Thông báo của VOICE và VOICE Canada về vấn đề người tị nạn

             

Thông Báo của VOICE và VOICE Canada

09 September 2018

Đây là thông báo liên quan đến việc tổ chức VOICE và VOICE Canada dự tính sẽ giúp khoảng 15 gia đình tỵ nạn Việt Nam tại Thái Lan, bao gồm 50 người, được định cư tại Canada trong năm 2018 – 2019 thông qua hai chương trình bảo trợ tư nhân (private sponsorship program):

  • Group of Five. Mỗi hồ sơ/gia đình tỵ nạn (recognized refugee) phải có 5 người bảo trợ; và

  • Sponsorship Agreement Holder. VOICE Canada là tổ chức đã được Chính Phủ Canada chấp thuận đơn xin cho phép bảo trợ trực tiếp 6 người tầm trú (asylum seeker) trong năm 2018 bất kể họ có được Cao Uỷ Tỵ Nạn UNHCR công nhận là tỵ nạn hay không (con số này sẽ thay đổi mỗi năm tuỳ vào chính sách của Canada và khả năng tài chính của VOICE Canada sau này).

Xin thông báo đây chỉ là dự tính khởi đầu trong công việc giúp đỡ các gia đình tỵ nạn Việt Nam vì nó phải phụ thuộc vào bốn yếu tố chính:

  1. VOICE và VOICE Canada phải tìm cho đủ số người bảo trợ (ít nhất là 50 người Canada sẵn sàng cưu mang các gia đình tỵ nạn mới sang trong vòng 1 năm kể từ ngày họ đặt chân đến Canada).

  2. Số tiền bảo trợ chính phủ Canada buộc phải có trước khi đơn xin được chấp thuận. Mỗi người được tính sẽ tốn khoảng $12,500 đô Mỹ ($16,500 đô Canada – Xin xem Bản Hướng Dẫn của Bộ Di Trú Canada đính kèm).

  3. Số tiền cần phải có để trang trải mọi chi phí liên quan đến hồ sơ xin định cư (tiền nộp đơn, tiền đóng visa, tiền khám sức khoẻ, tiền vé máy bay, tiền đi lại trong nội địa, chi phí ăn uống, đi lại của các thiện nguyện viên, v.v…). Tổng cộng khoảng $3,000 cho đến $4,000 đô cho mỗi người (xin xem Bảng Hướng Dẫn đính kèm).

  4. Thời gian, công sức và khả năng của các thiện nguyện viên của VOICE và VOICE Canada vì đây là một công việc hoàn toàn thiện nguyện mà người tỵ nạn không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào.

Vì những lý do trên, khả năng mà VOICE và VOICE Canada có thể giúp được một số gia đình tỵ nạn Việt Nam là rất nhỏ so với con số người Việt đang xin tỵ nạn tại Thái Lan được ước tính lên đến trên 1000 người. Cũng vì vậy mà VOICE và VOICE Canada chỉ sẽ cứu xét những trường hợp thương tâm nhất (most compelling cases) dựa trên 5 tiêu chí sau (được tính theo thứ tự từ 1 đến 5) đối với tất cả mọi trường hợp:

  1. Sự dấn thân, tranh đấu lúc còn trong nước và mức độ bị đàn áp sau đó.

  2. Khả năng bị bắt và mức độ nguy hiểm nếu bị trả về Việt Nam.

  3. Thời gian và hoàn cảnh từ lúc vượt biên sang Thái Lan xin tỵ nạn.

  4. Khả năng hội nhập vào xã hội Canada và sẽ không là gánh nặng cho người bảo trợ hoặc xã hội.

  5. Ảnh hưởng của việc giúp đỡ và lợi ích lan toả trong tương lai (social and potential benefits in the future). Thí dụ: hồ sơ có các trẻ em nhỏ sẽ được chú ý hơn.

Vì đây là một công việc sẽ tốn rất nhiều tiền bạc, công sức cũng như thời gian, VOICE và VOICE Canada khẩn thiết kêu gọi sự giúp đỡ của tất cả đồng bào ở khắp mọi nơi cũng như sự thông cảm, hiểu rõ vấn đề của tất cả mọi người liên quan, đặc biệt là những người Việt tỵ nạn tại Thái Lan.

Tuỳ vào sự thành công của chương trình này, trong tương lai VOICE và VOICE Canada sẽ tiếp tục công việc giúp đỡ người Việt tỵ nạn không chỉ ở Thái Lan mà còn ở những nơi khác vì đây là một công việc thiết thực, đầy ý nghĩa mà cộng đồng người Việt chúng ta cần phải làm.

Cảm ơn tất cả mọi người đã đọc thông báo này. Kèm theo đây là một số câu hỏi thông dụng và trả lời của chúng tôi. Nếu có ý kiến hoặc thắc mắc nào khác, xin vui lòng liên lạc chúng tôi qua email: [email protected].

Thân chào,

Đỗ Kỳ Anh

President

VOICE Canada

Trịnh Hội

Executive Director

 VOICE

Câu Hỏi và Trả Lời – FAQ (Frequently Asked Questions)

  1. Sự lựa chọn của VOICE và VOICE Canada có dựa trên khả năng tài chính, thu nhập của người tỵ nạn hoặc bạn bè, người thân của họ muốn giúp họ không?

