đầu tiên đã có dịp gặp mặt và trò chuyện cùng nhau về tương lai của đất nước. Chúng tôi đã có một đêm tuyệt vời đến độ sau này khi mỗi người đã mỗi ngả, chúng tôi đã tạo ra một nhóm trên mạng xã hội có tên là Tagaytay By Night.

Sẽ không bao giờ tôi quên được khung cảnh và những gương mặt, tấm lòng cùng hướng về Việt Nam trong đêm hôm đó.

Xin cảm ơn anh.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài phỏng vấn này. Đặc biệt là các bạn trong Ban Truyền thông của VOICE đã bỏ công thực hiện.

——-

Đăng ký học bổng: https://bit.ly/DangKyHocBongVOICE10
Chi tiết chương trình đào tạo: https://bit.ly/KhoaDaoTaoVOICE10
Giải đáp thắc mắc: http://bit.ly/HoiDapHocBongVOICE10
Cập nhật tin tức tuyển sinh: http://bit.ly/TheoDoiHocBongVOICE10

#HocBongXaHoiDanSuVOICE #VOICE10

#HocBongXaHoiDanSuVOICE