Bất chấp đối diện tù đày, nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong vẫn nói “Hong Kong đang bị đe dọa”

             

Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) là một người tự do, và vẫn còn rất trẻ. Chiều thứ Tư vừa rồi, khi anh đến trước một quảng trường ở Hồng Kông, mà anh hay gọi Quảng trường Công Dân, đó là lúc anh có thể không còn là một người tự do nữa. Vào thứ Năm, người thanh niên 20 tuổi này đối mặt với án tù vì đã lãnh đạo những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở đây ba năm trước. “Tôi chưa thực sự sẵn sàng cho nó”, Wong đã trả lời tờ TIME trong một cuộc phỏng vấn độc quyền.

Bản chuyển ngữ của Nhạc sĩ Tuấn Khanh từ bài viết Facing Jail, Democracy Activist Joshua Wong Says ‘Hong Kong Is Under Threat’ trên tạp chí TIME

Vào ngày 26 tháng 9 năm 2014, Wong và một nhóm nhỏ các nhà hoạt động sinh viên khác đã tạo nên một trận cuồng phong ở trước trụ sở chính phủ Hồng Kông nhằm phản đối những gì mà họ coi là sự xâm phạm trực tiếp vào chính trị và xã hội từ Trung Quốc. Ban đầu chỉ ở khu vực quảng trường, sau đó là đến khu hội chợ cũng bị rào chắn vào năm 2014 để ngăn chặn những người biểu tình, từ các nhà hoạt động dân chủ tới các nhà vận động nhân quyền, cùng phối hợp ở đó.

Đêm đó, Wong và những người khác bị xịt hơi cay giữa những cuộc đụng độ với cảnh sát. Có ít nhất một chục học sinh đã bị bắt. Hai ngày sau, một phần để phản ứng các vụ cảnh sát tấn công sinh viên ở tiền đường – nơi mà những người biểu tình bắt đầu gọi đó là “Quảng trường Dân sự” hay “Quảng trường Công dân” – hàng chục ngàn người trẻ tuổi đã tràn ngập các khu phố trung tâm và khu kế cận Admiralty, nơi của giới quyền lực tại Hồng Kông. Ở đó, họ đẩy mạnh các cuộc biểu tình đã lên kế hoạch nhằm chống lại sự can thiệp của Trung Quốc vào các cuộc bầu cử ở Hồng Kông, và cắm trại, biểu thị ôn hòa trên đường phố trong suốt 79 ngày. Vai trò xuất sắc của Wong trong các cuộc phản kháng này trở thành chủ đề của bản phim tài liệu có trên Netflix Joshua: Teenager vs. Superpower (tạm dịch: Joshua – cậu thiếu niên chống lại siêu quyền lực).

Facing Jail, Democracy Activist Joshua Wong Says 'Hong Kong Is Under Threat'
Joshua Wong, khi 17 tuổi đã là nhà lãnh đạo của nhóm hoạt động dân chủ Scholarism, ngồi bên cạnh những thanh rào chắn dựng trước tòa nhà chính phủ trung ương tại quận Admiralty, Hồng Kông, Trung Quốc, vào thứ Tư 10-12-2014. Ảnh: Lam Yik Fei / nguồn Getty Images đăng trên Bloomberg.

Trong tất cả các sự kiện của phong trào, sau này được gọi tên là cuộc Cách mạng Dù, đó có thể chỉ mới là hành động đầu tiên Wong trong chuỗi suy nghĩ của anh. Vào ngày 19 tháng 8 năm 2015, anh và hai người bạn cùng trang lứa của mình đứng ra thành lập đảng chính trị Demosisto, mà sau đó bị buộc tội tập hợp bất hợp pháp và kích động tình trạng bất ổn vì vai trò của họ trong việc dấy động tiền đường tòa nhà chính phủ. Ngày 20 tháng 7 năm 2016, họ bị kết án 80 giờ lao động công ích .

Hôm thứ Năm, Wong, cùng với Nathan Law (La Quán Thông), 23 tuổi, và Alex Chow (Chu Vĩnh Khang), 26 tuổi, phải đối mặt với một ủy ban tư pháp mà các công tố viên đã yêu cầu một án tù cho những người này, vì chính quyền cho rằng bản án phạt như vậy là quá nhẹ nên đã gửi thông điệp không đủ mạnh đến các nhà hoạt động khác.

