Việt nam: Chúng tôi hy vọng các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc sẽ lắng nghe Xã hội dân sự.
Hướng đến phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) đánh giá hồ sơ nhân quyền của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 22 tháng Một năm 2019, CIVICUS có cuộc trò chuyện với cô Anna Nguyễn từ VOICE, một tổ chức xã hội dân sự làm công việc thúc đẩy phát triển xã hội dân sự và vận động cho quyền con người, bảo vệ người tị nạn, và pháp quyền ở Việt Nam. Được thành lập vào năm 2007, sứ mệnh của VOICE là trao quyền cho các cá nhân xây dựng một xã hội dân sự mạnh mẽ, độc lập và năng động.
Anna Nguyễn là một luật sư người Úc gốc Việt, Giám đốc Chương trình của VOICE. Cô giám sát một chương trình đào tạo cho các nhà hoạt động Việt Nam tại Đông Nam Á, một chương trình tái định cư người cho tị nạn ở Thái Lan và các nỗ lực vận động, kể cả vận động tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), để nâng cao nhận thức về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Cùng với VOICE, Civil Society Forum, Human Rights Foundation và VOICE Việt Nam, CIVICUS đã có đệ trình UPR lên Hội đồng Nhân quyền vào tháng 7 năm 2018.
Tình hình nhân quyền và xã hội dân sự tại Việt Nam hiện tại ra sao?
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam rất tồi tệ. Dù cho các quyền tự do lập hội, hội họp và biểu đạt ôn hòa được hiến pháp bảo vệ trên lý thuyết, nhưng chúng lại không được tôn trọng trong thực tế. Năm 2018, có 88 nhà bảo vệ nhân quyền đã bị bắt và ít nhất 194 người vẫn trong tù vì thực hiện trong ôn hòa các quyền dân sự và chính trị của mình. Đây là một con số đáng kinh ngạc và cho thấy rằng rõ ràng Nhà nước Việt Nam đang làm hết sức có thể để bóp nghẹt giới bất đồng chính kiến.
Xã hội dân sự ở Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh kể từ khi các cuộc biểu tình rầm rộ liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nổ ra tại Hà Nội và Sài Gòn năm 2011. Và nhờ vào việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội ngày càng tăng như Facebook và YouTube, có nhiều nhóm xã hội dân sự độc lập hơn so với bảy năm trước, nhiều người sẵn sàng lên tiếng trên Facebook và tham dự các cuộc biểu tình để nâng cao nhận thức về sự hung bạo của Nhà nước, cũng như tham dự các chương trình đào tạo liên quan đến nhân quyền. Mặt khác, Nhà nước Việt Nam đã sử dụng nhiều chiến thuật để kìm hãm sự phát triển độc lập của phong trào xã hội dân sự, bao gồm cả việc đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình, quấy rối và giam cầm những nhà bảo vệ nhân quyền lẫn từ chối thông qua luật về hội.
Nhà nước đang đàn áp những chính kiến bất đồng trên không gian mạng lẫn bên ngoài như thế nào?
Các cuộc biểu tình ôn hòa phải chịu sự đàn áp tàn bạo, và những người tham gia là nạn nhân bị quấy rối và giám sát liên tục. Vào tháng Sáu năm 2018, sau một cuộc biểu tình rầm rộ phản đối 2 dự luật An ninh mạng và Đặc khu kinh tế, chính quyền đã đàn áp tàn bạo những người biểu tình ôn hòa. Chính quyền sử dụng vòi rồng và bạo lực quá đà để ngăn chặn và trừng phạt những người tham gia, dẫn đến một loạt các vi phạm nhân quyền, bao gồm cả tra tấn hay bạo hành, đối xử vô nhân đạo và nhục mạ khác.
Những người bất đồng chính kiến ôn hòa thường bị quấy rối, tấn công thân thể, bị hình sự hóa và cầm tù bằng các điều luật an ninh quốc gia mơ hồ. Năm 2018, chín trong số nhiều nhà hoạt động ôn hòa đã bị tuyên từ 12 đến 20 năm, là những án tù chính trị cao nhất cho đến nay.
Các blogger đi đầu trong việc vạch trần sự lạm quyền của nhà nước bao gồm vi phạm nhân quyền, tham nhũng, chiếm đất và các vấn đề môi trường, đã phải đối mặt với rủi ro, đe dọa và cầm tù.
