10 ngày học hỏi tại đảo quốc Đài Loan

             

Tháng 8 vừa qua tôi có cơ may là một trong 17 nhà hoạt động châu Á được chọn tham dự chương trình Asia Young Leaders for Democracy (AYLD 2018) do Quỹ Dân Chủ Đài Loan (Taiwan Foundation for Democracy) tổ chức tại thủ đô Đài Bắc, Đài Loan.

Toan-bo-hoc-vien-cua-khoa-AYLD2018-cung-lanh-dao-Taiwan-Foundation-for-Democracy_VIETNAM-VOICE
Toàn bộ học viên của khóa AYLD 2018 cùng lãnh đạo Taiwan Foundation for Democracy

Đài Loan là một trong số ít quốc gia dân chủ thịnh vượng và tự do nhất châu Á hiện nay, bên cạnh Nhật Bản và Hàn Quốc, dù quốc gia này đã từng trải qua thời kỳ độc đảng toàn trị cho đến năm 1989. Đây là nơi đóng đô của tập đoàn công nghiệp đầy tai tiếng Formosa. Và Đài Loan cũng là nơi xuất phát điểm đời hoạt động của nhà hoạt động Trần Thị Nga cho đến khi cô bị kết án tù cũng vì tập đoàn Formosa. Chính những điều trên khiến tôi gửi đơn ứng tuyển đến AYLD 2018 để được tìm hiểu trực tiếp đất nước này.

Chính Phủ Không Làm Được Gì Cả!

Ngay sau khi ổn định chỗ ở, bước ra đường, tôi thấy ngay một sự kiện đang diễn ra đông đúc trên phố. Đó là chiến dịch thu thập chữ ký nhằm yêu cầu Ủy ban Olympic Quốc tế gọi tên đoàn thể thao của quốc gia này là Đài Loan, bỏ đi cách gọi “Trung Hoa Đài Bắc” theo áp lực từ Bắc Kinh. Tôi mới hỏi một bạn tình nguyện viên của chiến dịch, “Có phải đây là chiến dịch của chính phủ?”. Đáp lại bạn trả lời bằng thái độ nghiêm túc, “Không phải, chúng tôi phi chính phủ, phi chính trị, là xã hội dân sự, chính phủ không làm được gì cả!” Tôi mới chợt ngộ ra, vì đã quá quen với suy nghĩ rằng tất cả mọi thứ liên quan đến thể thao cấp quốc gia tại Việt Nam đều có “đảng và nhà nước lo”, nên tôi hỏi câu hỏi ngớ ngẩn đó. Bởi thật ra các liên đoàn thể thao về nguyên tắc là tổ chức xã hội độc lập khỏi chính phủ lẫn đảng phái. Tôi thật sự ấn tượng với thái độ phê phán chính phủ ra mặt của bạn tình nguyện viên đó, không dựa dẫm mà chủ động làm những việc chính phủ chưa làm được.

Hinh-anh-noi-dien-ra-chien-dich-tai-khu-vuc-nha-ga-Ximending-Dai-Bac-Taipei_VIETNAM-VOICE
Hình ảnh nơi diễn ra chiến dịch tại khu vực nhà ga Ximending, thủ đô Đài Bắc.

Những Khách Mời Nổi Bật

Ngày đầu tiên của chương trình AYLD 2018, chúng tôi gặp cô Lin Nien-tzu, người phụ nữ nhỏ bé này nằm trong danh sách 100 Phụ nữ năm 2017 do BBC bầu chọn. Cô truyền cảm hứng cho chúng tôi từ sự dấn thân của cô để giúp đỡ cho hàng ngàn phụ nữ bị phân biệt đối xử tại Nepal. Hành trình dấn thân ấy chỉ bắt nguồn từ một lần đi du lịch Nepal của mình.

Những ngày sau đó, chúng tôi được gặp thêm 2 khách mời nổi tiếng là ông J. Michael Cole và giáo sư Larry Diamond đến nói chuyện với chúng tôi. Nhà nghiên cứu Trung Quốc, ông J. Michael Cole, chia sẻ về các ảnh hưởng tiêu cực lên tình hình dân chủ chung của thế giới mà chính sách “Quyền lực nhọn” (Sharp Power) do Trung Quốc thực hiện. Tiếp theo, Giáo sư chính trị học Larry Diamond nói về tình hình suy thoái dân chủ trên toàn cầu hiện nay. Dù tên chủ đề của cả 2 buổi nói chuyện đều liên quan những điều tiêu cực, nhưng nội dung chia sẻ của 2 ông đều mang cho tôi những cái nhìn lạc quan về sự phát triển dân chủ, tuy có thể dừng lại hay thụt lùi ở mỗi giai đoạn nhưng xu thế dân chủ trong dài hạn là không bị cản lại. Những ngày tiếp theo tại Đài Loan giúp tôi mường tượng được điều đó.

