Phỏng vấn nhà làm phim Đức Nguyễn: Không còn gì để mất
Thật sự thì không còn gì để mất là như thế nào? Có phải khi mà bộ da bên ngoài bọc lấy tấm thân vất vưởng sống còn – theo đúng nghĩa đen – là nơi nương náu còn lại duy nhất? Và chính nó lại bị đe dọa – bởi những vô định, bất chắc về nơi mình thuộc về, bởi những thiếu thốn và nguy hiểm thể xác, và trong nỗi sợ ai đó lấy đi bến neo của nó theo những cách không-phải-lúc-nào-cũng-nhìn-thấy đầy trĩu nặng, tâm can và cảm xúc? Những người tị nạn “vô quốc gia” trong những câu chuyện được khắc họa bởi nhà làm phim tài liệu Đức Nguyễn trong dự án mới nhất, Không Còn Gì Để Mất (Nothing Left to Lose), đều là những trường hợp rất-thường-xuyên bị bỏ qua trong khủng hoảng tị nạn. Một số họ đã chịu đựng hàng thập kỷ trong tình trạng vô định – của việc “vô quốc gia”.
Không Còn Gì Để Mất
diaCRITICS: Anh có thể giới thiệu sơ qua về nội dung phim tài liệu Không Còn Gì Để Mất cho mọi người được không? Điều gì truyền cảm hứng cho anh làm cuốn phim này?
Duc Nguyen: Không Còn Gì Để Mất quan sát những mất mát của một người khi họ bị di tản sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam qua đi. Nó còn nói về sự lãng quên và tình yêu. Câu chuyện là về một nhóm khoảng 100 người Việt tị nạn đã sống ẩn trốn hơn 25 năm tại Thái Lan và cuối cùng có được một cơ hội để tìm mái ấm. Nó được kể lại thông qua cái nhìn của một bác sĩ từng là một đứa trẻ khi đến tị nạn tại Canada. Nhưng tuổi thơ của cô đã bị phá hỏng vì cha cô đã ruồng bỏ gia đình cả về tinh thần lẫn thể xác. Chúng tôi khai thác những tác động bên trong và cả bên ngoài của việc tản cư. Cảm giác mất đi mái ấm nó ra sao? Đây là chủ đề chính truyền cảm hứng cho tôi trong mọi việc. Nhưng câu chuyện này đặc biệt ở chỗ họ là những người đã mất mọi thứ, kể cả bản sắc riêng của mình với hi vọng được tái định cư tại phương Tây. Tôi bị hấp dẫn bởi việc họ tồn tại và xây dựng cuộc sống ở một nước khác mà không có một tình trạng pháp lý nào trong suốt một phần tư thế kỷ. Chỉ sự bền bỉ, mạnh mẽ sống một cuộc sống vô vọng lâu như thế đã là cả một nguồn cảm hứng rồi.
diaCRITICS: Phim của anh theo sát câu chuyện về một số người tị nạn Việt Nam “vô quốc gia”, một vài trong số họ đã bị mắc kẹt tại Thái Lan hàng thập kỷ. Cho những độc giả chưa xem bộ phim này, cũng như chưa quen với những câu chuyện thế này, anh có thể tóm tắt “vô quốc gia” nghĩa là gì không? Những câu chuyện này có đặc biệt không (cụ thể là chúng có đặc biệt đối với việc di tản của người Việt không?) Có lí do phổ biến nào hay tại sao nó lại xảy ra với một số người tị nạn?
Mỗi trải nghiệm tị nạn đều có một lối rất riêng mà lối ấy có thể định đoạt số phận của người đó.