Blogger, doanh nhân nổi tiếng, Trần Huỳnh Duy Thức, đã bị kết án 16 năm tù vì tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” vào tháng Một năm 2010. Còn Hoàng Đức Bình, một blogger và nhà hoạt động môi trường, bị kết án 14 năm tù với hai tội danh: “Chống người thi hành công vụ” và “Lạm dụng các quyền tự do dân chủ”.
Vào tháng Bảy năm 2017, Trần Thị Nga, một blogger và một nhà hoạt động vì quyền lao động đã bị kết án 9 năm tù với tội danh “Tuyên truyền chống phá nhà nước” vì đã chia sẻ các bài viết và video trên mạng, đưa tin về các trường hợp vi phạm nhân quyền liên quan tới khủng hoảng môi trường và tham nhũng chính trị.
Luật An ninh mạng hà khắc, sao chép từ bộ luật tương tự của Trung Quốc, đã có hiệu lực vào ngày 1 tháng Một năm 2019. Luật này giúp Nhà nước thắt chặt kiểm soát thông tin và bịt miệng những người phê bình chính quyền trên mạng internet. Nhiều điều trong số đó cho phép Nhà nước ra lệnh xóa bất kỳ bài viết nào bị coi là phê phán Nhà nước trong vòng 24 giờ.
Tại sao quy trình UPR lại quan trong đối với xã hội dân sự?
Cơ chế UPR dành cho tất cả các chủ thể, không chỉ các quốc gia, đó là lý do tại sao đó là một cơ hội tuyệt vời cho xã hội dân sự, và đặc biệt là các nhóm xã hội dân sự chưa đăng ký, tham gia vào cơ chế này bằng cách đưa ra quan điểm khác với các Nhà nước. Nó đem đến cho xã hội dân sự một cơ hội để làm nổi bật hồ sơ nhân quyền của một quốc gia, cũng như là cung cấp các khuyến nghị để cải thiện nó.
Xã hội dân sự Việt Nam đã có khả năng tham gia vào quy trình UPR hay chưa? Nó có gặp phải thách thức nào khi thực hiện công việc đó không?
Cho dù Nhà nước Việt Nam tổ chức các cuộc tham vấn quốc gia trong quy trình UPR, thì nó cũng không có mặt các nhóm độc lập và chưa đăng ký như VOICE. Đây là một thách thức, bởi vì chúng tôi chưa có được một cuộc đối thoại cởi mở với nhà nước.
Ngoài ra, sự trả thù là một yếu tố quan trọng. Một số người bảo vệ nhân quyền từng tham gia vào quy trình UPR đã gặp nhiều khó khăn khi trở về Việt Nam. Họ đã bị tịch thu hộ chiếu, bị giám sát và quấy rối liên tục. Sự trả thù chỉ là một chiến thuật khác mà Nhà nước sử dụng để kìm hãm sự phát triển của phong trào xã hội dân sự và trừng phạt họ vì đã ôn hòa lên tiếng việc nhà nước thất bại trong việc đáp ứng các nghĩa vụ nhân quyền mà nhà nước phải làm.
Một số khuyến nghị quan trọng của xã hội dân sự gửi đến các quốc gia tham gia đánh giá Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền sắp đến là gì?
Xã hội dân sự đang kêu gọi các quốc gia thúc giục Nhà nước Việt Nam sửa đổi Bộ luật Hình sự để đảm bảo các điều khoản mơ hồ liên quan đến an ninh quốc gia – đáng chú ý là các điều 79 (109), 87 (116), 88 (117), 89 (118), 91 (121), 257 (330) và 258 (331) – phải được giải thích rõ ràng hoặc phải xóa đi để chúng không thể áp dụng tùy tiện nhằm kìm hãm bất đồng chính kiến ôn hòa và tự do ngôn luận.
Chúng tôi cũng muốn các quốc gia khuyến nghị Nhà nước Việt Nam sửa đổi hoặc bãi bỏ luật pháp liên quan cụ thể đến các quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin, và liên quan đến quyền riêng tư và giám sát, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Điều 17, 19 và 20 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến Luật Báo chí, Luật Xuất bản và Luật An ninh mạng, cũng như về Nghị định số 72/2013/ND-CP về quản lý dịch vụ và thông tin trên internet và Nghị định số 1774/2013/ND-CP, trong đó áp dụng hình phạt cho hành vi vi phạm các quy định bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và đài phát thanh.
