Vai trò của sự kết nối giữa trong nước và hải ngoại trong việc thúc đẩy phong trào dân chủ ở Việt Nam hiện nay

             

Vừa qua, với tư cách là thực tập sinh của VOICE, tôi có được cơ hội sang Úc để vận động nhân quyền cho Việt Nam. Cũng trong chuyến đi, tôi có cơ hội được gặp gỡ đông đảo cộng đồng người Việt tại các thành phố như Sydney, Melbourne, Brisbane, Adelaide và Perth.

Về mặt cá nhân, đây là một chuyến đi mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm đáng nhớ.

Thứ nhất, lần đầu tiên tôi có cơ hội được đặt chân đến một đất nước dân chủ tự do, thấy được đời sống chính trị xã hội trong một quốc gia như vậy được vận hành như thế nào. Đối với các nhà hoạt động dân sự của Việt Nam như tôi thì trải nghiệm như vậy rất đáng quý. Nó giúp tôi hiểu rõ hơn về dân chủ, và qua đó có một cái nhìn rõ hơn về con đường đấu tranh cho dân chủ tự do ở Việt Nam.

Thứ hai, điều quan trọng hơn, chuyến đi giúp cho tôi hiểu hơn về cộng đồng người Việt hải ngoại. Trước đây, tôi có cái nhìn hơi e ngại về cộng đồng hải ngoại. Điều này có thể do nhiều lý do, tuy nhiên, dù lý do là gì, thì ngay sau khi gặp gỡ, những e ngại như vậy trong tôi không còn nữa. Tôi hiểu được tâm tư của cộng đồng và rất khâm phục họ. Sau bao nhiêu năm phải bỏ nước ra đi, vất vả mưu sinh trên xứ người, song cộng đồng vẫn luôn đau đáu với vận mệnh của đất nước. Và cũng chính từ đây, tôi thấy rằng, sự chia cắt giữa trong nước và hải ngoại hoàn toàn có thể vượt qua. Bởi vì hai điều: chúng ta cùng là người Việt, và chúng ta cùng quan tâm tương lai đất nước. Vì thế đối thoại sẽ giúp chúng ta vượt qua sự chia cắt này.

Trên cơ sở kinh nghiệm từ chuyến đi, tôi nhận thấy rằng để thúc đẩy phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, cần có một sự kết nối mạnh hơn nữa giữa cộng đồng đấu tranh trong nước và hải ngoại, nhất là trong tình hình hiện nay.

VOICE Australia sinh nhật tròn 5 tuổi
Một buổi sinh hoạt cộng đồng của người Việt tại Úc do VOICE Australia tổ chức.

Tại Sao Kết Nối Là Cần Thiết?

Trước tiên, ta phải hiểu được những thách thức mà hiện nay phong trào đang phải đối mặt.

Về phía quốc tế, theo đánh giá của Freedom House cùng nhiều tổ chức khác, đang có một sự suy thoái về dân chủ, tự do trong hơn một thập kỉ qua. Các trụ cột của nền dân chủ tự do toàn cầu như Mỹ, Tây Âu đang gặp phải nhiều khó khăn nội bộ, và không còn tích cực ủng hộ dân chủ tự do trên toàn cầu như trước. Trong khi đó, các quốc gia độc tài như Trung Quốc, Nga ngày càng mạnh lên, trở nên gây hấn hơn cũng như hỗ trợ nhiều hơn cho các chế độ độc tài trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Về phía nhà cầm quyền Việt Nam. Như chúng ta thấy, sau những xung đột phe phái, thì cuối cùng ông Nguyễn Phú Trọng chiến thắng. Đây là một người theo đường lối bảo thủ – cứng rắn, và không chấp nhận đối kháng. Thực tế cho thấy, tính từ năm 2015, tình trạng bóp nghẹt tự do, đánh đập và bắt bớ những người bất đồng chính kiến ngày càng gia tăng. Và với sự hợp nhất hai chức danh Tổng bí thư – Chủ tịch nước vào trong tay Nguyễn Phú Trọng, thì đây là một tín hiệu khác không tích cực cho phong trào.

