Học lịch sử Việt Nam ở bảo tàng thuyền nhân Bataan, Philippines

             

Trong thời gian thực tập tại VOICE, do một phần chương trình đào tạo ở Philippines, chúng tôi có cơ hội đi nhiều nơi để tìm hiểu về đời sống chính trị xã hội của đất nước này. Và chuyến đi thăm Bảo tàng thuyền nhân tại Bataan, nơi lưu giữ những kỉ vật của người tị nạn cộng sản từ Việt Nam, Lào và Campuchia, đã cho tôi nhiều cảm xúc.

Đối với những người trẻ sinh sau năm 1975, đặc biệt là ở miền Bắc, chúng tôi chỉ được dạy về lịch sử Việt Nam Thế kỉ XX là một lịch sử huy hoàng, với những chiến thắng oanh liệt trước Pháp, Mỹ trong công cuộc giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Rất ít người biết về một lịch sử khác, lịch sử bi thảm của dân tộc Việt Nam. Đó là lịch sử của Nhân văn – Giai phẩm, Cải cách ruộng đất, Đánh tư sản và tập thể hóa Miền Nam Việt Nam sau năm 1975, và đặc biệt là lịch sử của thuyền nhân Việt Nam.

Sau năm 1975, khi chính thể Việt Nam Cộng hòa (Miền Nam) sụp đổ, hàng triệu người đã bị tước mất đi tài sản, bị đưa vào các trại cải tạo và các khu kinh tế mới. Những chính sách tàn bạo của những người cộng sản đã dẫn đến một làn sóng tị nạn lớn trong lịch sử nhân loại, khi hàng triệu người Việt Nam phải bỏ nước ra đi, trong đó hàng trăm ngàn người bị chết trên con đường tìm kiếm tự do của mình do chìm tàu, cướp biển, vân vân.

Trong nỗ lực tìm kiếm tự do, trước khi được đưa đi định cư ở các nước Phương Tây theo các chương trình tị nạn của Liên Hơp Quốc, thì người Việt tị nạn phải sống trong các trại tị nạn ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hồng Kông và Philippines, mà Bataan là một trong số đó.

Ngày nay, Trại tị nạn Bataan không còn nữa nhưng rất may là những hiện vật về đời sống của người Việt tị nạn được lưu giữ trong Bảo tàng thuyền nhân tại đây.

Nhung-vat-dung-hang-ngay-ma-nguoi-Viet-ti-nan-cong-san-mang-theo-trong-hanh-trinh-vuot-bien_Trai-ti-nan-Bataan_Bataan-Vietnamese-Refugee-Camps_VIETNAM-VOICE
Những vật dụng hàng ngày mà người Việt tị nạn cộng sản mang theo trong hành trình vượt biển.

Đến bảo tàng tôi rất xúc động khi thấy nhiều bức ảnh về cuộc sống của đồng bào mình, các vật dụng hàng ngày như bát đĩa, xoong nồi; ngôi nhà ‘Bunk House’ họ ở; và cả một trong những con thuyền có tên ‘Phú Khang’ mà họ từng dùng vượt biển qua Bataan.

Con-thuyen-Phu-Khang-tung-mang-theo-gan-100-nguoi-vuot-bien-tu-Vietnam-sang-Philippines_Bataan-Vietnamese-Refugee-Camps_VIETNAM-VOICE
Con thuyền Phú Khang từng chở 65 người vượt biển từ Việt Nam sang Philippines.

Gần đó bên ngoài bảo tàng, còn có những đền thờ, Công giáo lẫn Phật giáo, của người Việt tị nạn tại đây. Ở đó cũng có một nghĩa trang, là nơi an nghỉ của hơn 200 người kém may mắn, đã không thể chờ đợi đến ngày được đến với bến bờ tự do.

Nghia-trang-nguoi-Viet-ti-nan-tai-Bataan-Trai-ti-nan-Bataan_Bataan-Vietnamese-Refugee-Camps_VIETNAM-VOICE
Nghĩa trang người Việt tị nạn tại Bataan.

Chuyến đi Bataan để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về những thăng trầm của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XX, và số phận của những người con bất hạnh khi phải trải qua những thăng trầm như vậy. Tôi không thể tưởng tượng được là, sau năm 1975, người Việt Nam lại phải tha hương và sống khốn khổ như vậy.

Và tôi biết rằng, lịch sử Việt Nam cần được viết lại, và người Việt Nam, nhất là những người trẻ cần phải được hiểu đúng về lịch sử của mình, để không còn phạm phải những sai lầm trong quá khứ.

Và Bataan đã và đang là một nơi lưu giữ một phần quan trọng trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX.

* Bài chia sẻ từ học viên Hồ Thanh Phúc.