DUC NGUYEN: Một người vô quốc gia là người mà “không được xem là công dân của bất kỳ nước nào theo luật của nước đó.” Một số người vô quốc gia cũng là người tị nạn. Tuy nhiên, không phải tất cả những ai tị nạn đều vô quốc gia, và rất nhiều người vô quốc gia còn chưa bao giờ vượt qua biên giới nước khác nữa. Không phải máy móc, nhưng đây là định nghĩa từ Wikipedia. Trong trường hợp này, những người được phác họa trong Không Còn Gì Để Mất từng xin tư cách tị nạn, rồi họ trở thành người vô quốc gia sau khi đơn xin tị nạn của họ bị Cao Ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) từ chối vào những năm 1990. Thời điểm đó, để ngăn chặn dòng người tị nạn từ Đông Nam Á, UNHCR đã triển khai Kế hoạch Hành động Toàn diện (CPA). Bất kỳ người nào đến một quốc gia khác xin quy chế tị nạn sẽ đều phải trải qua những cuộc thanh lọc khắt khe. Nếu được công nhận là người tị nạn thì người đó sẽ được tái định cư tại một nước thứ 3. Nếu không thì họ buộc phải quay trở về Việt Nam. Vì trại tị nạn ở Đông Nam Á đã đóng cửa, những người không xin được tư cách tị nạn bị cưỡng bức “hồi hương” về Việt Nam, hay cách nói giảm tránh của việc bị “trục xuất.” Nhóm người đặc biệt này đã chọn chạy trốn khỏi trại tị nạn, và ở lại Thái Lan bất hợp pháp. Mặc dù những câu chuyện của họ khá đặc biệt với việc tị nạn ở Đông Nam Á, nhưng đó cũng là một bài toán của hiện tượng di cư toàn cầu và nhập cư phổ biến hiện nay. Tôi từng làm một phim tài liệu nói về một nhóm người Việt Nam vô gia cư ở Philippines có tên là “Vô quốc gia” (Stateless). Họ cũng trải qua một số phận tương tự. Khi không thể là người tị nạn, họ đã quyết định ở lại Philippines trong 16 năm cho tới khi được chấp nhận vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những người ở Thái Lan thì khác. Bản sắc của nhiều người trong số họ đã bị mờ nhạt, như thể họ bị pha trộn giữa Việt Nam, Campuchia hay người Hoa. Và vì Thái Lan có địa giới với Campuchia, một vài người trong số họ thường xuyên bị bắt và trục xuất sang Campuchia. Những người tị nạn không quốc tịch ở Thái Lan thường mạo danh là người Campuchia để nếu bị trục xuất họ còn có cơ hội trở lại Thái Lan. Vì vậy, biên giới cũng đóng một vai trò trong con đường nhập cư của họ. Mỗi trải nghiệm tị nạn đều có một lối rất riêng mà lối ấy có thể định đoạt số phận của người đó. Thời điểm cũng là một yếu tố lớn. Nhưng quan trọng hơn cả là lòng trắc ẩn.
diaCRITICS: Anh có thể chia sẻ một chút về quá trình, về nghiên cứu, và những mối quan hệ với những người tị nạn “vô quốc gia” trong câu chuyện mà anh theo đuổi không? Anh đã gặp họ ra sao? Mất bao lâu để thực hiện thước phim về những câu chuyện đó?
DUC NGUYEN: Tôi bắt đầu biết tới những người Việt vô quốc gia vào năm 2005 khi tôi đến Philippines để thực hiện bộ phim tài liệu đầu tiên “Bolinao 52”. Ở đây tôi gặp một số người và phỏng vấn họ trong khi họ đang được phỏng vấn bởi nhân viên di trú Hoa Kỳ về việc tái định cư. Tôi cũng được kết nối với anh Trịnh Hội, luật sư nhân quyền vận động cho việc tái định cư cho những người này. Năm đó, khoảng 2000 người Việt vô quốc gia tại Philippines được tái định cư tại Hoa Kỳ. Một số người không được đi Hoa Kỳ cũng đã tới Canada và một số quốc gia khác. Tôi dõi theo cuộc sống của một số người đến Mỹ tiến triển ra sao ở đất nước mới và rồi thành công dân Hoa Kỳ nữa. Điều đó trở thành tiền đề cho bộ phim tài liệu thứ hai của tôi – “Vô quốc gia.” Không lâu sau đó, Trịnh Hội được yêu cầu giúp đỡ một nhóm người ở Thái Lan. Mới đầu, anh miễn cưỡng từ chối. Nhưng về sau, anh quyết định giúp họ. Vào năm 2012, chúng tôi đến Canada và gặp Bộ trưởng Nhập cư, lúc đó là ông Jason Kenney. Ông ấy thấy được kết quả tích cực từ những người đến từ Philippines. Do đó, chính phủ Canada tạo ra một chương trình kín cho phép những người ở Thái Lan này đến Canada với điều kiện cộng đồng người Việt sẽ bảo trợ họ. Điều này có nghĩa là những người vô quốc gia này phải được bảo lãnh bởi người có đủ năng lực tài chính để chi trả vé máy bay, phí nộp hồ sơ, phí xử lý và chi phí sinh hoạt cho một năm sau ngày đến. Thêm vào đó, cộng đồng cũng phải tìm nhà, việc làm, trường học và những công tác hậu cần cho những người này. Sau đó Trịnh Hội đã tổ chức nhiều sự kiện gây quỹ trên thế giới và tìm cách đáp ứng đủ các yêu cầu cần thiết để đưa những người đã mất tổ quốc quá lâu được sang Canada từ Thái Lan. Ngoài mong đợi, những người từng là vô quốc gia ở Philippine hiện đã định cư tại Hoa Kỳ, Na Uy và Canada đã tập hợp lại, nỗ lực cùng gây các quỹ cần thiết để đưa đồng hương của mình đến trời Tây. Ở miền Nam California, tháng Giêng hàng năm họ đoàn tụ vào để gặp gỡ và bàn bạc kế hoạch đền đáp lại những điều mà họ đã được nhận, bằng cách tạo ra những cơ hội sống mới.
