NGOs tham gia giám sát môi trường: cần thiết và cơ sở pháp lý!

             

Ô nhiễm môi trường đến từ công ty Vedan, Miwon, Lee&Men đến tập đoàn Formosa, hay Nhiệt điện Vĩnh Tân 2,… cần thiết cho thấy, sự tham gia của các tổ chức Xã hội dân sự trong giám sát và ngăn chặn sự hủy hoại sinh thái trong phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Môi trường và bảo vệ môi trường hiện nay là một chủ đề rất nóng, gây bức xúc dư luận xã hội. Ô nhiễm diễn ra ở diện rộng (ô nhiễm nước, đất, không khí) tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Bản chất của hiện tượng này xuất phát từ sự khuyến khích chủ nghĩa tư bản hoang dã, được hiểu là đánh đổi môi trường để lấy sự đầu tư – phát triển kinh tế.

Trong một thông tin đưa ra vào sáng ngày 24/08/2016, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng: Môi trường Việt nam đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế – xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới. Hàng năm có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ cũng đưa ra thông tin, theo đó nhóm công ty như Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men,… là những điển hình cho vi phạm quy chuẩn bảo vệ môi trường hiện nay tại Việt Nam.

Giám sát môi trường của các Tổ chức Xã hội dân sự tại Việt Nam là một sự cần thiết

Vấn đề đặt ra là, ngoài sự vào cuộc của chính quyền, thì các tổ chức xã hội dân sự sẽ đóng vai trò như thế nào trong vấn đề này, và sẽ dựa trên cơ sở pháp lý nào?

Quan điểm cơ sở cho sự tham gia giám sát môi trường

Trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013, điều thứ 25 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Quan điểm pháp lý thúc đẩy giám sát môi trường

Làm thế nào để các tổ chức Xã hội dân sự có thể tham gia vào việc giám sát môi trường? Điều này thể hiện qua 3 bước pháp lý cụ thể như sau:

Quy định về quyền tiếp cận thông tin môi trường của tổ chức XHDS. Quyền này được cụ thể hóa trong những quy định của Luật BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 2014 về nghĩa vụ công khai thông tin và quyền yêu cầu cung cấp thông tin của các bên liên quan như cơ quan quản lý các cấp, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức xã hội.

Điều 145 của Luật BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 2014 quy định về quyền của tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp: “Được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật”. Điều 146 quy định về quyền đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp và có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở.

Cần phải hiểu, CỘNG ĐỒNG ở đây là những cá nhân/ tổ chức chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi ô nhiễm môi trường. Trong đó có cả các tổ chức báo chí và tổ chức Xã hội dân sự.

Vào năm 2016, một thảm họa môi trường biển xảy ra tại miền Trung Việt Nam mang tên “Thảm họa Formosa”. Theo đó, nguồn thải lớn từ tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh chứa độc tố tạo thành một dạng phức hợp, di chuyển vào Nam làm hải sản ở tầng đáy biển chết.

Hệ quả là, cá chết diện rộng trên 4 tỉnh (Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh), khiến hơn 200 ngàn người dân, trong đó có 41 ngàn ngư dân bị ảnh hưởng. Chỉ tính riêng tỉnh Quảng Bình có 18 xã chuyên làm nghề biển với hơn 14.000 hộ và 24.000 lao động nghề biển. Theo Vnexpress, thảm họa này gần như hoàn toàn phá hủy ngành du lịch của khu vực khi doanh thu từ du lịch giảm tới 90%.

Đến 18/05/2017 (tức hơn 1 năm xảy ra thảm họa cá chết), ông Trần Xuân Thành, Cục phó Cục Kiểm ngư cho biết. Cơ quan này “chú trọng kiểm tra, kiểm soát, không để ngư dân khai thác thủy sản tầng đáy từ 20 hải lý trở vào bờ tại vùng biển của 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa, nhằm bảo vệ sự phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái, nguồn lợi hải sản ven bờ…”

Thái Hà (#XHDS)