Những điều trường học Việt Nam không dạy bạn (Kỳ 1): Nhập môn Chính trị
Đối với đa phần các bạn trẻ ở Việt Nam, khi nói đến chính trị dễ thường liên tưởng ngay tới chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hay đường lối cách mạng của đảng. Bởi lẽ, đó là những gì họ được học khi bước chân vào giảng đường đại học, qua các môn học về chính trị, hay qua các buổi sinh hoạt chính trị đầu khóa.
Vậy học chính trị ở VOICE có gì khác?
Ở VOICE, trong 6 tháng khóa đào tạo Xã hội dân sự, chúng tôi cố gắng cung cấp cho bạn các kiến thức chính trị căn bản nhất và cần thiết nhất mà một công dân cũng như một nhà hoạt động xã hội cần biết.
Chẳng hạn, môn học Nhập môn Chính trị, một trong số các môn học “Kiến thức Căn bản” được dạy ở VOICE, sẽ cung cấp cho bạn kiến thức về 5 chủ đề cơ bản như sau:
1. CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN
Các bạn sẽ bắt đầu môn học với những khái niệm cơ bản nhất như nhà nước, chính phủ, dân tộc, hiến pháp, công dân, sở hữu tư nhân, và kinh tế thị trường.
Chẳng hạn với khái niệm nhà nước, bạn sẽ phải trả lời các câu hỏi như: nhà nước là gì, nguồn gốc của nó đến từ đâu, và đâu là phạm vi của quyền lực nhà nước.
2. CÁC Ý THỨC HỆ CHÍNH TRỊ
Bạn thường hay nghe tới những thuật ngữ như cánh tả, cánh hữu, rồi những quan niệm kiểu “người Cộng hòa thuộc phe cánh hữu, còn những người Dân chủ thuộc phe cánh tả”. Vậy điều này có đúng không?
Trong lớp Nhập môn Chính trị, bạn sẽ được giải thích rõ những khái niệm và vấn đề như vậy thông qua việc học về các ý thức hệ chính trị như: Chủ nghĩa tự do, Chủ nghĩa bảo thủ, Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa phát xít, vân vân.
Một khi nắm được các ý thức hệ chính trị như vậy, bạn sẽ tiên đoán được chính sách của các đảng phái và chính phủ khi họ lên nắm quyền. Chẳng hạn như bạn có thể trả lời được câu hỏi rằng chính quyền Macron (Pháp) sẽ có khuynh hướng tăng thuế hay giảm thuế, điều tiết phúc lợi xã hội như thế nào.
3. CÁC THIẾT CHẾ NHÀ NƯỚC
Trong môn học này, bạn sẽ học về ba thiết chế cơ bản của một nhà nước (nói chung) là hành pháp, lập pháp và tư pháp.
Từ ba thiết chế này, mà mỗi nơi kết hợp với nhau theo một kiểu khác nhau, hình thành nên các dạng tổ chức chính quyền khác nhau như đại nghị, tổng thống, và bán tổng thống.
Bên cạnh đó bạn được học về hai vấn đề thể chế quan trọng là hệ thống bầu cử và hệ thống đảng.
4. CÁC VẤN ĐỀ TRONG THIẾT KẾ HIẾN PHÁP
Tại sao nước Anh là có hệ thống hai đảng, mà nước Bỉ lại có hệ thống đa đảng? Điều gì tạo nên sự khác biệt này và sự khác biệt này ảnh hưởng đến sự vận hành trong thực tế của hệ thống chính trị như thế nào?
Tại sao nước Mỹ lại hay xảy ra bế tắc chính trị giữa tổng thống và quốc hội? Rồi tại sao, quốc hội Anh lại có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm phế truất thủ tướng? Và nếu những điều này xảy ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự hoạt động của toàn bộ hệ thống? Có cách nào để điều chỉnh?
Trong phần này, bạn sẽ được học về các nguyên tắc chung trong thiết kế hiến pháp, để biết được khi kết hợp hệ thống đại nghị với hệ thống bầu cử đa số, hoặc hệ thống tổng thống tổng thống với hệ thống bầu cử tỉ lệ, sẽ tạo ra các kiểu chính quyền hoạt động như thế nào.
5. NHÀ NƯỚC ĐỘC TÀI
Chúng ta thường hay nói về nạn độc tài cùng các vấn đề của nó mà bản thân chúng ta vẫn đang phải trải qua hàng ngày. Song bản chất của độc tài là gì?
Nội dung học phần này sẽ cung cấp cho bạn những nét chung về các hệ thống độc tài, cũng như các dạng thức của nó. Đồng thời, bạn cũng hiểu được các cách mà các nhà độc tài dùng để duy trì sự cai trị của mình.
Cuối cùng, bạn sẽ có một cái nhìn tổng quan về những thách thức mà một nhà hoạt động xã hội có thể đối mặt khi sống trong một đất nước độc tài, từ đó chuẩn bị cho riêng mình các giải pháp phù hợp.
TÀI LIỆU HỌC TẬP
Ngoài ra, VOICE cũng cung cấp cho các bạn những học liệu học tốt nhất, hiện đang được sử dụng phổ biến ở các trường đại học phương Tây.
Trong môn học này, tài liệu đọc chính là hai quyển sách:
– Principles of Comparative Politics, của Matt Golder và các tác giả khác.
– Comparative Politics, của Daniele Caramani.
Thêm nữa, còn có các tài liệu bổ sung bằng tiếng Việt như:
– Chính trị Bình dân, của nhà báo Pham Doan Trang
– Thế chế Chính trị, tài liệu lưu hành nội bộ của VOICE
– Luật Hiến pháp (2 tập), của Giáo sư Lê Đình Chân
– Chế độ Dân chủ: Nhà nước và Xã hội, của N.M. Voskresenskaia (dịch giả Phạm Nguyên Trường chuyển ngữ)
Sau khi tham khảo những môn học tương tự ở các trường trên thế giới, với những nội dung và học liệu như trên cùng những giảng viên có kiến thức chuyên môn, VOICE tin rằng lớp Nhập môn Chính trị sẽ cung cấp cho học viên những kiến thức hiện đại, cập nhật, và cần thiết nhất về chính trị.
Hãy đến với VOICE, và trải nghiệm những kiến thức chính trị mới mẻ.
—
VOICE đang cấp học bổng toàn phần: https://vietnamvoice.org/2018/12/hoc-bong-xa-hoi-dan-su-voice-lan-thu-9/
Chi tiết khóa đào tạo: https://bit.ly/KhoaDaoTaoVOICE
Theo dõi chương trình đào tạo: https://www.facebook.com/events/517923698695437/?active_tab=discussion