Tác động tâm lý chiến tranh là phổ biến và thấm vào những người từng trong cuộc chiến lẫn những người bên cạnh họ.
diaCRITICS: Quả là một nỗ lực tập thể tuyệt vời đáng có để hỗ trợ hợp lại trong công cuộc thiết lập những cuộc sống “mới”. Đâu là những thách thức đối với cá nhân anh trong việc thực hiện và truyền tải bộ phim này?
DUC NGUYEN: Thách thức lớn nhất trong khi làm phim, đối với phim này và cả những phim khác tôi từng làm, là tài chính. Làm phim tốn tiền, thời gian. Đối với bộ phim này thì cần phải tạo ra một dự án hỗn hợp trong đó kết hợp giữa các series truyền hình/phim tài liệu cá nhân. Chúng tôi mang theo cả đối tác lúc đó là nhà sản xuất series truyền hình về sức khỏe và lối sống trên các kênh truyền hình địa phương Việt Nam. Trịnh Hội là người đồng dẫn chương trình đó. Vậy nên khi chúng tôi quay phim ở các địa điểm, Bác sĩ Hannah Vũ, đồng sản xuất phim cũng quay luôn cho loạt phim truyền hình của cô và trả các khoản phí. Chúng tôi hầu như không có bất kỳ hỗ trợ tài chính nào khác ngoài nhóm người luôn ủng hộ chính của chúng tôi. Tôi đầu tư tiền của chính mình, các dụng cụ và thời gian vào việc dựng phim cùng với họ. Chúng tôi dự định sẽ hoàn thành nó vào năm 2015, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày kết thúc Chiến tranh. Tuy nhiên lại bị thiếu vốn. Sau đó vào năm 2016, đài địa phương PBS ở miền Nam California đã liên lạc với tôi. Lúc đó họ đang tìm những thước phim từ góc độ Việt Nam cho phân đoạn series phim địa phương phát chung trong series truyền hình cực lớn của Ken Burns mang tên “Chiến tranh Việt Nam” (Vietnam War). Tất nhiên lúc đó tôi đã đề cử dự án có tên “Cuối Cùng Cũng Được Tự Do” (Freedom At Last). Họ thích nó và nói rằng họ có thể sẽ cấp vốn để hoàn thành phim. Vài tháng sau đó, họ trở lại, nói rằng không có tài trợ nhưng họ vẫn quan tâm đến nó. Người quản lý chương trình đã gửi cho tôi một bức thư thể hiện sự quan tâm này. Không lâu sau đó, cô ấy trở lại và nói rằng để đài của họ đại diện cho bộ phim này, tôi sẽ phải trả một khoản phí. Thời điểm đó, người ủng hộ chính của chúng tôi, Trung tâm Truyền thông Mỹ – Á (CAAM) đã hỗ trợ nốt phần quỹ hoàn thành phim, người đồng sản xuất phim cũng góp một ít khoản quỹ thêm để hoàn thành bộ phim kịp lúc cho đợt ra mắt phim cùng với series của Ken Burns vào tháng Chín năm 2017. Các đài khắp nơi đều cần đưa những chương trình về Việt Nam vào thời gian phát sóng của họ dịp mùa Thu năm 2017 khi đài PBS quảng bá mạnh loạt phim Chiến tranh Việt Nam – Vietnam War của Ken Burns. Đấy là về làm phim. Còn về phát hành phim lại là một câu chuyện khác. Tôi thật sự không nghĩ rằng Không Còn Gì Để Mất sẽ có cơ hội được xem nếu như nó không phải là phim cùng với series của Ken Burns. Chương trình TV thường được lên kế hoạch, phân loại và lên lịch từ lâu. Series phim Chiến tranh Việt Nam của Ken Burns đã được lên kế hoạch hàng năm trời. Nó là sự kiện TV chính cho đài truyền hình PBS và các đài địa phương khắc họa những chương trình liên quan đến đề tài Chiến tranh Việt Nam. Những phim tài liệu cá nhân như Không Còn Gì Để Mất, đặc biệt là những câu chuyện về sắc tộc, thường không được phát sóng từ những kênh đó. Chúng thường được đưa vào Kênh Thế giới.
