Cuộc khủng hoảng nhân quyền trong thầm lặng tại Việt Nam

             

Thiếu thông tin, cạnh tranh lợi ích toàn cầu, và một nhà nước công an có nhiều vi phạm đã không được thế giới chú ý.

Anh Nguyễn Chí Tuyến, 43 tuổi, sống tại Hà Nội, bị côn đồ tấn công trên đường về nhà sau khi đưa con đi học.

Anh Tuyến, bút danh Anh Chí, là một blogger bất đồng chính kiến, làm công việc dịch sách cho một nhà xuất bản địa phương, cho biết anh bị khoảng 6 người đàn ông mặc thường phục ép xuống xe và đánh đập trong khi anh không hề biết họ là ai.

Anh Tuyến nói về sự việc đã xảy ra vào tháng 5/2015, “Có ít nhất hai xe chặn tôi lại, một phía trước và một sau lưng. Tôi nghe một người đàn ông hô, ‘Là nó đó!’”

Anh không thể khẳng định được danh tính của những kẻ tấn công mình, nhưng anh chắc chắn những kẻ đó là tay sai của cảnh sát.

Anh nói, “Chúng tôi biết họ là nhóm tổ chức của lực lượng an ninh”.

Linh Chu lược dịch từ: Vietnam’s Quiet Human Rights Crisis – The Diplomat

Theo Các cơ quan giám sát nhân quyền thì sự việc xảy ra với anh Tuyến là bình thường trong nhà nước độc đảng của Cộng sản Việt Nam. Các thống kê về những quốc gia vi phạm nhân quyền cho thấy Việt Nam luôn là một trong những nhà nước công an trị độc đoán nhất trên thế giới, nhưng lại ít được quốc tế quan tâm.

Khủng hoảng nhân quyền trong thầm lặng tại Việt Nam
Blogger Nguyễn Chí Tuyến, 43 tuổi, nổi tiếng với bút danh Anh Chí, tại một cửa hàng cà phê Hà Nội vào tháng 7 năm 2016. Ảnh của Aleksandra Arefieva.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Châu Á, cho biết, “Vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam thì rất là tệ. Ngoan cố, lỳ lợm, chính quyền Việt Nam quyết tâm đẩy lùi những lời chỉ trích của thế giới nên họ không xứng đáng được hưởng sự ưu ái từ quốc tế.”

Tổ chức Ân xá Quốc tế thống kê tại Việt Nam có 91 tù nhân lương tâm trong bản báo cáo thường niên 2016, con số cao nhất ở Đông Nam Á. Trong số 13 ký giả bị cầm tù ở Đông Nam Á thì hết 8 người là Việt Nam, theo lời Ủy ban Bảo vệ Các Nhà Báo.

Các tờ báo và nhóm xã hội dân sự, vốn không bao giờ thoát khỏi sợi dây của đảng, gọi các nhà bất đồng chính kiến là “phản động”. Các phóng viên nước ngoài bị đòi hỏi phải có trụ sở tại Hà Nội và luôn bị theo dõi chặt chẽ.

Nhục mạ có hệ thống

Chị Đào Thị Hương, 30 tuổi, tư vấn tài chính cho một công ty Singapore. Mặc dù được hưởng lợi từ sự bùng nổ kinh tế gần đây dưới thời Đảng Cộng sản, chị Hương quả quyết rằng nền dân chủ đa đảng mới là con đường phía trước.

“5 năm trước, tôi từng tin tưởng vào đảng, vào chính phủ, vào Bác Hồ”, chị Hương nói tại một quán cà phê gần hồ Hoàn Kiếm của Hà Nội.

Tư tưởng của chị đã thay đổi từ sau sự kiện luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân bị bắt năm 2012, ông phải chịu 30 tháng tù giam vì tội trốn thuế, trong khi những người ủng hộ ông cho là có động cơ chính trị đằng sau.

