Chia sẻ của Luật sư Trịnh Hội về ngày giỗ thứ 17 của bà Pam Baker
Hôm qua, 24/4/2019 là ngày giỗ lẫn thứ 17 của bà Pam Baker (ngày 24/4/2002), Luật sư Trịnh Hội – Giám đốc Điều hành VOICE – đã có một bài viết ngắn để tưởng nhớ về bà.
Bà Pam là một luật sư đã tranh đấu nhiều năm cho quyền của người Việt tị nạn tại Hong Kong. Bà cũng là người hướng dẫn đầu tiên của Luật sư Trịnh Hội, và truyền cảm hứng để anh theo đuổi công việc tị nạn sau này.
Mời các bạn đọc những dòng tâm sự dưới đây của ông Trịnh Hội nói về bà Pam Baker:
—–
I am thinking of you, Pam. Though 17 years have passed. But I still miss you terribly. (Tôi đang nghĩ về bà, Pam. Dù 17 năm đã trôi qua. Nhưng tôi vẫn nhớ bà vô cùng.)
Nếu không lầm thì tôi đã có ít nhất 3 bài viết về bà. Một lần lúc Pam vẫn còn sống và tôi còn đi học luật ở Melbourne. Lúc ấy là vào khoảng đầu năm 1993 khi tôi vừa mới đi làm thiện nguyện mấy tháng hè ở Hồng Kông về. Lúc ấy tôi mới gặp Pam.
Lần thứ hai là sau khi tôi đi dự đám tang của Pam ở miền bắc nước Anh vào năm 2002. Trở về căn phòng nhỏ hẹp của mình ở Magdalen College nơi tôi đang học lấy bằng Master, tôi vẫn nhớ tôi cứ phải nghe đi nghe lại bài ‘One Day I’ll Fly Away’ do Nicole Kidman trình bày trong bộ phim ‘Moulin Rouge’.
Để một phần vơi đi nỗi buồn trong lòng. Nhưng quan trọng hơn là để chấp nhận sự ra đi của Pam. Để hiểu rồi ai cũng sẽ phải ra đi, ‘fly away’:
One day I’ll fly away
Leave all this to yesterday
What more could your love do for me?
When will love be through with me?
Why live life from dream to dream?
And dread the day?
When dream will end.
Rồi có một ngày tôi sẽ bay xa
Để lại tất cả những gì thuộc về quá khứ
Tình yêu của bạn còn làm được chi nữa?
Khi chính nó cũng chẳng sẽ còn?
Sao ta cứ phải sống và mơ từ giấc mơ này đến giấc mơ khác?
Rồi lại sợ sống mỗi ngày?
Khi giấc mơ rồi thì cũng sẽ tàn phai
Buồn thật. Cho đến bây giờ, mỗi khi tình cờ tôi nghe lại bài hát này, nó y như một chiếc xe thần kỳ chở tôi trở lại ngay căn phòng nhỏ đó, vào đúng thời điểm đó, để rồi phải nhớ quay quắt về Pam. Nhớ giọng nói khàn đục của bà. Nhớ từng cái nháy mắt, tếu táo của Pam, tiếng cười sảng khoái, nhăn mặt, nhíu mày luôn làm trò của bà.
Nhưng nhớ nhất vẫn là những bài học mà Pam chưa bao giờ dạy tôi. Mà nó chỉ được thể hiện qua những lời nói, hành động lúc tôi và bà có dịp gần nhau, trò chuyện, mỗi khi làm việc chung. Có nhiều bài học mãi sau này tôi mới nghiệm ra.
Như lúc còn sống, Pam vẫn thường bảo với tôi rằng ngày nào mà tôi không còn cảm thấy vui với công việc thì đó là lúc mà tôi nên dừng lại.
The day you stop having fun in what you do, Hoi, you’d better stop doing it.