diaCRITICS: Có điều gì ngạc nhiên hay những phát hiện nào đáng để ăn mừng trong quá trình làm và phát hành phim này không?
DUC NGUYEN: Đôi khi, câu chuyện hấp dẫn nhất đã xảy ra ngay mũi mình trong khi mình lại đang bận rộn theo đuổi những câu chuyện ở nơi khác. Trong trường hợp của chúng tôi, điểm nhấn cảm xúc của phim lại thuộc về một trong những nhà sản xuất phim, vì nó được kể lại và tái hiện bởi chính người cùng làm phim với tôi, bác sĩ Hannah Vũ. Khi chúng tôi bắt đầu bấm máy vào năm 2012 ở Ottawa, Canada nơi cô ấy lớn lên, cô có nhắc tới rằng cha của cô vẫn sống ở đó dù cô đã được thuyên chuyển sang California một thời gian. Đó là tất cả những gì cô nói. Tôi đã băn khoăn là tại sao cô ấy không đến thăm cha mình trong chuyến đi ấy. Mãi về sau, trong khi sản xuất phim, cô mới tiết lộ mối quan hệ xa lạ của cô với cha cô. Cha của Bs. Vũ là một sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng hòa, phụ trách một hạm đội quanh Sài Gòn trong chiến tranh. Khi kết thúc cuộc chiến, họ rời Việt Nam trong đợt sơ tán của Hoa Kỳ. Họ được bảo trợ định cư tại Canada. Bs. Vũ lớn lên mà không có sự hiện diện của một người cha. Với cô, cha vẫn ở cạnh đấy, nhưng ông chẳng hề quan tâm đến gia đình, không đưa họ đi nghỉ lễ, đi ăn ở ngoài hay chơi đùa với bọn trẻ. Trong buổi phỏng vấn, cô lặng lẽ lau nước mắt giải thích rằng khi còn nhỏ, cha cô bảo rằng cô không có lợi ích gì cho gia đình cả vì cô sẽ không mang tên của ông. Con của cô cũng không mang tên ông. Khi trưởng thành, cô muốn chứng minh rằng cha mình sai. Cô đã cố gắng học để tự tạo dựng cho mình một cái tên. Nhưng cô không nói cho ông biết suốt hơn 20 năm. Nhưng có lẽ bởi vì chứng kiến tình trạng khó khăn của những người vô quốc gia ở Thái Lan, cô có sự đồng cảm hơn với cha mình, đang sống cùng chứng giảm trí nhớ trong viện dưỡng lão. Bs. Vũ do đó cũng thay đổi cái nhìn về cha và chuẩn bị thủ tục đón ông về California nơi cô đang sinh sống.
Điều làm tôi tò mò về câu chuyện này là Chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng đến người ta ở rất nhiều cấp độ. Nó để lại dấu vết không thể xóa nhòa đối với những người đã chiến đấu và cả những người vòng lửa đạn. Trường hợp của cha Bs. Vũ và rất nhiều cựu chiến binh miền Nam Việt Nam, thua cuộc là một thất bại chính với niềm tự hào của họ. Những người đủ may mắn để được tái định cư ở phương Tây tập trung lấy lại phẩm giá của họ thông qua làm việc cật lực. Đôi khi họ lãng quên gia đình mình. Tác động tâm lý chiến tranh là phổ biến và thấm vào những người từng trong cuộc chiến lẫn những người bên cạnh họ. Trong quá trình làm phim, tôi có cơ hội hiểu thêm một chút về những xung đột, quên lãng, hi vọng, tình yêu và mất mát trong bối cảnh thương vong của chiến tranh.
