Bài nói chuyện về Việt Nam trên Đài phát thanh CRo Plus Cộng Hòa Séc

             

Hôm 10 tháng 10 vừa qua, đài phát thanh quốc gia Cộng hòa Séc thực hiện cuộc phỏng vấn cô Marie Strašáková, nhà nghiên cứu Việt Nam thuộc bộ môn các nghiên cứu về Châu Á của trường Tổng hợp Palacky, Olomouc. Câu chuyện xung quanh vấn đề thái độ của Chính quyền cộng sản Việt Nam với những nhà hoạt động, với giới bất đồng chính kiến.

Giới bất đồng tại Việt Nam hiện nay ra sao, có thể ước lượng, ví dụ, ở Việt Nam có bao nhiêu phần trăm người dân công khai đứng lên phản đối sự độc quyền của đảng cộng sản?

Tôi sẽ bắt đầu một cách khái quát một chút. Cần phải nói rằng Hiến pháp Việt Nam có khẳng định về Quyền con người trong điều 25, nhưng có rất nhiều các lỗ hổng, các khoảng trống, rằng quyền này không có hiệu lực một khi an ninh của dân tộc bị đe dọa. Vấn đề chủ yếu là chính quyền Việt Nam sử dụng cách phát biểu hết sức mơ hồ để định nghĩa, thế nào là cách hành xử chống phá nhà nước. Vì thế, ví dụ, có thể chỉ liên lạc, gặp gỡ với các Nhà hoạt động vì dân chủ, vì Quyền con người, hay là việc truyền tải các tư tưởng tự do, cũng có thể bị coi là hiểm họa cho chế độ cộng sản, và là điều dẫn chúng ta tới câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra. Bởi vì giới bất đồng có thể là bất cứ ai, trong số họ có các cựu đảng viên cộng sản, cựu công an, nhà báo, các nghệ sĩ, bác sĩ. Phần lớn họ là những người có học, sống tại thành phố và có quan hệ với phương Tây. Tuy nhiên, về số lượng thì quả thật rất khó ước đoán, bởi vì phần lớn người dân ở Việt Nam đều không quá quan tâm đến chính trị, chúng ta có thể nói rằng, nhiều phần họ chỉ quan tâm đến cuộc sống thường ngày. Dẫu vậy, chúng ta có thể nói, hàng năm số lượng người bất đồng ở Việt Nam đang tăng dần chính nhờ internet, nhờ mạng xã hội và mức độ liên kết rộng rãi hơn giữa Việt Nam và phương Tây.

Vậy chính quyền có tìm cách đàn áp? Bằng những phương cách nào?

Chắc chắn là chính quyền tìm cách đàn áp các hoạt động của họ và để đạt được mục đích này người ta sử dụng các cơ chế kiểm soát xã hội khác nhau, trong một số trường hợp, cả các hình thức trừng phạt ngầm, ví dụ như từ việc rất đơn giản là thu hồi hộ chiếu, không cấp thị thực, ngăn không cho về nước đối với các nhà bất đồng chính kiến hay là các nhà hoạt động ở nước ngoài, thu hồi giấy phép cư trú ở thành phố và trong một số trường hợp đặc biệt thì còn bị tấn công hay đánh đập ngoài phố, và mức cuối cùng là bị bắt bớ, tù đày.

Chị có nhắc đến quan hệ với phương Tây. Các nhà bất đồng người Việt được sự ủng hộ như thế nào từ nước ngoài?

Cần phải nói là đây cũng là điều rất khó ước đoán. Một cách tổng quát, ở Việt Nam, chính quyền Việt Nam không ủng hộ các hoạt động của các Tổ chức phi chính phủ chuyên về Vấn đề Nhân quyền, họ cũng rất nhạy cảm khi các nước khác, nhất là các nước phương Tây tìm cách giữ cho Nhân quyền được tôn trọng, vì họ coi điều này là can thiệp vào nội tình của đất nước. Thế nhưng, sự ủng hộ lại vẫn là có thật. Human Rights WatchAmnesty International và các tổ chức khác đang cố gắng lưu ý đến các vấn đề tại Việt Nam, và một khi họ tích cực một cách nào đó, thì họ cũng cố gắng không để truyền thông nói nhiều đến các hoạt động ấy, để các cộng tác viên của họ, hoặc là những người mà họ giúp đỡ, không gặp nguy hiểm.