Đối với những ai đã từng gặp tôi và hỏi tại sao tôi lại chọn con đường trông có vẻ vất vả như thế này, tôi vẫn thường bảo vì tôi ‘ham vui’. Và thật sự đúng như vậy.
Từ lúc từ bỏ sự nghiệp thông thường – conventional career – của một người luật sư bình thường vào năm 27 tuổi để sang Philippines lập nghiệp, cuộc sống của tôi từ đó cho đến nay là những ngày tháng tràn đầy kỷ niệm yêu thương, những khoảnh khắc nhân bản tuyệt vời.
Và trên hết là sự cảm nhận rằng mình là một người rất may mắn, được làm một công việc không giống ai, nhưng mình thì lại rất thích.
Và rất vui với sự lựa chọn của mình.
Nói như thế không có nghĩa là tôi chưa bao giờ có những mối hoài nghi về con đường mà mình đã chọn. Nhất là lúc tôi còn trẻ mới chập chững bước vào đời.
Nhưng may mắn thay lúc ấy tôi đã có Pam ở bên cạnh. Từ lúc tôi còn đi học, chưa ra trường. Và kéo dài liên tục suốt 10 năm cho đến ngày Pam mất. Mãi sau này tôi mới nhận thức ra được rằng Pam chính là người ‘mentor’ trong công việc mà tôi may mắn vô tình gặp phải. Khi lần đầu tiên tôi phải đi làm xa nhà.
Để rồi mỗi khi mình không chắc chắn về một vấn đề nào đó, không biết phải xử sự như thế nào mới hợp tình, hợp lý trong công việc chuyên môn, tôi đã có Pam tận tình hướng dẫn.
Bởi thế sẽ rất may mắn nếu bạn tìm được một người đỡ đầu ‘mentor’ giỏi, đầy kinh nghiệm, có nhân cách và hết lòng vì bạn trong công việc. Và tuyệt vời hơn nếu bạn gặp được một người như thế lúc bạn còn trẻ. Vì những giá trị cá nhân, cách đối nhân, xử thế của họ sẽ dễ dàng trở thành những giá trị cá nhân của chính bạn sau này.
Tôi may mắn đã có một ‘mentor’ như thế ở Pam. Và thích tự cho là mình đã chịu nhiều ảnh hưởng từ Pam. Từ tính cách phản kháng, chống bất công, không thích cái gọi là ‘luật’ của đám đông, cho đến sự bất cần, không thích câu nệ và ‘quan trọng hoá’ vấn đề. Bất kể điều đó là điều gì. Lời khen lẫn lời chê.
Cái gì cười được cứ cười, bỏ qua. Điều gì bạn nghĩ bạn làm được thì cứ mạnh dạn bắt tay vào, thử làm. Đừng nên chỉ ngồi mơ, rồi tiếc.
Vì ai rồi thì cũng fly away.
*****
Đọc đến đây bạn vẫn muốn biết thêm về Pam thì tôi nghĩ bạn nên đọc bài viết thứ ba của tôi, viết nhân ngày giỗ của bà 9 năm trước:
https://www.voatiengviet.com/a/pam-baker-04-27-10-92255264/917043.html
Nhưng để hiểu rõ tầm quan trọng công việc của Pam đã giúp người Việt tỵ nạn như thế nào, nhất là qua sự thành lập Công Ty Luật Pam Baker & Company đã tạo những tiền lệ ra sao ở Tối Cao Pháp Viện (Privy Council) của Anh Quốc là nơi có ảnh hưởng trực tiếp đến cách diễn giải luật lệ của tất cả các nước nằm trong khối Liên Hiệp Anh, the Commonwealth, như Úc, Canada, Ấn Độ, v.v… bạn nên đọc điếu văn của một trong những trạng sư nổi tiếng nhất thế giới, Ông Geoffrey Robertson, viết về sự ra đi của Pam cho tờ The Guardian, được đăng 3 ngày sau khi Pam mất:
https://www.theguardian.com/news/2002/apr/27/guardianobituaries