Cái tên hiện tại của bộ phim, Không Còn Gì Để Mất bắt nguồn từ lời bài hát Me and Bobby McGee của Kris Kristofferson: “Tự do là một từ khác cho sự không còn gì để mất.” Khi ta tìm kiếm tự do, ta có thể mất tất cả. Thật vậy.
diaCRITICS: Anh mong muốn người xem cảm được hay học được điều gì nhất khi xem phim này?
DUC NGUYEN: Có hai nhóm người tôi muốn họ xem phim này. Một là cộng đồng người Việt hải ngoại và nhóm khác là khán giả phổ thông. Nhóm người xem đầu tiên gồm cả cộng đồng người Việt tha hương, tôi muốn họ có một cái nhìn sâu sắc hơn về vai trò của người cha Việt Nam. Chúng ta thường hay nói về “Mẹ Việt Nam.” Nhưng phim này dành cho những người cha đã hi sinh cuộc sống của họ rất nhiều cho những gì ta có ngày nay. Rất nhiều trong số họ âm thầm qua đời, mang theo trong họ nỗi buồn của chiến bại. Như đã nêu, câu chuyện của Bs. Vũ trong phim và cha của cô là một điều bất ngờ. Tuy nhiên thì câu chuyện xa lạ với chính cha mình của cô được mở ra như một tiến trình chữa lành cho cô, và cho bộ phim. Tôi thấy rằng nỗi đau của rất nhiều người đàn ông phụng sự cho quân đội miền Nam Việt Nam đang mang phải được thảo luận trong một cuộc thảo luận mở thay vì nằm phía sau những cánh cửa đóng. Câu chuyện của họ cần được kể lại.
Đối với nhóm thứ hai, tức khán giả phổ thông, ý niệm về mái ấm và quốc tịch, tư cách công dân là những chủ đề trước hết. Khi mà cuộc tranh luận về nhập cư tiếp tục dậy sóng trên truyền thông, chúng ta cần phải nhìn vào đặc quyền được có tư cách công dân ở một quốc gia nào đó, bất kỳ quốc gia nào. Những quyền con người căn bản của bạn như đi lại, sống, học tập, sở hữu lại được quyết định bởi một văn bản mà bạn phải có là một điều phi lý. Việc không có giấy tờ không có nghĩa là bạn bị tước hết các quyền. Nhất là trong thời kỳ mà những người không có giấy tờ và những tội phạm cũ đang bị săn lùng, bị trục xuất về nước, là những người sống vô quốc gia, bất hợp pháp hay không giấy tờ lại thêm một lần nữa bị đối xử vô nhân đạo.
Xem Trailer của phim
Website phim Không còn gì để mất (Nothing Left To Lose ): http://nothingleft2lose.com
TIỂU SỬ KHÁCH MỜI
—————-
Những bộ phim tài liệu của Đức Nguyễn, một người đoạt giải Emmy, nói về các chủ đề mái ấm, di dân, chiến tranh, mâu thuẫn lịch sử và hòa giải. Tác phẩm của ông gồm có, Thực tế Trung gian (Mediated Reality), một bộ phim tài liệu về trò-giằng-kéo giữa Mỹ và Cuba lên một đứa bé 6 tuổi Elian Gonzalez. Bolinao 52, bộ phim tài liệu về cuộc hành trình xấu số của thuyền tị nạn Việt Nam, tác phẩm sau này đoạt 2 Giải thưởng EMMY vùng Bắc California (2009) cho Thành tựu Xuất sắc về Phim tài liệu và Phối nhạc Xuất sắc. Vô quốc gia (Stateless), phim tài liệu về một nhóm người Việt bị kẹt lại Philippine, không nhà trong 16 năm, đã thắng Giải Khán giả Bình chọn và Giải Nổi bật trong Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam năm 2013. Vào năm 2017, Đức đã sản xuất, chỉ đạo, biên tập phần thứ 3 của bộ ba tác phẩm về thuyền nhân Việt Nam, Không Còn Gì Để Mất. Phim kể về câu chuyện của gần 100 người tị nạn Việt Nam có những mảnh đời lẩn trốn trong suốt 25 năm hi vọng một ngày được lấy lại phẩm giá khi được công nhận là một con người.
Nguồn bài viết từ diaCRITICS