Một năm sau ngày bị bắt, Civil Rights Defenders yêu cầu trả tự do cho Mẹ Nấm
Thông cáo từ Civil Rights Defenders
Ngày 10 tháng 10 năm 2016, Chính quyền Việt Nam bắt blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bút danh Mẹ Nấm, với tội danh Tuyên truyền chống phá Nhà nước. Ngày 29 tháng 6 năm 2017, Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù giam. Mẹ Nấm được biết đến từ năm 2006 với các hoạt động tích cực về truyền thông nhằm lên án vấn nạn tham nhũng tràn lan, các vi phạm nhân quyền và chính sách đối ngoại của Chính quyền Việt Nam. Việc bắt giữ và kết án cô được xem là có động cơ chính trị. Tổ chức Civil Rights Defenders kêu gọi chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cũng như chấm dứt các cuộc đàn áp có quy mô với giới blogger và nhà báo theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Sáng ngày 10 tháng 10 năm 2016, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt khi đang trên đường đến thăm một nhà hoạt động khác đang trong tù. Việc bắt bớ và giam giữ liên tục sau đó không gì hơn chính là một cuộc bức hại để trả đũa những hoạt động Bảo vệ Nhân quyền quả cảm của cô.
Từ năm 2006, Mẹ Nấm đã viết các bài blog về tình trạng vi phạm nhân quyền và tham nhũng tại Việt Nam. Năm 2013, cô là người đồng sáng lập Mạng lưới Blogger Việt Nam, mà hiện đang bị chặn trong nước. Cô từng điều tra và công bố nhiều tài về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, cải cách đổi mới, và các nỗ lực chống tra tấn, cũng như chỉ trích các chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông. Mẹ Nấm đã đăng tải thông tin về 30 trường hợp người bị chết bất thường trong khi bị giam giữ tại đồn công an. Cô đã thu thập thông tin, cả trên mạng và đi thực tế, nhằm đòi hỏi bồi thường cho các nạn nhân của Thảm họa môi trường năm 2016 do Formosa Hà Tĩnh, một công ty thép có trụ sở tại Đài Loan đã xả thải chất độc ra môi trường biển, khiến cuộc sống của hàng chục ngàn người dân ở bốn tỉnh duyên hải miền Trung bị ảnh hưởng. Vì những nỗ lực bảo vệ nhân quyền không mệt mỏi đó, cô thường xuyên bị chính quyền giam giữ, thẩm vấn, và đánh đập.
Ngày 20 tháng 6 năm 2017, Mẹ Nấm được cho phép gặp luật sư lần đầu tiên sau nhiều tháng biệt giam kể từ ngày bị bắt, 10 tháng 10 năm 2016. Trước phiên xét xử, chính quyền đã đưa cả gia đình cô vào tầm ngắm. Tình trạng tồi tệ lên đến đỉnh điểm là vào ngày 20 tháng 5 năm 2017 khi hơn 50 công an viên bao vây ngôi nhà của gia đình.
Ngày 29 tháng 6 năm 2017, sau một phiên xử vội vã vốn không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về Xét xử công bằng, Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã kết án Mẹ Nấm 10 năm tù giam theo Điều 88 của Bộ luật hình sự về tội “Tuyên truyền chống nhà nước”. Bản án thêm phần hà khắc cùng những lo lắng về tình trạng sức khỏe của cô đang ngày một xấu đi.
Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), mà Việt Nam là một quốc gia thành viên, cho rằng bất cứ ai bị bắt hoặc giam giữ đều có quyền được xét xử nhanh chóng mà không bị trì hoãn một cách vô cớ và không khuyến khích giam giữ trước khi xét xử. Bất cứ ai bị bắt hoặc giam giữ đều có quyền lựa chọn luật sư và có một tiến trình xét xử không chậm trễ việc giam giữ hợp pháp. Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bên giám sát việc thực hiện ICCPR, cho rằng biệt giam chính là sự phủ nhận quyền được xét xử công bằng, và làm tăng nguy cơ tra tấn. Tháng 4 năm 2017, Nhóm Làm việc Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện thấy rằng việc giam giữ Mẹ Nấm là độc đoán và kêu gọi trả tự do cho cô. Ngược lại, Việt Nam đã dùng Luật hình sự để tiến hành bức hại Mẹ Nấm. Trái với các nghĩa vụ của Việt Nam với luật quốc tế, Điều 88 thường được sử dụng để bịt miệng và bỏ tù các nhà phê bình chính quyền và các nhà bảo vệ nhân quyền ôn hòa khi họ chỉ thực hành quyền tự do ngôn luận và tư tưởng của mình.
Nhân một năm kể từ ngày Mẹ Nấm bị bắt và giam giữ tùy tiện, Civil Rights Defenders kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Mẹ Nấm, và ngay lập tức chấm dứt các cuộc đàn áp có quy mô với giới blogger và nhà báo theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Là một tù nhân lương tâm, Mẹ Nấm có quyền được điều trị, bao gồm các chăm sóc y tế cần thiết mà Việt Nam phải đảm bảo vô điều kiện. Việt Nam nên sửa đổi hoặc bãi bỏ những phần của Bộ luật hình sự đi ngược các nghĩa vụ của Việt Nam theo luật quốc tế. Đồng thời, các nhà tài trợ, các đối tác thương mại và đặc biệt là các bên đang muốn mở rộng quan hệ với Việt Nam cũng nên áp lực lên chính quyền nước này để thả Mẹ Nấm và tất cả những người bị bắt giữ một cách độc đoán chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận của họ.
Download bản PDF – Thông cáo từ Civl Rights Defender