Hoc-vien-Le-Hong-Phong-dung-cung-giao-su-Larry-Diamond-VIETNAM-VOICE
Học viên Lê Hồng Phong đứng cùng giáo sư Larry Diamond

Gặp Gỡ Và Trăn Trở

Thật sự đúng như tôi mong đợi, AYLD 2018 mang đến cho chúng tôi một góc nhìn tổng quan về xã hội dân sự tại đảo quốc này, thông qua việc mời các lãnh đạo của các tổ chức nổi bật ở đây.

“Lực lượng thứ 3” này là nền tảng củng cố và phát triển cho nền dân chủ Đài Loan còn non trẻ sau khi trải qua thời kỳ thiết quân luật dài nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Chúng tôi đã được gặp những lãnh đạo trẻ đến từ các tổ chức nổi bật nhất ở Đài Loan. Đó là các tổ chức làm việc trong các mảng về công nghệ thông tin, quyền LGBTQ+, quyền Phụ nữ, hỗ trợ lao động nước ngoài, phát triển thương mại và hợp tác kinh tế, vân vân.

Trong lúc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật An ninh mạng thì tôi gặp được đại diện của cộng đồng trực tuyến g0v.tw (g0v.asia). Họ phát triển công nghệ thông tin để hỗ trợ và làm tăng chất lượng dân chủ, để nhà nước thân thiện và hữu ích cho người dân và người dân được tự do hơn. Công nghệ thông tin không phải công cụ hỗ trợ đắc lực để nhà nước kiểm soát tự do người dân như Trung Quốc và Việt Nam đang làm.

Tiếp theo là tổ chức One-Forty hỗ trợ cho các cộng đồng lao động nước ngoài đang làm việc tại Đài Loan, trong đó Việt Nam đứng thứ 3 về số lượng. Những tổ chức như thế có rất nhiều tại Đài Loan, là chỗ dựa tin tưởng cho các cộng đồng lao động nước ngoài mỗi khi gặp khó khăn. Đó là chưa kể đến các tổ chức công đoàn độc lập do người lao động làm chủ, không bị ảnh hưởng từ giới chủ. Có lẽ ít ai biết, 20 năm trước, nhà nữ hoạt động Trần Thị Nga từng là một lao động nước ngoài nổi tiếng tại Đài Loan lúc đó. Với sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt tại đây và những tổ chức khác, chị đã đấu tranh thành công, đòi lại quyền lợi bị mất từ giới chủ tại đây. Đó quả là chuyện khó có thể xảy ra với người công nhân trong nước.

Tran_Thi_Nga_Nha-hoat-dong-Vietnamese-activist_Nha-hoat-đong-xa-hoi-Tran-Thi-Nga_VIETNAM-VOICE
Nhà hoạt động xã hội Trần Thị Nga

Những lãnh đạo trẻ của các tổ chức Awakening Foundation, Taiwan Gender Equity Education bảo vệ và đấu tranh cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tại Đài Loan cũng đến AYLD 2018 để chia sẻ công việc của họ. Hai mươi năm trước các vấn đề xâm hại tình dục, bạo hành phụ nữ và trẻ em, kỳ thị giới LGBTQ+ bị xã hội Đài Loan phớt lờ. Nhưng chính nhờ họ đoàn kết, thành lập các tổ chức xã hội dân sự đồng thanh trong các chiến dịch, cất lên tiếng nói đấu tranh với những kẻ có quyền và tiền mà họ có được thành quả ngày nay. Bởi họ hiểu được nếu không lên tiếng bảo vệ kẻ yếu chống lại cái xấu thì tương lai chính họ sẽ là nạn nhân kế tiếp, cũng sẽ không ai bảo vệ họ. Tôi nhìn về Việt Nam, nghĩ về vấn nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam vẫn chưa giải quyết được dù quy mô của Hội Phụ nữ Việt Nam hoặc các hội liên quan khác trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam cực kỳ lớn nếu so với các hội đoàn độc lập tại Đài Loan, tuy nhỏ nhưng hiệu quả hơn.