Chúng ta đã nghe trong phóng sự rằng các nhà Bất đồng chính kiến tại Việt Nam có được các kỹ thuật hiện đại, một mặt khác trong đó người ta cũng nói rằng kỹ thuật chẳng thể là cứu cánh, mà còn cần đến các hoạt động của con người và sự tận tụy với ý tưởng. Trong khía cạnh này thì giới bất đồng người Việt thế nào?

Tôi cũng cho rằng giới bất đồng chính kiến của Việt Nam phát triển chính nhờ internet, nói cho cùng internet chính là một diễn đàn lâu dài, nơi họ có thể thể hiện các quan điểm của mình, Facebook được sử dụng rất nhiều, và YouTube cũng thế, các ứng dụng này nối các nhà bất đồng với nhau và họ có thể ủng hộ lẫn nhau một cách nào đó. Tuy vậy, họ vẫn chưa thực sự có được chỗ đứng và chưa biến được hàng loạt các ý tưởng này thành hiện thực.

Hôm nay, ông Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà kinh tế và doanh nhân và nhà hoạt động sẽ phát biểu tại Forum 2000, ông đã ra khỏi Đảng cộng sản. Chuyện đó có phổ biến ở Việt Nam? Người ta sau đó có bị mang tì vết gì không?

Chuyện này thì quả thật chưa thật phổ biến, ngay cả khi có thể tìm thấy các cựu đảng viên trong số các nhà bất đồng chính kiến, nhưng dĩ nhiên đại đa số người Việt vẫn sợ ra công khai, chính vì điều mà tôi đã nhắc tới, rằng người dân không mấy quan tâm đến chính trị, một mặt khác, họ sợ bị đàn áp, bị trừng phạt, và có thể cũng không phải vì bản thân, mà nhiều phần vì gia đình của họ.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A tham gia một cuộc biểu tình “Yêu cầu minh bạch thảm họa biển miền Trung”, năm 2016. Nguồn ảnh REUTERS Kham
Tiến sĩ Nguyễn Quang A tham gia một cuộc biểu tình “Yêu cầu minh bạch thảm họa biển miền Trung”, năm 2016. Nguồn ảnh: REUTERS/Kham

Ông Nguyễn Quang A là một trong số hơn 100 người đã cố gắng ra Ứng cử Đại biểu Quốc hội trong lần bầu cử vừa qua với tư cách là một Ứng cử viên độc lập, tuy vậy hầu như không một ai trong số họ làm được điều đó. Vậy có nghĩa là đảng cộng sản tại Việt Nam chẳng thiết gì với việc mở ra một không gian cho giới dân chủ đối lập, cho dù chỉ là bề ngoài?

Chắn chắn là họ không thiết tha gì chuyện đó. Cần phải nói rằng chính quyền Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu từ năm 86, khi bắt đầu cuộc cải cách kinh tế “Đổi mới”, có thể nói, chính phủ đã đưa đất nước thoát khỏi sự cô lập trên trường quốc tế và có được danh tiếng trong khu vực. Chính họ đã tạo tiền đề cho sự phát triển về kinh tế, tuy vậy rất đáng tiếc là về mặt chính trị thì ngay từ 1986 họ đã tỏ thái độ rằng sẽ không có bất kỳ một sự thay đổi nào cho một quá trình dân chủ hóa rộng rãi, hay là họ sẽ không khởi động cho bất cứ chủ nghĩa đa nguyên nào và cho đến bây giờ điều đó cũng chưa xảy ra.

Cô Marie Strasakova, nhà nghiên cứu về Việt Nam tại bộ môn các nghiên cứu Á châu của trường Đại học Tổng hợp Palackeho tại Olomouc phân tích.
Xin cảm ơn cô và hẹn gặp lại…

Nguồn: rozhlas.cz , Đài phát thanh CRo Plus Cộng Hòa Séc phát vào lúc 7h15
Người dịch: Thanh Mai