Tháng 9 năm ngoái, Law 23 tuổi, trở thành luật sư trẻ nhất từng được bầu vào cơ quan lập pháp Hồng Kông, nhưng anh đã bị các đồng nghiệp thân Bắc Kinh lật đổ vì tuyên bố anh không tôn trọng chính quyền trung ương Trung Quốc trong buổi lễ tuyên thệ. Nếu Law bị án tù hơn ba tháng, anh sẽ bị truất quyền hành pháp vì không thể vận động cho sự nghiệp chính trị của mình suốt trong 5 năm như Wong và Chow. Tòa án thậm chí đã đồng ý đánh giá lại mức án của ba thanh niên. Thái độ này của Hồng Kông là tiếng chuông cảnh báo rằng, Trung Quốc có đủ quyền áp đặt lên Hồng Kông, vốn được coi là vùng bán tự trị, với một nền tư pháp độc lập.

Hôm thứ Tư, dù trong tâm trạng lo lắng nhưng Wong đã kiên quyết đã gặp báo TIME bên ngoài quảng trường, ở chính nơi mà anh đã khởi động phong trào vào ba năm trước. Chỉ không đầy 24 giờ trước khi có quyết định tái thẩm, anh nói thẳng thắn về niềm tin của mình rằng anh đã trở thành mục tiêu của việc truy tố chính trị. Anh nói mục tiêu của anh là hướng về một chế độ dân chủ và tự trị Hồng Kông, và hy vọng rằng quê hương anh sẽ đứng vững trong phần – mà anh gọi là – vùng lãnh thổ tự do nhất của Trung Quốc.

Cuộc phỏng vấn của TIME với Wong sau đây, đã được tạp chí này chỉnh sửa về độ dài và làm rõ nghĩa.

Tòa án đang xét lại mức trừng phạt đối với vai trò của anh trong sự kiện 26/9/2014 khi anh cùng các bạn khởi phát phong trào trước tòa nhà chính quyền. Anh có thể điểm lại vài điều từ sự kiện này?

Ba năm trước, chúng tôi đã tổ chức một hoạt động giành lấy Quảng trường của Công dân và yêu cầu bầu cử tự do và dân chủ ở Hồng Kông. Chúng tôi đã chống lại sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và rồi hôm nay chúng tôi đang phải đối mặt với một bản án từ chính phủ Trung Quốc. Có thể họ sẽ gửi tôi đến nhà tù hơn nửa năm. Những gì tôi muốn cộng đồng quốc tế nhận ra là Hồng Kông đã thuộc về chế độ độc tài. Đây là một trận chiến lâu dài, và chúng tôi cũng kêu gọi sự yểm trợ dài hạn. Hồng Kông giờ đây đang bị đe dọa.

Giờ đây nhìn lại hoạt động đó, anh có nghĩ rằng mình sẽ chọn một phương thức tranh đấu khác, nếu có cơ hội làm lại?

Tôi không hề hối tiếc gì. Chúng tôi đã chống lại việc giáo dục yêu nước (một nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm áp đặt việc thần phục Bắc Kinh trong các chương trình tại trường học ở địa phương), đó là lý do tại sao chúng tôi tiến đến quảng trường. Ba năm trước, chính phủ đã thiết lập một rào cản để ngăn chặn quyền tự do hội họp của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi tổ chức một hành động để lấy lại quảng trường, nhắc nhở mọi người rằng, đã đến lúc lấy lại quyền của mình. Đây là nơi đầu tiên tôi bị bắt, và đó là lý do tôi sẽ bị đưa đến nhà tù, nhưng tôi không hối tiếc về điều đó và tôi vẫn tiếp tục đấu tranh cho nền dân chủ.

Với tình trạng anh đã nhận một mức án đối với tội danh này, và rồi lại bị sửa đổi lại bản án với mục đích nhằm ngăn chận một cách hợp pháp con đường hoạt động chính trị của anh, anh có xem việc kháng cáo mức án cũng là một hành động chính trị?

Mùa hè năm ngoái tôi đã bị kết án 80 giờ phục vụ cộng đồng. Ngày mai (thứ Năm) tôi sẽ phải đối mặt với án tù gần một năm với hình phạt tù ngay lập tức. Điều này chứng minh rằng các tòa án Hồng Kông chỉ tuân lệnh Trung Quốc. Đây cũng là một mối đe dọa.

