Freedom at Last (cập nhật danh sách quyên góp)

             

Nam Lộc

Không ai có thể ngờ được câu nói lịch sử của Mục Sư Martin Luther King, nhà tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng ở Hoa Kỳ hơn nửa thế kỷ trước, mà nay lại được 28 người tỵ nạn Việt Nam reo vang trên đất nước Canada để diễn tả niềm vui sướng cùng tâm trạng của mình khi họ vừa đặt chân đến bến bờ tự do trong vòng tay ân cần và thương mến của cộng đồng người Việt tại thành phố Vancouver vào lúc 4 giờ chiều Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014 vừa qua.

“FREE AT LAST”

Đây là đợt đầu tiên trong tổng số gần 100 người tỵ nạn VN sống vất vưởng, lạc lòai trên bước đường lưu vong đã hơn 25 năm qua kể từ ngày vượt biên bằng thuyền hoặc bằng đường bộ. Hầu hết đều là những người đã lẻn trốn ra khỏi các trại tỵ nạn ở Thái Lan để chống bị cưỡng bức hồi hương. Trong số này có anh Nguyễn Văn Tùng, chị Trần Thị Bành và cậu Lê Văn Dũng là những người đã quyết định tự sát ở trại Sikhiu khi nhận được lệnh trục xuất về VN vào năm 1996. Anh Tùng và cậu Dũng thì dùng dao đâm vào bụng, còn chị Bành thì uống thuốc độc để quyên sinh, tuy nhiên họ đã được cứu sống và trả giá bằng những năm tháng lưu đầy, sống ngoài vòng pháp luật từ đó cho đến nay.

Anh Nguyễn Văn Tùng, người cựu quân nhân nhân hào hùng của Sư Đoàn 25 Bộ Binh ngày nào đã khóc như một đứa trẻ khi được xướng ngôn viên Minh Phượng của đài Radio Bolsa phỏng vấn lúc anh vừa đặt chân đến Tu Viện Hoa Nghiêm, là nơi anh được Thượng Tọa trụ trì cùng các Phật Tử bảo trợ! Tôi nhìn thấy anh ngã xuống chiếc giường gỗ nhỏ mà Thầy Thích Nguyên Thảo vừa đóng xong để đồng bào tạm trú và nghe anh nói trong nước mắt “…tôi đang mơ hay tỉnh đây! Phải tôi đã được làm ‘người’ trở lại thật rồi sao? Tôi biết nói gì để cám ơn quý vị đồng hương ở hải ngọai đã không quên chúng tôi, đã thương xót cho người lính bất hạnh này! Tôi phải làm gì để đền đáp những ân tình đó”!

Chia phòng tạm trú với anh Tùng là cậu Hùynh Hữu Hậu, em ruột của một Sĩ Quan Không Quân VNCH. Hậu vượt biên năm 1989 khi chưa đầy 20 cái xuân xanh, thế mà nay đã gần 45 tuổi đời! 25 năm sống không địa chỉ, Hậu mất hết liên lạc với gia đình và nay cũng muốn tìm người anh ruột, nghe nói đi theo diện HO và đang sống ở Texas?

Riêng chị Bành, là vợ của một công chức hành chánh tỉnh hạt của “chế độ cũ”! Sau biến cố 1975, tinh thần và thể xác ông đã hòan tòan suy sụp, lại thêm phần vừa đau yếu, vừa lớn tuổi nên vào năm 1989, ông khuyên vợ mình, vì tương lai của đứa con trai duy nhất, đề nghị bà dẫn cậu vượt biên bằng đường bộ qua Thái Lan. Đến khi bị Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ báo tin là gia đình sẽ phải hồi hương, thì chồng của bà đã nhắn nhủ, rằng “bằng mọi giá hai mẹ con phải tìm bằng được con đường dẫn đến bến tự do, đừng trở về nơi ngục tù Cộng Sản”! Và có lẽ cũng chính vì thông điệp mạnh mẽ đó mà cả bà Bành cùng người con đã quyết định đổi hai chữ Tự Do bằng mạng sống của mình? Nhưng thật không ngờ mãi đến một phần tư thế kỷ sau họ mới thực hiện được lời nguyện ước của ông!