Không. Một số người tỵ nạn có thể có bà con hoặc bạn bè hoặc chính họ cũng có thể tự xoay sở để trang trải một số chi phí và điều này sẽ làm cho công việc của VOICE và VOICE Canada dễ dàng hơn. Nhưng nếu làm như vậy thì sẽ không công bằng đối với những gia đình tỵ nạn hội đủ các tiêu chí trên nhưng không có khả năng tài chính vì vậy VOICE và VOICE Canada đã quyết định chỉ dựa trên 5 tiêu chí đã đưa ra.

  1. Chương trình bảo trợ tư nhân này khác gì so với những chương trình trước dành cho các thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam còn bị kẹt tại Thái Lan?

Có hơi khác. Các điều kiện bảo trợ và chi phí phát sinh do chính phủ Canada đưa ra cao hơn (thí dụ: chi phí resettlement costs tăng từ $11,800 lên $16,500 Canadian). Một điều khác biệt nữa là lần này ai cũng có thể nộp đơn xin được bảo trợ, là thuyền nhân trước đây hay chỉ mới sang Thái Lan xin tỵ nạn gần đây, miễn hội đủ các điều kiện.

Đây cũng là lần đầu tiên VOICE Canada được công nhận là một Tổ Chức Bảo Trợ (Sponsorship Agreement Holder) và có quyền trực tiếp bảo trợ 6 người trong năm 2018 mà không phải thông qua bất kỳ tổ chức nào như Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) chẳng hạn. Miễn là VOICE Canada có đủ khả năng tài chính và đồng ý làm giấy bảo trợ.

  1. Tại sao vẫn còn một số thuyền nhân bị kẹt tại Thái Lan mặc dù họ hội đủ điều kiện trước đây?

Bắt đầu từ năm 2014 khi VOICE và VOICE Canada giúp đỡ định cư một số thuyền nhân tại Thái Lan, đã có 2 lần chính phủ Canada trực tiếp phỏng vấn cứu xét hồ sơ xin định cư. Lần thứ nhất dựa trên list đệ trình của VOICE và Liên Hội Người Việt ở Canada thông qua tin tức do Cha Peter Namwong cung cấp vào năm 2006. Cha là người đỡ đầu nhiều thuyền nhân Việt Nam sau khi họ trốn trại để tránh không bị cưỡng bức hồi hương về Việt Nam trong thập niên 1990.

Lần thứ hai cũng dựa trên tin tức Cha Peter Namwong cung cấp trực tiếp cho Toà Đại Sứ Canada tại Bangkok nhân dịp nhóm thứ nhất được phỏng vấn vào năm 2015. Cha đã xin bổ sung một số hồ sơ vì trước đó những thuyền nhân này không giữ liên lạc với cha nên cha không biết hoặc không nhớ.

Kể từ đó cho đến nay, một số thuyền nhân khác đã liên lạc với cha xin được giúp đỡ, một số khác mặc dù có tên trên danh sách bổ sung nhưng đã quyết định không đi (nhưng bây giờ lại thay đổi ý kiến và muốn nộp đơn xin đi) và hiện nay vẫn còn hai trường hợp đang chờ kết quả kháng án sau khi bị từ chối.

Đây là một trong những lý do vì sao VOICE Canada đã quyết định nộp đơn xin làm Sponsorship Agreement Holder (Tổ Chức Bảo Trợ) để trong tương lai VOICE Canada có thể tiếp tục giúp đỡ người Việt tỵ nạn bất kể họ có là thuyền nhân trước đây, hay không được UNHCR công nhận là tỵ nạn.

  1. Nếu năm nay không được chọn thì năm sau có thể nộp đơn xin lại không?

Được.

  1. Ai là người cuối cùng đưa ra quyết định chọn hay không chọn để giúp đỡ?

VOICE và VOICE Canada làm việc chung với nhau trong quá trình xét duyệt xem hồ sơ nào nên được ưu tiên giúp đỡ. Các thiện nguyện viên của VOICE trực tiếp gặp và phỏng vấn người Việt tỵ nạn tại Thái Lan và sau đó lập hồ sơ đề nghị (recommendation) lên giám đốc của hai tổ chức là Ông Đỗ Kỳ Anh và Trịnh Hội. Sau khi bàn thảo với những người liên quan (Board members, sponsors, VOICE affiliates), hai người cùng đưa ra quyết định cuối cùng.

  1. Có ai hiện đang làm việc cho VOICE hay VOICE Canada có bà con hay người thân là người Việt tỵ nạn tại Thái Lan không?

Không.

  1. Nếu như có trên 1000 người Việt tỵ nạn ở Thái Lan mà VOICE và VOICE Canada chỉ có thể giúp được một số người thì biết đến bao giờ chúng ta mới giúp được tất cả?

Đây là lý do tại sao công việc chính cũng như trọng tâm của VOICE là giúp phát triển xã hội dân sự Việt Nam. Vì chỉ khi nào nhà nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền, không đàn áp, đánh đập, bỏ tù những người bất đồng chính kiến thì khi ấy câu chuyện tỵ nạn Việt Nam mới chấm dứt.

Riêng bây giờ, tuy biết là chỉ có thể giúp được một số gia đình và công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng không vì thế mà VOICE và VOICE Canada không giúp. Đã, đang và sẽ có rất nhiều người Việt tỵ nạn cần được giúp đỡ và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức trong khả năng của mình.

Xem bản chính thức tại đây: Thông báo của VOICE và VOICE Canada về vấn đề người tị nạn

Thông báo của VOICE và VOICE Canada về vấn đề người tị nạn