Chính quyền Việt Nam mạnh tay đàn áp nhân quyền trước thềm APEC – dpa International

             

Động thái đàn áp những người bất đồng chính kiến của an ninh Việt Nam trong nhiều tháng trời khiến ít nhất 12 người bị bắt giam trên cả nước. Việc đàn áp diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11. Hội nghị quy tụ các quan chức cấp cao khu vực Thái Bình Dương.

Hà Nội (dpa) – Nguyễn Viết Dũng, 31 tuổi, bị an ninh bắt vào trưa 27/9 tại quê nhà Nghệ An. Từ đó đến nay, không ai được tiếp xúc với Dũng, kể cả người nhà và luật sư. Cha anh, ông Nguyễn Viết Hùng không biết làm cách nào để giúp con trai mình.

Anh Dũng bị cáo buộc về tội “tuyên truyền” chống phá nhà nước, với mức án có thể lên tới 20 năm tù giam.

“Dũng đã đi theo con đường của nó, nên sớm muộn gì nó cũng bị bắt. Tôi không sốc, cũng không ngạc nhiên gì khi người ta bắt nó nhưng tôi rất tức giận”, từ Nghệ An, ông Hùng trao đổi qua điện thoại.

Chuyện của Dũng không phải là cá biệt. Có ít nhất 12 nhà bất đồng chính kiến bị bắt, buộc tội hoặc kết án chống phá nhà nước kể từ tháng Sáu, là một trong những cuộc đàn áp giới bất đồng chính kiến mạnh mẽ nhất của chính quyền Việt Nam nhiều năm nay.

Ở một diễn biến khác, Giáo sư Phạm Minh Hoàng, một nhà bất đồng chính kiến có song tịch Việt Nam và Pháp, thậm chí đã bị tước quyền công dân Việt Nam và trục xuất sang Paris.

Việt Nam là nước có thể chế độc đảng với đảng Cộng sản là đảng duy nhất nắm quyền. Việt Nam cấm giới bất đồng chính kiến, khép tội hình sự những hoạt động của các đảng đối lập và bắt giam những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.

Phạm Đoan Trang, cựu phóng viên báo nhà nước – hiện đang là một nhà hoạt động nhân quyền, nói rằng tình hình phong trào bất đồng chính kiến đang trở nên ảm đạm hơn: “Lực lượng an ninh sẽ không dừng lại và họ cũng sẽ không ngừng đàn áp bằng bạo lực. Do đó, quãng thời gian sắp tới sẽ cực kỳ tăm tối cho Việt Nam.”

Những nhà hoạt động đối đầu với chính phủ chủ yếu truyền tải thông điệp thông qua mạng xã hội. Họ đấu tranh cho các vấn đề từ môi trường đến tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc ban Á châu của Human Rights Watch (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York) nhận định: “Có vẻ như Chính phủ Việt Nam cảm thấy bị đe dọa vì các chiến dịch đang ngày càng có tổ chức và phối hợp tốt hơn… song song đó ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của truyền thông internet giúp mọi người dân có thêm nhiều cách tổ chức mới.”

Dũng thành lập Đảng Cộng Hòa Hội những người yêu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cả hai đều liên quan đến chế độ cũ Sài Gòn – đồng minh của Mỹ bị Quân đội Cộng sản đánh bại trong chiến tranh Việt Nam.

Anh đã đăng các hình chụp anh mặc quân phục quân đội và quốc kỳ của Chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Những biểu tượng này vốn là điều bị cấm kỵ trong tại Việt Nam hiện nay.

Cha của Dũng chia sẻ anh là một người năng nổ trong các hoạt động giúp đỡ cộng đồng.

“Nó giúp người ta làm đường, xây trường học, còn giúp những người khó khăn nữa, nhưng chính quyền lại nghĩ rằng nó kích động quần chúng,” ông nói.

Ông còn cho biết thêm, từ khi Dũng bị bắt, dân làng không dám nói gì để “tránh bị vạ lây.”

Ông Nguyễn Quang A, một doanh nhân và nhà kinh tế học đã về hưu, đồng thời là một trong những nhà hoạt động dân chủ có tiếng tại Việt Nam nhận định, việc bị cho vào tầm ngắm là thành phần chống đối tùy thuộc vào cách anh thể hiện sự ủng hộ cho Dân chủNhân quyền.

“Nếu anh cất tiếng nói ủng hộ chế độ cũ, thì họ sẽ coi anh nguy hiểm hơn số khác” Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho hay.

Những tù nhân chính trị khác, như blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt về tội chỉ trích đảng Cộng sản Việt Nam trên cộng đồng blogger.

Theo Carl Thayer – Giáo sư danh dự Đại học New South Wales (Úc), là chuyên gia hàng đầu về Việt Nam, việc ra quân đàn áp của Chính phủ Việt Nam có thể nằm trong kế hoạch chuẩn bị trước cho Hội nghị thượng đỉnh APEC dự kiến diễn ra vào tháng 11 tại Đà Nẵng. Hội nghị sẽ quy tụ những lãnh đạo trong khu vực Thái Bình Dương và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quốc tế sẽ dành sự tập trung vào Việt Nam, do đó chính phủ muốn đảm bảo rằng các Nhà hoạt động không thể tận dụng cơ hội này để thu hút sự chú ý của quốc tế đến những vấn đề mà họ đang đấu tranh.

“Thời điểm bắt giữ và xét xử cho thấy chính phủ đang tiến hành các động thái ngăn chặn trước thềm hội nghị để cảnh cáo, hăm dọa các nhà hoạt động khác khỏi việc xuống đường biểu tình hoặc phản đối trên mạng,” ông Thayer cho biết.

Ông còn nhắc lại, nhiều nhà hoạt động đã cố gắng lôi kéo sự chú ý của truyền thông và lãnh đạo thế giới trong Hội nghị APEC diễn ra tại Hà Nội vào năm 2006.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, dù chính phủ đang đàn áp quyết liệt nhưng không thể ngăn các nhà hoạt động nhiệt huyết thực hiện những việc mà họ vẫn đang làm.

Ông nói: “Nếu đã muốn đấu tranh cho Dân chủ, Nhân quyền, anh phải đối mặt với tất cả các tình huống, hậu quả. Và tôi nghĩ với những Nhà hoạt động đang bị cầm tù, họ không sợ gì hết.”

“Tất nhiên những biện pháp cứng rắn của chính quyền có thể khiến người ta lo lắng một chút, nhưng có thể thấy đây chỉ là tình trạng tạm thời thôi,” ông cho biết thêm.

Nhà báo Phạm Đoan Trang tin rằng sẽ có “ánh sáng cuối đường hầm” cho Việt Nam, bất chấp những thách thức về nhân quyền đang tác động đến đất nước trong tương lai gần:

“Chỉ là vấn đề thời gian thôi, và chúng tôi phải sống để vượt qua những khó khăn đó”, Đoan Trang nói.

Từ: dpa International – “Vietnam activists face sustained government crackdown ahead of APEC”