Học tập thực địa ở VOICE
“Trong những ngày la cà cùng chúng bạn trên Vịnh Nagsasa, cứ tới sẩm tối, tụi tớ phải canh chừng xem khi nào thuyền chài của người dân cập bến. Thuyền vừa thả neo, dân du lịch bụi nháo nhào chạy ra để tự mua cá về nướng ăn đêm.” Nhài, học viên khóa 6 của VOICE, hào hứng kể sau chuyến dã ngoại trên một hòn đảo ở Philippines.
Ở Nagsasa, người dân bản địa chính là những người chủ động cung cấp dịch vụ du lịch. Họ vừa biết kinh doanh, vừa biết bảo vệ môi trường biển bởi đây là mái nhà của họ, là đất mẹ của họ.
Điều khiến Nhài ngạc nhiên là hầu như không có chuyện xả rác trên đảo. “Ý thức về môi trường của người dân đảo này rất cao. Bờ biển không có rác, đường sá được giữ gìn sạch sẽ. Có lẽ chính vì vậy mà khách du lịch cũng chùn tay khi muốn vứt rác bừa bãi, và phải tự nhìn nhận lại ý thức của chính mình,” Nhài kể.
Để đến được Vịnh Nagsasa, các bạn học viên phải đi xe bus gần 6 tiếng đồng hồ, rồi chuyển qua jeepney, một loại phương tiện giao thông công cộng nổi tiếng của Philippines, trước khi đến bến thuyền Bundaquit.
“Nhóm tụi tớ phải tự lên kế hoạch, tìm đọc tài liệu hướng dẫn, và sắp xếp mọi thứ. Ở VOICE các anh chị nhân viên rất khuyến khích tụi tớ tự tổ chức những chuyến đi dã ngoại như thế này.” Theo Nhài, nhờ việc tự tổ chức đi dã ngoại mà cô học được rất nhiều, từ cách lên kế hoạch mua vé, bắt xe, chia việc xem ai mua gì, ai nấu nướng, cho tới cách sống hòa hợp cùng các bạn đồng khóa.
Hoặc như khóa vừa rồi, các bạn học viên còn tự lên kế hoạch đi tỉnh Tagaytay, nơi được xem là có khung cảnh đẹp nhất Philippines. Để đến được nơi này, các học viên phải bơi thuyền ngang một hồ nước lớn, rồi leo lên núi lửa Taal cao hơn 300 mét để ngắm một hồ nước xanh nằm lọt thỏm giữa thung lũng, vốn được hình thành từ những vụ phun trào thời tiền sử.
“Chuyện đi dã ngoại không chỉ đơn thuần là giải trí thường kỳ. Các bạn học viên phải nắm được bản đồ, lên kế hoạch đi lại, tìm kiếm thông tin trên mạng về nơi ăn chỗ ở, và chủ động trong mọi công việc cũng như phải hợp tác cùng nhau. Từng việc nhỏ như vậy đều giúp các bạn trải nghiệm chính xác thế nào là quản lý, lãnh đạo, và làm việc nhóm,” theo anh Quân, nhân viên quản lý chương trình đào tạo của VOICE.
“Mỗi vùng đất tớ đi qua thường thôi thúc tớ nghĩ về chuyện Việt Nam mình. Từ khi nào mà những người dân bản địa lại trở thành người phục vụ khách du lịch, và những nơi chốn đẹp đẽ thuần khiết của thiên nhiên Việt Nam lại bị du lịch hóa, bị băm nát?”, Nhài suy tư.
Có đi, có thấy, thì mới thấu chuyện người, rồi ngẫm chuyện mình. Có lẽ từ đó, các bạn học viên hẳn đã tự nuôi dưỡng trong mình một khát vọng tạo nên sự đổi thay cho Việt Nam, để một Việt Nam tương lai không còn nhiều trăn trở nữa.
Đăng ký học bổng Xã hội Dân sự VOICE: https://bit.ly/DangKyHocBongVOICE10
Chi tiết chương trình đào tạo: https://bit.ly/KhoaDaoTaoVOICE10
Giải đáp thắc mắc: http://bit.ly/HoiDapHocBongVOICE10
Cập nhật tin tức tuyển sinh: http://bit.ly/TheoDoiHocBongVOICE10
#HocBongXaHoiDanSuVOICE #VOICE10