Ngoài ra tôi cùng tận mắt chứng kiến hàng loạt công viên phân bố khắp đều ở thủ đô Đài Bắc. Trong số đó tôi bắt gặp 1 tấm bảng dựng tại một công viên. Đọc nội dung tôi biết được từng có giai đoạn chính quyền thành phố Đài Bắc quyết chặt hạ hàng loạt cây xanh để xây dựng các dự án lớn. Tuy nhiên người dân đã lên tiếng và hành động để bảo vệ thành công các mảng xanh thành phố. Sau đó theo luật Đài Loan, bảo vệ cây xanh và xây dựng công viên trong quy hoạch là điều bắt buộc. Vì thế người Đài Loan có được một thủ đô xanh như ngày nay. Tôi lại nghĩ về phong trào “Bảo vệ 6.700 cây xanh” của nhóm Green Trees bị chính quyền thành phố Hà Nội đàn áp mà ngậm ngùi.

Tam-bang-tai-mot-cong-vien-giai-thich-ve-su-kien-lich-su-tai-day_VIETNAM-VOICE
Tấm bảng tại một công viên giải thích về sự kiện lịch sử tại đây.

Các nhà hoạt động Đài Loan cũng nói rằng Đài Loan từng gặp vấn đề với tập đoàn Formosa. Nhưng người dân và các tổ chức dân sự đã ngày đêm tranh đấu thành công đòi lại quyền lợi cho các nạn nhân của nhà máy. Ngày nay họ vẫn đang kiên trì, gây sức ép liên tục để buộc các tập đoàn công nghiệp giống như Formosa ngày càng nâng cao các tiêu chuẩn an toàn, bảo đảm môi trường sống cho người dân xung quanh.

Xã hội dân sự ở Đài Loan rõ ràng có nội lực, độc lập và năng động. Họ đã làm hết mọi thứ mà chính phủ không thể làm được. Rất khó tin là chỉ 30 năm trước Đài Loan vẫn còn chìm trong một chế độ độc tài toàn trị. Đài Loan rõ ràng là một trường hợp điển hình mà người Việt Nam cần phải nhìn vào nghiêm túc. Những bài học kinh nghiệm của Đài Loan sẽ hữu ích cho Việt Nam trong chuyển đổi dân chủ từ một mô hình độc tài, mà phần lớn khá giống Việt Nam hiện nay.

Nếu các lãnh đạo nhà nước Việt Nam thực tâm muốn quốc gia phát triển, độc lập, tự chủ thì chỉ cần họ chịu tiếp thu những bài học kinh nghiệm của Đài Loan. Đó là tôn trọng và tạo điều kiện cho xã hội dân sự tại Việt Nam phát triển. Nhà nước phải tháo bỏ những kềm kẹp xã hội hiện nay, như là thừa nhận các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, quyền biểu tình,… Chỉ có như thế các lực lượng khác nhau trong xã hội mới có điều kiện kết nối để cùng nhau lên tiếng, giải quyết các vấn đề của chính họ. Bởi chỉ có họ mới hiểu rõ họ nhất, họ cần gì và phải làm gì để giải quyết vấn đề. Những tổ chức xã hội thuộc Mặt Trận Tổ Quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước lập ra không thể giải quyết các vấn đề ấy bởi các tổ chức này không đại diện trực tiếp cho các nhóm xã hội mà họ mạo nhận mang tên. Có như thế xã hội mới thay đổi đi lên trong ôn hòa, không xáo trộn, tất cả các bên cùng có lợi, không có ai bị “lật đổ”.

Mặt khác, cũng nhìn theo kinh nghiệm của Đài Loan, xã hội cũng không thay đổi tốt hơn, nếu các tầng lớp xã hội không chấp nhận rủi ro để hợp nhau trong các hội nhóm, cùng nhau lên tiếng cho quyền lợi của nhóm mà phù hợp với lợi ích chung của xã hội, quốc gia.

Việt Nam muốn thay đổi đi lên cách tốt nhất, thì phải đến từ cả hai phía như trên. Tôi tin Việt Nam sẽ có sự thay đổi như thế, bởi người trẻ Việt Nam đang nhận ra xu thế dân chủ của thời đại và họ đang “đói” tự do như bất cứ xã hội toàn trị nào trước đêm chuyển đổi dân chủ.

* Bài chia sẻ thể hiện quan điểm riêng của học viên Lê Hồng Phong.

Hoc-vien-Le-Hong-Phong-dung-cung-Chu-Tich-TAIWAN-FOUNDATION-for-DEMOCRACY-ong-Ford-Fu-Te-Liao_VIETNAM-VOICE
Học viên Lê Hồng Phong đứng cùng Chủ tịch Taiwan Foundation for Democracy, ông Ford Fu-Te Liao.