Nếu bị bỏ tù, nhiều người sẽ xem anh và những người cùng chí hướng của anh là những tù nhân chính trị đầu tiên của Hồng Kông. Điều này thể hiện gì về sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông mà anh vẫn gọi là một trong những “giá trị cốt lõi” của hòn đảo này?

Nền tư pháp độc lập đang bị đe dọa vì sự trung thành của Bộ Tư pháp đối với Trung Quốc. Tôi hy vọng mọi người sẽ nhận ra điều đó. Một thập kỷ trước, người ta mô tả Hồng Kông là một nơi không còn chế độ dân chủ nhưng vẫn có luật pháp. Và bây giờ thì Hồng Kông đã chuyển hóa thành chế độ độc tài.

Chúng tôi sẽ không phải là những tù nhân chính trị đầu tiên ở Hồng Kông (hôm thứ Ba vừa rồi, tòa án cũng đã kết án 13 nhà hoạt động từ 8 đến 13 tháng, tội danh phá hoại các hoạt động lập pháp khi tổ chức phản đối các dự án phát triển nông thôn). Chúng tôi chỉ là người đầu tiên trong Phong trào Dù Vàng. Chính phủ đã xem xét trường hợp này chống lại chúng tôi vì họ hy vọng đưa chúng tôi đến nhà tù và ngăn chặn cơ may của chúng tôi trong cuộc bầu cử. Tôi tin rằng Bộ Tư pháp đang tái thẩm án của tôi vì họ nghĩ rằng làm vậy, tôi sẽ không thể đến với một cuộc bầu cử.

Anh có xem Hồng Kông là một phong vũ biểu của tự do ở ở Châu Á, và cách anh đang bị đối xử có là một dấu hiệu bất ổn cho các quy tắc dân chủ và pháp quyền trong khu vực rộng lớn hơn?

Hồng Kông là thành phố có mức độ tự do cao nhất trong tất cả các lãnh thổ Trung Quốc. Ở châu Á Thái Bình Dương, tôi nghĩ Hồng Kông nên trở thành điểm nhấn để mọi người nhận ra rằng [Trung Quốc] vẫn vi phạm nhân quyền. Tôi hy vọng kinh nghiệm của Hồng Kông sẽ thúc giục sự đoàn kết toàn cầu và làm cho mọi người quan tâm hơn đến Hồng Kông. Đây là nơi mà những người trẻ tuổi – như cô ấy hay tôi (Wong chỉ vào một người qua đường) – bị đưa đến nhà tù.

Về chuyện giữa anh và tòa án Hồng Kông, anh có nghĩ rằng đã có những tác động đối với nhiều bạn trẻ ở Hồng Kông, hay nơi nào khác, tích cực hơn về mặt chính trị trong những năm gần đây?

Trong vài năm qua đã có một cuộc nổi dậy, đã có một nhận thức chính trị mới trong thế hệ tôi. Tuy nhiên, các vụ truy tố và tuyên án chính trị đang gia tăng. Chúncg tôi đang ở trong thời kỳ đen tối của quê hương mình. Nhưng với một kỷ nguyên đen tối như thế này, với sự đàn áp chế độ Bắc Kinh, những người trẻ tuổi phải đứng ở tuyến đầu để đòi dân chủ. Tôi chỉ muốn nói rằng nếu Nathan, Alex và tôi phải chịu án tù, vì tất cả chúng tôi không chọn đứng ngoài cuộc, thì không có lý do gì để mọi người lùi lại.

Hầu hết các nhà quan sát đều có chung dự đoán rằng anh sẽ phải vào tù. Anh mới 20 tuổi. Anh có sợ không?

Tôi chưa chuẩn bị cho điều này. Và sau khi tôi bị đưa đến nhà tù, tôi chỉ có thể gặp bố mẹ tôi hai lần mỗi tháng trong nửa giờ. Tôi sẽ nhớ họ, và tôi sẽ nhớ ngôi nhà của tôi. Không ai muốn bị đưa đến nhà tù, kể cả tôi. Tôi mệt mỏi, và tôi sợ hãi, nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục chiến đấu.

Tác giả: Feliz SolomonAria Chen/ Hong Kong