“Mọi người cứ tiếp tục nói về ông, và tôi nhận ra ông ấy không tệ như những gì báo chí đăng, và tôi bắt đầu suy nghĩ tại sao chính quyền lại phải che giấu thông tin từ công dân?”.

Khủng hoảng nhân quyền trong thầm lặng tại Việt Nam
Đào Thị Hương, 30 tuổi, đang cầm ảnh blogger Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm), trong một cuộc biểu tình nhỏ bên ngoài tòa án Hà Nội vào ngày xét xử của ông, ngày 23 tháng 3 năm 2016. Ảnh của Bennett Murray

Chị Hương tự gọi mình là “một nửa dân hoạt động”, một người bạn đồng hành của những người bất đồng chính kiến, người xuất hiện trong các cuộc biểu tình công khai hiếm hoi ở Hà Nội vốn nhanh chóng bị cảnh sát dập tắt.

Mặc dù chị chỉ có vai trò nhỏ trong phong trào, công an đã sớm gọi đến nhà bố mẹ chị khi thấy chị bắt đầu trở nên quen thuộc tại những cuộc biểu tình.

“Họ đã đến nhà và nói điều gì đó sai trái về tôi”. Chị nói thêm những phương pháp như vậy thường có hiệu quả thuyết phục những nhà hoạt động nhỏ phải dừng lại.

Chị bảo nếu công ty của chị không có trụ sở tại Singapore, công an có thể đã gây sức ép lên cấp trên để kỷ luật chị ở chỗ làm.

Khi sách nhiễu không còn hiệu quả, cơ quan chức năng sẽ sử dụng các quy định về hình sự, như cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Blogger Nguyễn Hữu Vinh, hay Anh Ba Sàm, đang chịu án tù 5 năm vì trang mạng bất đồng chính kiến của ông, trong khi Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bút danh Mẹ Nấm, đang chờ ngày xét xử sau khi bị bắt hồi tháng Mười năm ngoái.

Bà Cấn Thị Thêu, một nông dân đấu tranh chống cưỡng chế đất từ 2008, đang phải chịu án tù 20 tháng vì “gây dối trật tự công cộng” tại các cuộc biểu tình. Đây là án tù thứ hai của bà. Chồng bà, ông Trịnh Bá Tư, cũng từng bị giam giữ.

“Chính quyền đã sử dụng công an, tòa án, và mọi thứ họ có để vu bất cứ tội vạ gì cho mẹ tôi”, anh Trịnh Bá Phương, 32 tuổi, con trai của bà Thêu cho biết.

“Tôi không sợ gì cả, vì tôi được dân làng giúp đỡ, bố mẹ tôi phải chịu những bản án nặng nề, và tôi sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì nếu có thể giúp hàng xóm của tôi, những người mất đất vào tay chính quyền”, anh nói.

Khủng hoảng nhân quyền trong thầm lặng tại Việt Nam
Trịnh Bá Phương, 32 tuổi, con trai của nhà hoạt động về đất đai đang bị bắt giữ Cấn Thị Thêu, tại một nhà hàng ở Hà Nội vào tháng 2 năm 2017. Ảnh của Aleksandra Arefieva.

Tại sao thờ ơ?

Vài thập niên qua, Việt Nam chuyển mình nhanh chóng từ một nước chống Mỹ thành một đối tác quan trọng của phương Tây, khi cho họ các cơ hội làm ăn ở một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Các chính trị gia từ Washington cho đến Tokyo đều xem Hà Nội là một đồng minh tiềm năng trong các tranh chấp trên Biển Đông.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như thân thiện với Hà Nội. Theo chính phủ Việt Nam, ông đã có cuộc điện đàm thân mật với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 12/2016. Trong một lá thư ngày 23 tháng 2, ông Trump kêu gọi Chủ tịch Trần Đại Quang hợp tác để “đảm bảo hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Ông Roberston nói: “Dưới thời ông Trump, chúng tôi lo rằng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam sẽ còn xấu đi nữa”.

