Pam Baker – Người luật sư đấu tranh cho quyền của người Việt tị nạn ở Hong Kong
Ngày mai là tròn 17 năm ngày mất của bà Pam Baker (ngày 24/4/2002), người luật sư đã dành nhiều năm đấu tranh cho tự do của người Việt tị nạn tại Hong Kong. Bà Pam cũng là người hướng dẫn đầu tiên (mentor) của Luật sư Trịnh Hội và là người truyền cảm hứng để anh theo đuổi công việc tỵ nạn sau này.
“Nếu không có Pam chắc chắn tôi đã nào làm được những việc tỵ nạn mà tôi bắt chước Pam làm. Cũng chắc chắn rằng tôi không thể nào là tôi.”- Anh viết nhân 8 năm ngày mất của bà.
Anh luôn nói rằng: “To me, Pam might have gone physically. But her spirit lives on. – Đối với tôi, Pam có thể đã không còn. Nhưng tinh thần của bà thì vẫn sống tiếp.”
Tinh thần của Pam có lẽ được thể hiện rõ ràng nhất qua câu nói: “We judge how civilized a society may be not by looking at how it treats the wanted but rather the unwanted.” Nghĩa là: “Chúng ta đánh giá sự văn minh của một xã hội không phải bằng cách nhìn xem những người được trọng vọng được đối xử ra sao mà phải xem những người bị ruồng bỏ bị đối xử như thế nào.”
Và để nhắc nhở nhau về tinh thần này, chân dung của bà luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong các văn phòng của VOICE.
Để tưởng nhớ bà, chúng tôi xin lược dịch một bài báo về bà ngay sau khi bà mất trên The Guardian.
https://www.theguardian.com/news/2002/apr/27/guardianobituaries
——
LUẬT SƯ HONG KONG ĐẤU TRANH CHO QUYỀN CỦA NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN
Ngày xửa ngày xưa, tại Hong Kong thuộc địa (của Anh), có một vị luật sư của chính phủ đã bị khiển trách nặng nề vì dám trợ giúp pháp lý cho những người Việt tị nạn khốn khổ. Bà bị cáo buộc là “khích động những hy vọng sai lầm”. Chính vì vậy, Pam Baker đã từ chức và thành lập công ty luật của riêng bà. Bà làm việc miễn phí cho hàng chục ngàn người tị nạn, và đã chứng minh được tại tòa án, tại Viện Cơ mật, rằng cuối cùng những hy vọng ấy là không hề sai. Bà hưởng thọ 71 tuổi.
Trong thập kỷ tiếp theo, bà chính là bà tiên Florence Nightingale (*) của các trại tị nạn ở Hong Kong, khi bà dấn thân vào một loạt các cuộc tranh đấu mang tính bước ngoặt để chống lại các quyết định quan liêu tàn nhẫn của người Anh và của chính quyền Trung Quốc sau năm 1997.
Nhờ sự kiên trì và lòng quả cảm của bà, văn phòng Pam Baker & Co đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận, cho những người khố khổ nhất trên trái đất này. Họ là hàng trăm ngàn người tị nạn Trung Quốc từ miền bắc Việt Nam đã bị Bắc Việt đàn áp chỉ vì là người Trung Quốc. Và rồi sau đó họ bị đàn áp bởi chính người Trung Quốc vì họ là người tị nạn từ Việt Nam chạy sang.
Hãng luật của bà đã trở thành đất dụng võ cho những luật sư sáng láng và đầy lý tưởng, đến từ Anh Quốc, Úc và Hoa Kỳ. Được truyền cảm hứng từ Pam, những luật sư thiện nguyện này đã dùng tài trí để chống lại các quan chức nhập cư, vốn là những người có tiền.
Pam sinh ra ở Scotland, lấy bằng luật ở Đại học St Andrews năm 1951. Sau đó bà kết hôn với một bác sĩ và trở thành bà mẹ của sáu đứa con trong vòng 7 năm. Vì thế dù bà đủ điều kiện để làm luật sư nhưng sự nghiệp của bà đã bị trì hoãn trong quãng thời gian khá lâu.
Bà đã không làm công việc liên quan đến luật cho đến năm 50 tuổi. Lúc này bà làm luật sư cho hãng Gray’s Inn, chuyên về luật gia đình. Nhưng cái văn phòng toàn nam đó đã không cho bà tiếp tục làm việc ở đó. Bà sợ cái định kiến rằng bà một người phụ nữ có tuổi (bà đã lên chức bà vào thời điểm đó). Vì thế, vừa mới ly hôn, bà đã chuyển sang Luật sư Đoàn Anh quốc, giống như là Quân đội Viễn chinh nước Pháp vậy. Bà nhận một chân trong bộ phân trợ giúp pháp lý Hong Kong.
Dù trước đó không lâu, bà Pam đã làm được nhiều việc đáng kể tại Hong Kong. Vào năm 1985, bà lãnh đạo phong trào thiết lập nơi trú ẩn đầu tiên cho phụ nữ bị bạo hành (shelter for battered women); là người sáng lập hiệp hội luật gia đình (the family law association), bà vận động thành công luật chống lại bạo lực gia đình.