Về phía chính phong trào đấu tranh dân chủ. Những ai tham gia đấu tranh ở Việt Nam đều biết rằng phong trào đấu tranh còn rất yếu. Dù đã có nhiều sự phát triển tích cực trong giai đoạn 2007 – 2016, song chưa đủ sức trở thành một lực lượng đối kháng thực sự với nhà cầm quyền Việt Nam. Từ năm 2015, với việc đàn áp gia tăng, hàng hoạt tổ chức hình thành trong giai đoạn trước đó bị tan rã, các thành viên người bị bắt, người ra nước ngoài, người thì lui vào hoạt động ngầm. Có thể nói rằng, phong trào đang trải qua bước lùi lớn, và sẽ cần nhiều năm để khôi phục trở lại giống như giai đoạn trước 2015, cũng như cần nhiều năm hơn nữa để phát triển thành một lực lượng đối kháng thực sự mà nhà cầm quyền không thể đàn áp được.

cac-quyen-dan-su-dang-ngay-cang-bị-that-chat-tai-Vietnam-trong-vong-3-nam-qua_VIETNAM-VOICE
Các quyền dân sự và chính trị đang ngày càng bị thắt chặt tại Việt Nam trong vòng 3 năm qua.

Với những thách thức như vậy, tại sao sự kết nối mạnh hơn nữa giữa cộng đồng trong nước và cộng đồng hải ngoại lại quan trọng, và có thể giúp thúc đẩy phong trào phát triển?

Trước tiên, đối với phong trào còn yếu như ở Việt Nam, thì sự tự do để phát triển là điều cực kì quan trọng. Trong thời gian gần đây, khi sự tự do đó dần mất đi, phong trào đi xuống thấy rõ. Và vì vậy, điều chúng ta cần làm là phải bảo vệ sự tự do đó. Và điều này chỉ có thể làm được thông qua các cơ chế bên ngoài, mà ở đây chính là áp lực từ các quốc gia Tây Phương.

Nhà cầm quyền Việt Nam nhận rất nhiều sự hỗ trợ về tiền bạc lẫn chính trị từ các quốc gia Tây Phương, và đi cùng với đó là các cam kết về nhân quyền. Tuy nhiên, do không có sự giám sát chặt chẽ cùng áp lực từ các quốc gia phương Tây, nên họ rảnh tay đàn áp phong trào trong nước bất chấp các cam kết của mình.

Mặc dù về tổng quan, sự quan tâm về nhân quyền của các quốc gia Phương Tây trong thời gian gần đây giảm đi như đã đề cập ở trên. Song nếu chúng ta tích cực vận động và biết cách vận động, thì có thể tạo ra những áp lực lớn lên nhà cầm quyền Việt Nam, buộc họ phải tôn trọng các cam kết. Và vì vậy khiến cho sự đàn áp trong nước được nới lỏng.

Kết Nối Bằng Đối Thoại

Điều này có thể thực hiện thông qua sự hợp tác của cộng đồng đấu tranh dân chủ trong nước với hải ngoại. Cộng đồng đấu tranh trong nước hiểu rõ những đàn áp mà họ đối mặt; tuy nhiên, do nhiều lý do, tiếng nói của họ không thể đến được với các quốc gia phương Tây. Trái lại, cộng đồng đấu tranh hải ngoại, dù có sự am hiểu hệ thống chính trị sở tại, cũng như có thể gây áp lực lên chính giới sở tại thông qua các cơ chế khác nhau trong đó có lá phiếu của mình, thì lại không phải là tiếng nói đến từ trong nước. Vì vậy mà cộng đồng đấu tranh hải ngoại và trong nước cần phải hợp tác với nhau, thông qua đó có thể gây áp lực hữu hiệu lên chính giới các nước sở tại, từ đó buộc nhà cầm quyền Việt Nam tuân thủ các cam kết về nhân quyền, khiến cho việc đàn áp được nới lỏng.