Tuy nhiên, sự bàng quan của Mỹ với phong trào bất đồng chính kiến tại Việt Nam đã có từ trước thời chính quyền Trump. Ca sĩ và nhà hoạt động Mai Khôi cho biết cuộc gặp của cô hồi 05/2016 với Tổng thống Barack Obama ở Hà Nội để lại cho cô nhiều ấn tượng khác nhau.

Mai Khôi là một trong những ngôi sao nhạc pop hàng đầu Việt Nam. Năm 2010, cô đã giành được giải Album của năm của Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 2016, cô tự ứng cử với tư cách độc lập vào Quốc hội nhưng nỗ lực này đã bị dập tắt và khiến cô càng thêm nổi bật trong làng giải trí.

“Thực sự tôi nghĩ cuộc gặp của tôi với Tổng thống Obama mang tính biểu tượng quan trọng”, cô nói thêm rằng ngài cựu tổng thống đã kéo dài cuộc họp từ 20 phút theo kế hoạch lên một giờ đồng hồ. “Không may, thúc đẩy nhân quyền có lẽ không phải là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ nước ngoài khi tham gia vào Việt Nam”, cô bày tỏ.

Bốn viên công an đến nhà cô một ngày sau cuộc gặp hôm đó và theo như cô nói là để đe dọa cô. “Tôi nhận ra, ở Việt Nam, mình chẳng được đảm bảo một quyền gì, ngay cả sau khi gặp người có quyền lực nhất trên thế giới.”

Ông Robertson nói Chính phủ nước ngoài chỉ có những hỗ trợ rất hạn chế khi mà họ phải theo đuổi lợi ích của quốc gia họ.

“Nhiều chính phủ nói họ có các vận động riêng với Hà Nội, nhưng điều mà chúng tôi nghe nhiều lần từ các nhà bất đồng chính kiến đó ​​là người dân Việt Nam thực sự muốn chính phủ các nước phải quả quyết hơn nữa để Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền”, ông nói.

Liên minh Châu Âu đã ký một thỏa thuận thương mại tự do với chính phủ Việt Nam vào năm 2015. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu, ông Pier Antonio Panzeri, cho biết hiệp định sẽ “cực kỳ khó” được thông qua nếu không có sự cải thiện về nhân quyền.

Các nhà bất đồng chính kiến cho rằng các văn phòng của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam còn kém hữu ích.

“LHQ ở Việt Nam rất tích cực khi nói đến những vấn đề ít nhạy cảm như là phòng chống HIV, nhưng khi nói đến các quyền chính trị, như tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, tự do hội họp, họ lại rất dè dặt”, anh Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động 27 tuổi ở Hà Nội cho biết.

Anh Tuấn đang điều hành một tổ chức phi chính phủ không đăng ký chuyên đào tạo thanh niên về xã hội dân sự độc lập. Nhưng theo luật Việt Nam, tất cả các tổ chức xã hội, từ các đội thể thao cho đến nhà thờ, đều phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức do đảng bảo trợ. Khi các tổ chức ngoài đảng bị kiểm soát bất hợp pháp, thì chính những quy định của LHQ lại ngăn cản họ làm việc với các nhóm bất đồng chính kiến.

Bà Sunita Giri, Trưởng Văn phòng điều phối thường trú của LHQ tại Hà Nội, thừa nhận hoạt động của họ phải phù hợp với luật pháp Việt Nam.

“LHQ làm việc với các tổ chức xã hội dân sự đã đăng ký, và bất kỳ giao dịch tài chính hay quan hệ đối tác nào đều phải đảm bảo rằng tổ chức hưởng lợi đã đăng ký và tuân thủ luật pháp”, bà nói thêm, LHQ “làm việc với tất cả các bên liên quan ở Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo các nhà bất đồng chính kiến, các giới hạn về mặt pháp lý đã làm cho LHQ không giải quyết hiệu quả các vấn đề nhân quyền.