Cộng đồng người Việt tại Canada đã cùng nhau tiếp đón cũng như chia sẻ trách nhiệm bảo trợ cho số 28 đồng bào vừa đặt chân đến quốc gia giầu lòng nhân đạo này: 7 người định cư ở Vancouver, 13 người sẽ đến Toronto, 1 sống tại Ottawa, số còn lại được Calgary đón nhận.

Tôi hân hạnh được tiếp xúc với đồng bào ngay từ lúc họ vừa xuống máy bay và được đưa vào một khu vực biệt lập của sở di trú Canada để làm thủ tục nhập cảnh. Nhìn ai cũng thấy nụ cười nở trên môi, nhưng vẫn không dấu được nét mệt mỏi, hỏi ra thì mới biết rằng tất cả mọi người, từ già đến trẻ đều vừa trải qua 2 ngày tù “tượng trưng” trong một khám đường ở Bangkok, rồi sau đó được đưa thẳng từ trại giam đến phi trường và lên máy bay, ngòai ra còn phải nộp phạt $200.00 US dollars cho mỗi đầu người. Đây cũng là một thủ tục, hay có thể nói, là một diễn tiến bất ngờ mà nhà cầm quyền Thái Lan đòi hỏi để “hợp thức hóa” những cư dân sống bất hợp lệ trước khi họ cấp giấy xuất cảnh. Chính điều kiện này đã là lý do khiến các chuyến đi định cư của đồng bào đã bị đình hoãn từ hơn một tháng qua, làm cho các thành viên của tổ chức VOICE cũng như những nhà bảo trợ, cùng cộng đồng người Việt ở Canada và cả chính cá nhân tôi đã hồi hộp lo âu về số phần của những người tỵ nạn bất hạnh này vào giờ thứ 25. Nhưng cuối cùng thì tự do đã đến với họ, “Free At Last”!

Tuy nhiên hậu qủa của sự trì hõan nói trên đã làm cho tổ chức VOICE phải trả thêm những chi phí bất ngờ vào giờ chót như tiền phụ trội vé máy bay, vấn đề ăn ở cho các đồng bào tập trung về Bangkok để chuẩn bị lên đường, nhất là tiền phạt “nhập cảnh bất hợp pháp” v..v… Theo các điều hợp viên của VOICE cho biết, nếu không nhờ sự hưởng ứng, đóng góp và tiếp tay về tài chánh của quý vị đồng hương thì có lẽ đồng bào tỵ nạn của chúng ta sẽ còn phải chờ lâu hơn nữa!

Trở về từ Vancouver, tôi cảm thấy có bổn phận phải tường trình và chia sẻ những tin tức cập nhật đến toàn thể quý vị, đặc biệt là những nhà hảo tâm đã đóng góp tài chánh, cũng như hỗ trợ lời kêu gọi của chúng tôi trong thời gian qua. Xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi cùng những người tỵ nạn muộn màng. Kính chúc quý vị và gia quyến một mùa Lễ Tạ Ơn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

Muốn biết thêm chi tiết, muốn đóng góp tài chánh hoặc xem danh sách các vị hảo tâm xin vui lòng vào trang nhà của tổ chức VOICE ở địa chỉ website: www.vietnamvoice.org

Trân trọng,

Nam Lộc Nguyễn

S.B.T.N.

P.O. Box 127

Garden Grove, CA 92842

PS: Trong mấy tuần qua chúng tôi cũng đã nhận thêm được một số chi phiếu đóng góp sau đây, xin được ghi vào danh sách Thứ 5, thành thật cám ơn sự tiếp tay của tòan thể quý vị:

DANH SÁNH TRỢ GIÚP ĐỒNG BÀO TỴ NẠN TỪ THÁI LAN

(List #5 as of November 16, 2014)

1. Thiếu Tá Hải Quân Hoa Kỳ Michael Đỗ Tucson, Arizona $500.00
2. Hanh VA Fairfax, Virginia $100.00
3. William Pham Lansdale, Pennsylvania $500.00
4. Nhà Việt Nam Hoa Thịnh Đốn (VLAC) quyên góp. Annandale, VA $3,200.00
5. Đồng hương VN tại Dallas ($3,916.00) & Công ty điện tử Teletron, Dallas matching $4,084) Dallas, Texas $8,000.00
6. Cộng Đồng Việt Nam Tự Do tại New Jersey (NJVACA) quyên góp. $2,100.00
Tổng cộng $14,400.00