Tiểu ban Nhân quyền Úc hồi đáp các khuyến nghị của VOICE
Nhằm mục đích đóng góp vào buổi Đối thoại Nhân quyền Úc – Việt tổ chức vào tháng Tám năm 2018, Ông Trịnh Hội, Giám đốc Điều hành VOICE đã có buổi làm việc với Tiểu ban Nhân quyền Úc vào ngày 19 tháng Sáu cùng năm. Tại đây, ông Trịnh Hội đã trình bày một số khuyến nghị gửi đến Bộ Ngoại giao và Thương mại nước Úc để cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Dưới đây là bức thư hồi đáp của Tiểu ban Nhân quyền Úc gửi đến ông Trịnh Hội nhằm cung cấp cho VOICE những kết quả đã đạt được liên quan đến các khuyến nghị mà người đại diện của VOICE đã nêu ra.
Bức thư được Tiểu ban gửi vào ngày 19 tháng Mười Một năm 2018, nhưng vì một số lý do mà đến nay chúng tôi mới có thể lược dịch lá thư để hầu độc giả.
———
Kính gửi ông Trịnh Hội
Các Vấn Đề Nhân Quyền Tại Việt Nam
Tôi viết ra đây những gì liên quan đến lần hiện diện của ông trước Tiểu ban Nhân quyền vào ngày 19 tháng Sáu năm 2018. Tại cuộc họp đó, ông đã trình bày với Tiểu ban một số khuyến nghị nhằm cải thiện nhân quyền tại Việt Nam.
Tiểu ban đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao để nêu lên những lo ngại và các khuyến nghị của ông, và cũng để hỗ trợ cho Chính phủ Úc kêu gọi thả tù nhân lương tâm như ông đã đề cập.
Vào ngày 22 tháng 8 năm 2018, Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó, Nghị sĩ Julie Bishop đã trả lời và tôi viết ra để cho ông biết về phản hồi này.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lưu ý rằng Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) đã có ý kiến với đại diện của VOICE Australia vào ngày 18 tháng Sáu năm 2018 và VOICE Australia cũng tham gia vào buổi Tham vấn Xã hội Dân sự với DFAT vào ngày 17 tháng Bảy năm 2018 để chuẩn bị cho buổi Đối thoại Nhân quyền Úc – Việt.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cam đoan với Tiểu ban rằng thường xuyên nêu ra với Chính phủ Việt Nam những lo ngại về quyền con người bao gồm quấy rối và giam giữ các nhà hoạt động nhân quyền và tù nhân lương tâm. Và DFAT đã được biết về các trường hợp tù nhân ưu tiên mà ông đề cập đến trong buổi họp với Tiểu ban, cũng như các trường hợp người bảo vệ nhân quyền khác tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã yêu cầu nêu lên những trường hợp này tại Đối thoại Nhân quyền năm nay, nơi mà pháp quyền, tự do ngôn luận và hội họp, tác động của Luật An ninh mạng và vai trò quan trọng của các tổ chức xã hội dân sự đã được mang ra thảo luận. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng tuyên bố rằng Úc sẽ nêu lên những lo ngại về tình hình nhân quyền trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam vào tháng Một năm 2019.
Tôi muốn cảm ơn ông đã giúp cho Tiểu ban Nhân quyền chú ý đến những vấn đề này. Vui lòng liên hệ với Ban thư ký theo số 02 6277 4306 nếu ông có bất kỳ câu hỏi nào hoặc yêu cầu thêm thông tin.
Trân trọng
Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền, Nghị sĩ Kevin Andrew