Đôi dòng về Giáo sư Chu Hảo

             

Tôi có cơ hội làm việc với Giáo sư Chu Hảo khi tham gia tổ chức các buổi thảo luận về chính trị tại NXB Tri thức trong giai đoạn 2014 – 2016.

Trước thời gian đó, từ khi học đại học cho đến khi ra trường đi làm, tôi là độc giả trung thành của NXB Tri thức. Có thể nói, những cuốn sách của NXB Tri thức, đặc biệt là Tủ sách Tinh hoa, đã thay đổi con người tôi.

Tôi sẽ không biết nguồn gốc quyền lực của chính quyền đến từ nhân dân nếu không đọc Khảo luận Thứ hai về Chính quyền của John Locke, tôi sẽ không biết con người có quyền tự do ngôn luận, hội họp nếu không đọc Bàn về Tự do của John Stuart Mill, và tôi sẽ không biết về chủ nghĩa cộng sản có thể dẫn đến toàn trị nếu không đọc Đường về nô lệ của Hayek. Tôi tin rằng rất nhiều bạn trẻ, đã và đang là độc giả của NXB Tri thức, có cùng trải nghiệm như tôi.

Trước thời gian đó, đối với tôi, Giáo sư là nhà văn hóa lớn, người bảo trợ cho nỗ lực khai dân trí ở Việt Nam. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có cơ hội gặp được ông; tuy nhiên, may mắn thay tôi không chỉ có cơ hội gặp ông mà còn được làm việc với ông.

Chính từ việc đọc sách của NXB Tri thức, từ việc hiểu các nguyên tắc tổ chức xã hội hiện đại là dân chủ, pháp trị và thị trường tự do, nó thôi thúc tôi và bạn bè phải làm điều gì để phổ biến ý tưởng trên cho càng nhiều bạn trẻ càng tốt. Điều này dẫn đến hình thành nhóm của chúng tôi, việc hợp tác với NXB Tri thức để tổ chức một loạt các seminar về chính trị sau đó.

Cảm nhận của tôi về Giáo sư khi làm việc cùng với ông là sự sâu sắc, phong thái từ tốn và nhẹ nhàng, đặc biệt ông luôn khuyến khích, động viên những người trẻ chúng tôi. Điều tôi nhớ nhất ở ông là khi chúng tôi tổ chức seminar giới thiệu tư tưởng của John Locke trong tác phẩm Khảo luận Thứ hai về Chính quyền.

Ông John Locke là tác giả lớn trong thời kì Khai sáng ở phương Tây, và tư tưởng của ông chính là nền tảng cho nền dân chủ tự do ngày nay. John Locke đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi quan trọng như đâu là nguồn gốc của chính quyền – sự đồng thuận của người dân; mục đích của chính quyền là gì – bảo vệ quyền sống, tự do và tư hữu; và khi chính quyền chống lại người dân thì người dân có quyền làm gì – nổi dậy lật đổ chính quyền.

Đối với một nước độc đảng như Việt Nam, đây là những câu hỏi cực kì nhạy cảm. Tôi nhớ lúc đó, có nhiều bài viết ám chỉ rằng, seminar ngầm tuyên truyền kích động ý tưởng nổi dậy chống lại chính quyền ở Việt Nam. Trước buổi seminar, Giáo sư có cầm một trong các bài viết như vậy đưa chúng tôi, ông hỏi chúng tôi rằng ‘có sợ không’. Thú thực, lúc đó chúng tôi và ngày cả nhiều bạn tham gia seminar cũng hơi hoang mang, nhưng ông đã trấn an chúng tôi, bảo chúng tôi cứ làm, ‘có gì để bác lo’. Hành động này của Giáo sư rất quan trọng với chúng tôi, vốn còn rất non nớt lúc đó, bởi nó khiến chúng tôi vững tin và tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Buổi seminar diễn ra rất thành công. Đây chính là seminar khởi đầu cho hàng loạt các seminar kế tiếp, mà ông luôn đồng hành với tư cách người chủ trì.

Trong suốt sự nghiệp khai dân trí của ông, tôi tin rằng Giáo sư đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực từ chính quyền, việc xem xét kỉ luật ông vừa qua chỉ là chuyện thường ngày trong số đó. Điều tôi mừng là thông qua sự việc này, có sự lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ ông. Nó cho thấy công luận ngày càng khai sáng hơn, mà Giáo sư là người góp phần quan trọng mang lại điều đó.

Đối với tôi, thời gian làm việc với Giáo sư là giai đoạn quan trọng, nó góp phần giúp tôi trưởng thành và hiện giờ tôi có thể đóng góp như một nhà đấu tranh cho Việt Nam tự do và tiến bộ.

Xin tri ơn Giáo sư vì những gì ông đã làm cho tôi, thế hệ của tôi, và cho Việt Nam.

Minh Tâm (Thực tập sinh)