Đại diện từ các quốc gia tại Hội đồng Nhân quyền cũng nên kêu gọi Việt Nam đảm bảo rằng các nhà hoạt động xã hội dân sự, người bảo vệ nhân quyền, các nhà báo và blogger được cung cấp một môi trường an toàn và đảm bảo họ thực hiện công việc. Họ cũng nên tiến hành các cuộc điều tra công minh, kỹ lưỡng và hiệu quả trong tất cả các vụ tấn công và quấy rối mà họ bị cho là thủ phạm để đưa thủ phạm ra trước công lý.
Cuối cùng, cần có các khuyến nghị để đảm bảo việc điều tra độc lập và hiệu quả và thực hiện biện pháp khắc phục hành vi giam giữ tùy tiện và ngược đãi thể chất hoặc tinh thần của nhà nước, đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền. Cụ thể, Nhà nước Việt Nam cần được hối thúc phóng thích, vô điều kiện và ngay lập tức, tất cả những người bảo vệ nhân quyền, bao gồm các nhà báo và blogger, bị giam giữ vì thực thi các quyền cơ bản của họ đối với các quyền tự do lập hội, hội họp và biểu đạt ôn hòa, và hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại họ.
Bạn muốn thấy gì từ đánh giá UPR?
Chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc trong Hội đồng Nhân quyền sẽ lắng nghe xã hội dân sự và các khuyến nghị của chúng tôi, và một loạt các mối quan tâm về quyền con người của xã hội dân sự, bao gồm quyền của phụ nữ, thanh niên và người LGBTQI, và các quyền dân sự và chính trị, sẽ được giải quyết bằng các khuyến nghị mạnh mẽ – bằng những khuyến nghị cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, thực tế và có thời hạn. Điều này sẽ cho phép các nhóm xã hội dân sự và các bên liên quan khác dễ dàng theo dõi xem liệu Nhà nước Việt Nam có làm theo các những gì họ chấp thuận hay không.
Chúng tôi cũng muốn Việt Nam có nhiều cuộc đối thoại với các nhóm độc lập và chưa đăng ký, để đảm bảo có sự đại diện cân bằng của xã hội dân sự trong các cuộc đối thoại quốc gia cho các đánh giá UPR trong tương lai. Điều này sẽ tăng cường tác động của quy trình UPR và cải thiện tính toàn vẹn của cơ chế.
Bạn có kế hoạch gì sau đánh giá UPR, và cần sự hỗ trợ nào từ cộng đồng quốc tế lẫn xã hội dân sự quốc tế?
VOICE sẽ nâng cao nhận thức về các cam kết của Việt Nam thông qua dịch thuật và phổ biến trong cộng đồng, truyền thông, các quốc hội, các đại sứ quán lẫn xã hội dân sự.
Chúng tôi sẽ theo dõi các khuyến nghị được đưa ra cho Việt Nam để đảm bảo chúng sẽ được theo dõi bằng cách tổ chức thường xuyên các cuộc họp các bên liên quan, bao gồm các nhóm xã hội dân sự và các đại sứ quán khác tại Hà Nội. Trong các cuộc gặp mặt vận động, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật cho các quốc gia đã đưa ra khuyến nghị cụ thể để cho họ biết liệu tiến trình đã được thực hiện hay chưa và thúc giục họ gây thêm áp lực nếu vẫn chưa.
Chúng tôi mong muốn cộng đồng quốc tế, bao gồm các tổ chức xã hội dân sự quốc tế, giữ áp lực nhằm cho Nhà nước Việt Nam tuân theo các khuyến nghị mà họ đã nhận được, và cung cấp một diễn đàn cho các nhóm xã hội dân sự và các nhà bảo vệ nhân quyền nhằm nâng cao nhận thức về các tiến triển hay là không có tiến triển nhân quyền nào của nhà nước.
——-
Bài viết được Ban biên tập VOICE lược dịch từ bài gốc VIETNAM: ‘We hope UN member states will listen to civil society’ của CIVICUS.
#UPR
#VietnamUPR
#VietnamUPR2019