Sau khi không gian trong nước được nới lỏng, thì điều tiếp theo là phải tận dụng sự tự do đó để phát triển phong trào trong nước. Sự hỗ trợ của cộng đồng hải ngoại cho phong trào đấu tranh trong nước hiện tập trung nhiều vào hỗ trợ cho tù nhân lương tâm, cho các nhà hoạt động bị đánh,… Tuy những điều đó rất quan trọng, nhưng chỉ dừng lại ở khía cạnh phòng ngự.

VOICE Australia cùng mẹ tù nhân chính trị Đinh Nguyên Kha đi vận động cho nhân quyền Việt Nam
VOICE Australia cùng mẹ tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha đi vận động cho nhân quyền Việt Nam tại văn phòng Human Rights Watch ở Úc vào năm 2017.

Những Việc Cần Làm

Để phát triển một phong trào, chúng ta cần hỗ trợ cho những dự án phát triển, cho việc đào tạo ra thế hệ các nhà hoạt động mới có thể hoạt động chuyên nghiệp hơn. Phong trào đấu tranh trong nước có nhiều hạn chế, mà một trong số đó là đa phần các nhà hoạt động không phải là những người được đào tạo bài bản cho việc hoạt động xã hội. Sự thiếu đào tạo ảnh hưởng đến chiều sâu và sự bền vững của phong trào.

Cảm nhận những ngày đầu thực tập tại Australia
Vũ Ngọc Hân, một học viên của VOICE được cộng đồng người Việt tại Úc hỗ trợ trong chuyến thực tập tại đây. Trong ảnh, cô đứng cùng Dân biểu Chris Hayes tại Quốc hội Úc.

Và sự hỗ trợ của cộng đồng hải ngoại có thể bù đắp điều này, bởi bên cạnh khả năng tài chính, thì cộng đồng có một đội ngũ đông đảo được đào tạo bài bản trong nền giáo dục tự do, và đội ngũ này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đào tạo cho các nhà hoạt động trong nước để họ có thể hoạt động hiệu quả hơn. Đến khi nào mà hàng năm chúng ta có thể đào tạo ra hàng trăm nhà hoạt động chuyên nghiệp, thì phong trào đấu tranh Việt Nam mới có hi vọng một ngày nào đó trở thành lực lượng đối kháng thực sự với nhà cầm quyền Việt Nam.

Và để làm được điều này, một lần nữa, cộng đồng hải ngoại và trong nước cần ngồi lại với nhau, để xác định xem phong trào hiện nay như thế nào, thiếu cái gì, từ đó tìm ra phương cách hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển phong trào.

Kết Luận

Rõ ràng rằng, từ phân tích ở trên, phong trào đấu tranh Việt Nam đang ở giai đoạn đầy thách thức, và những khó khăn sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới. Trước thách thức như vậy, thì phong trào đấu tranh cho dân chủ tự do của Việt Nam, từ trong nước và hải ngoại, cần đánh giá lại chính mình, đưa ra đường hướng mới cho phù hợp với hoàn cảnh.

Và một trong số đó là sự kết nối mạnh và hữu hiệu hơn nữa giữa cộng đồng đấu tranh trong nước và hải ngoại để hỗ trợ nhau trong công cuộc chung. Một sự kết nối như vậy cần làm càng sớm càng tốt, và tôi tin rằng có thể làm được thông qua sự đối thoại. Cả hai cần ngồi lại cùng nhau, đối thoại với nhau, tìm ra một giải pháp tranh đấu chung để có thể hành động thống nhất thì mới có hi vọng. Bởi chúng ta không thể chiến thắng đối thủ mạnh hơn chúng ta rất nhiều khi mà chúng ta còn chia rẽ.

Và với những kinh nghiệm của mình từ các cuộc gặp gỡ với cộng đồng hải ngoại, tôi tin rằng chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó.

*Bài chia sẻ thể hiện quan điểm riêng của học viên Trần An Bình.