Nhưng vào năm 1990, khi Hong Kong thay đổi luật để từ chối người xin tị nạn, bà đã chống lại chính sách của chính quyền lãnh thổ Hong Kong. Bà đã trợ giúp pháp lý cho các hành khách và thủy thủy đoàn của “Thuyền tị nạn 101” để họ có thể sử dụng “Đơn yêu cầu habeas corpus” (**) nhằm thách thức việc giam cầm họ sau hàng rào kẽm gai. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đã thể hiện một vai trò đáng xấu hổ, ủng hộ các chính phủ ở Đông Nam Á vào thời điểm đó, cùng với Chính phủ Anh đã phê bình bà ấy. Pam đã bị cấm xử lý các trường hợp tị nạn, bị gọi là “kích động những hy vọng sai lầm”. Bà đã từ chức, với tư cách là một luật sư địa phương, bà thành lập công ty luật Pam Baker & Co để bảo vệ quyền của người tị nạn.
Cuối cùng, trường hợp tị nạn lớn nhất của người Việt nam đã thắng kiện trong gan tấc, 3-2, tại Viện Cơ mật, ngay trước khi bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997. Đó là một biến chuyển đã mang đến cho Pam thử thách cuối cùng và cũng khó nhất của bà.
Bà đã được mời trợ giúp cho hàng ngàn trẻ em của thường trú nhân Hong Kong bị kẹt lại ở Trung Quốc đại lục. Chúng không thể có được giấy phép từ chính quyền Trung Quốc để được đoàn tụ với cha mẹ (***). Chúng được dắt vào lãnh thổ Hong Kong hoặc là quá hạn thị thực du lịch, và họ gọi cho Pam khi chúng bị bắt. Bà đã lấy các trường hợp mẫu để thiết lập được quyền lập hiến cho chúng ở Hong Kong, mà đỉnh điểm là một chiến thắng lịch sử tại phiên tòa phúc thẩm cuối cùng của lãnh thổ Hong Kong vào tháng 1 năm 1999.
Nhưng kết quả đó đã biến thành tro bụi vài tháng sau đó. Vì Đảng Cộng sản Trung Quốc viện dẫn một điều khoản mơ hồ về luật cơ bản cho phép đảo ngược phán quyết của Tòa án Tối cao Hong Kong – nơi thực sự được gọi là tòa phúc thẩm áp chót.
Pam đã coi việc chống lại quyết định chính trị hòng thay đổi sự độc lập tư pháp và pháp trị tại Hong Kong này là trận chiến cuối cùng của mình. Bà ấy đã hướng dẫn những luật sư, trong đó có tôi, để cãi lại rằng việc này đã phá hủy một cách bất hợp pháp những hy vọng chính đáng của thân chủ của bà ấy. Những đứa trẻ có quyền hợp pháp đã bị chính phủ Trung Quốc dập tắt một cách tàn nhẫn và tùy tiện.
Pam bắt đầu kháng cáo cuối cùng của họ, và cũng của bà ấy, vào năm 2001 trong tinh thần cao độ. Nhưng căn bệnh ung thư lại được chẩn đoán đang phát ra trong lúc phiên tòa bị hoãn (bà ấy đã hút thuốc trong suốt những năm tháng sống vì thân chủ của mình). Đệ trình cuối cùng của chúng tôi đã được chuyển đến giường bệnh của bà. Kết quả là tòa án phán quyết rằng: một số đứa trẻ được phép ở lại Hong Kong với tư cách thường trú nhân, nhưng số còn lại có khả năng bị trục xuất.
Trước khi qua đời, bà đã rất háo hức khi nghe tin là những đứa trẻ này đã được một số cơ quan của Liên Hợp Quốc nhận nuôi. Họ hiện đang can thiệp chính quyền Hong Kong nhằm nỗ lực ngăn chặn việc trục xuất trẻ em.
Pam Baker đã sống những ngày cuối đời đầy ấn tượng ở Hong Kong, đã chiến thắng một cách đầy ngoạn mục bằng chính sự hài hước đầy ngạo nghễ và châm biếm của mình. Bà không kiếm được tiền từ công việc của mình, và cũng không bị ảnh hưởng bởi lời tán dương mà bà nhận được; Tôi nghĩ rằng bà đã bị thúc giục hành động bởi chính cảm thức không chấp nhận được bất công.
Cuộc đời của bà đã tạo ra một sự thay đổi, khác biệt lớn cho cuộc sống của hàng ngàn người tị nạn; bà là mẹ nuôi của “những hy vọng sai lầm” của họ, người đã trở thành vị thánh bảo trợ cho những hy vọng chính đáng của họ.
Pamela Maureen Baker, luật sư và cố vấn pháp luật, sinh ngày 28 tháng 8 năm 1930; mất ngày 24 tháng 4 năm 2002. Hưởng thọ 71 tuổi.
– Chú thích:
(*) Florence Nightingale: Tên của một nữ y tá người Anh, nổi tiếng với lòng nhân từ và cứu giúp người khốn khổ vô điều kiện.
(**) Habeas corpus: một trác lệnh yêu cầu một người bị bắt phải được đưa ra tòa, đặc biệt là để xem xét thả người đó trừ khi có các căn cứ hợp pháp để tiếp tục việc giam giữ họ.
(***) Mời quý vị đọc thêm bối cảnh ở đây: https://www.latimes.com/archives/la-xpm-1999-apr-10-mn-25945-story,amp.html