Blogger Nguyễn Chí Tuyến cho biết, khi anh gặp viên chức của chi nhánh Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ ở Bankok đến thăm Hà Nội, các cơ quan này không giúp được gì.

“Họ có nhiệm vụ khác, họ chẳng quan tâm đến nhân quyền hay dân chủ”, anh Tuyến nói.

Tự lực cánh sinh

Khi chính sách độc đảng của chính phủ Việt Nam được bình thường hoá trên trường quốc tế, các nhà hoạt động xã hội đồng ý rằng họ đang tự tạo ra một nền dân chủ đa đảng.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, 71 tuổi, một doanh nhân nghỉ hưu trở thành người bất đồng chính kiến, là một trong những nhà hoạt động tích cực nhất tại Việt Nam hiện nay. Năm 2016, ông lọt vào vòng chung kết giải Tulip về Nhân quyền của Hà Lan. Giống như ca sĩ Mai Khôi, ông cũng cố gắng chạy đua vào quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2016. Dù hoan nghênh sự ủng hộ từ bên ngoài, ông Quang A nói rằng địa chính trị phức tạp khiến ông đưa ra nhận định đó.

“Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhưng chúng tôi không thể dựa dẫm vào sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, ông Nguyễn Quang A nói. “Nó phụ thuộc vào tâm trạng của một gã to lớn,” ông nói đùa khi nhắc đến Trump.

Ông Quang A hiểu về định hướng “nước Mỹ trước hết” của ông Trump. “Bạn có thể nhìn thấy một mạng lưới dày đặc lợi ích của phương Tây, và dễ hiểu thôi khi họ phải phục vụ lợi ích của họ trước”, ông nói.

Bà Yun Sun, một phụ tá cao cấp của Chương trình Đông Á tại Trung tâm nghiên cứu Stimson Center, Washington D.C., cho rằng không đúng khi nói nước Mỹ không tạo ra bất cứ áp lực nào. Ở một mức độ nào đó, bà nói, Hà Nội đã phải đáp ứng.

“Lợi ích chiến lược và an ninh quốc gia của Việt Nam đối với Trung Quốc trên Biển Đông đang gặp nhiều xung đột với lợi ích chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam khi họ muốn duy trì chính phủ độc đảng ở Việt Nam” bà phân tích.

Việt Nam đã có một số nhượng bộ về nhân quyền trong những năm gần đây. Quyền LGBT ngày càng được nhà nước công nhận, quyền tự do tín ngưỡng được luật hóa năm 2016. Chính phủ thậm chí đã đồng ý về các công đoàn độc lập khi ký kết Thỏa thuận Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhưng sự khước từ hiệp định này của chính quyền Trump khiến những cải cách khó khả thi trong tương lai gần.

Anh Tuấn, nhà hoạt động xã hội dân sự, cho biết tương lai của hoạt động xã hội tại Việt Nam sẽ đến từ bên trong.

Anh nói: “Tôi biết chính phủ các nước đang cố gắng tạo áp lực lên chính phủ Việt Nam, nhưng không dễ dàng vì họ rất biết cách ứng phó”.

Nhưng bất cứ hỗ trợ hậu cần hay kỹ thuật nào cho các tổ chức xã hội dân sự đều được đánh giá cao.

“Họ nên tập trung vào áp lực từ trong nước, với xã hội dân sự nền tảng ở cấp cơ sở. Trước tiên, họ không thể hỗ trợ trực tiếp, nhưng họ có thể đáp ứng thêm về đào tạo, thêm các sự kiện, hội nghị và hội thảo để tăng tính quốc tế cho Việt Nam”, anh nói.

Không nhà đại diện nào của chính phủ Việt Nam lên tiếng khi bài này được  công bố.