Chuyện về một người lên tiếng
Đó là một buổi chiều tháng 12 năm 1955. Rosa Parks, một thợ may 42 tuổi của một cửa hàng bách hóa ở trung tâm thành phố Montgomery, Alabama, đã bước lên xe buýt về nhà như thường lệ sau một ngày dài làm việc.
Cô ngồi đó, dựa vai vào lưng ghế. Ngồi cạnh cô là hai người phụ nữ và một người đàn ông da đen khác.
Xe buýt mỗi lúc một đông lên. Vị tài xế da trắng Fred Blake yêu cầu Parks và những hành khách da đen khác phải đứng dậy để nhường ghế cho những người da trắng vừa mới bước vào. Hồi đó, luật pháp ghi rõ rằng phần ghế phía trước của xe buýt Montgomery được dành cho công dân da trắng, còn chỗ ngồi phía sau là của công dân da đen.
Ba người ngồi cạnh Parks đứng dậy. Ngoại trừ Parks. Cô ngồi im lặng. “Có đứng dậy không, không thì tôi sẽ gọi cảnh sát tới đây bắt cô!”, Blake hét lên với Parks. “Thì ông cứ làm thế đi,” cô đáp.
Ngay lập tức, hai tay cảnh sát tới bắt cô, lấy dấu vân tay, và tống cô vào nhà tù thành phố.
Câu chuyện Parks dám lên tiếng để rồi bị bắt giữ đã lan khắp thành phố và cả những vùng lân cận.
Ngay ngày hôm sau, khắp Montgomery, người da đen không chịu đi xe buýt. Họ tẩy chay toàn bộ hệ thống xe buýt suốt 13 tháng liền, và đây là một trong những cuộc tẩy chay lâu nhất của người da đen ở Mỹ. Vài ngày sau đó, trong phiên xét xử, Parks bị phạt 10 đô-la, cộng thêm 4 đô-la chi phí tòa án. Cô đã kháng cáo như một cách thách thức những luật lệ phân biệt chủng tộc.
Cuối cùng, vào ngày 13 tháng 11 năm 1956, Tòa án Tối cao phán quyết rằng việc phân biệt chủng tộc trên xe buýt là vi hiến. Cuộc tẩy chay của người da đen kết thúc vào ngày 20 tháng 12, một ngày sau khi thành phố Montgomery thực hiện phán quyết của Tòa án.
Nhiều người nói rằng ngày hôm ấy Parks không chịu đứng dậy chỉ vì mệt mỏi. “Tôi không mệt mỏi về thể chất, hoặc có thể nói là không mệt mỏi hơn thường lệ vào cuối ngày làm việc… Không, tôi chỉ mệt mỏi, mệt mỏi khi phải nhượng bộ,” Parks kể lại trong cuốn hồi ký của mình.
Parks không phải là một ngọn đuốc, một vị thánh sống, hay một vĩ nhân. Cũng giống như chúng ta, cô chỉ là một người bình thường. Và hành động lên tiếng của cô, một hành động rất con người, đã mở màn cho làn sóng đòi quyền của người da đen, và trở thành biểu tượng cho phong trào dân quyền suốt nhiều năm sau đó.
“Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này”, câu nói của Gandhi, là phương châm được nhắc đi nhắc lại qua nhiều thế hệ học viên trong khóa đào tạo Xã hội Dân sự của VOICE.
Quả vậy, sự đổi thay chỉ đến từ những người dám nói lên tiếng nói của mình và không chịu nhượng bộ trước bất công. Những tiếng nói ấy, ban đầu có thể bị dập tắt, có thể bị đàn áp, như cái cách Parks đã bị bắt bớ và tống giam, nhưng chính nó sẽ tạo nên những đổi thay không chỉ cho riêng một cá nhân mà còn cho toàn xã hội.
Ảnh: Rosa Parks trên xe buýt Montgomery vào ngày 21 tháng 12 năm 1956, ngày mà hệ thống giao thông công cộng của Montgomery bỏ luật lệ phân biệt chủng tộc.
—
VOICE đang cấp học bổng toàn phần:
https://vietnamvoice.org/2018/12/hoc-bong-xa-hoi-dan-su-voice-lan-thu-9/
Chi tiết khóa đào tạo: https://bit.ly/KhoaDaoTaoVOICE
Theo dõi chương trình đào tạo:https://web.facebook.com/events/517923698695437/?active_tab=discussion