Blogger Mẹ Nấm – người luôn vắng mặt khi được quốc tế vinh danh
Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm nay vừa vinh danh 13 người phụ nữ hoạt động vì quyền con người từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Blogger Mẹ Nấm hay Nguyễn Ngọc Như Quỳnh của Việt Nam.
Phụ nữ Can đảm Quốc tế
Từ năm 2007, cùng với Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế (International Women of Courage Award), Ngoại trưởng Mỹ đã tôn vinh nhiều phụ nữ trên toàn cầu, những người đã thể hiện lòng dũng cảm và khả năng lãnh đạo trong các nỗ lực vận động cho nhân quyền, bình đẳng giới và quyền phụ nữ. Giải này đặc biệt vinh danh những phụ nữ từng bị tống giam, tra tấn, bị đe dọa tới tính mạng hoặc chịu tổn thương nghiêm trọng vì đã đứng lên đấu tranh cho công lý, nhân quyền và pháp trị.
Trong thông báo của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam có đoạn: “Vào ngày 29/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ vinh danh bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì sự can trường của bà trong cuộc đấu tranh cho các vấn đề xã hội dân sự, vì đã truyền cảm hứng cho những thay đổi ôn hòa, kêu gọi một hệ thống chính quyền minh bạch hơn, cổ vũ cho hoà bình, công lý và quyền con người, và là tiếng nói đại diện cho quyền tự do ngôn luận.”
Bà Tạ Phong Tần, một cựu tù nhân lương tâm nổi tiếng, từng được vinh danh trong Giải này năm 2013 khi bà đang chịu án tù 10 năm tại Việt Nam vì tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
Người luôn vắng mặt
Blogger Mẹ Nấm gây chú ý trong giải thưởng năm nay, không chỉ bởi chị là người nhận giải duy nhất vắng mặt tại buổi lễ mà còn là người duy nhất đang bị giam cầm.
Tháng 10 năm 2016, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an Khánh Hòa bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 88, Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Trong khi những ‘chứng cứ phạm tội’ thu giữ tại nhà chị chỉ là những biểu ngữ như “Cá cần nước sạch, Nước cần minh bạch”, “Khởi tố Formosa”, các khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược, cùng tập hồ sơ với dữ liệu về 31 người chết trong khi bị công an giam giữ được tổng hợp từ báo chí nhà nước.
Năm 2015, chị Quỳnh là phụ nữ Châu Á đầu tiên được nhận giải thưởng Người bảo vệ Dân quyền của tổ chức Civil Rights Defenders có trụ sở tại Thụy Điển. Tuy nhiên do bị cấm xuất cảnh chị cũng chỉ có thể nhận giải thưởng “từ xa”.
Năm 2010, Mẹ Nấm được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng Hellman/Hammett nhằm tôn vinh lòng can đảm trong các nỗ lực bảo vệ nhân quyền.
Mẹ của bé Nấm
Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bút danh Mẹ Nấm, sinh năm 1979, quê ở Nha Trang – Khánh Hòa.
Chị Quỳnh dùng truyền thông xã hội để phản đối bất công, tham nhũng, và vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, đấu tranh cho những người không có tiếng nói trong xã hội… qua những bài viết blog từ năm 2006. Chị bị bắt giữ nhiều lần từ 2009 – 2016 liên quan đến các hoạt động vừa nêu, lần gần đây nhất là từ tháng 10/2016 cho đến nay.
Từ ngày chị Quỳnh bị bắt đi, những người trong gia đình luôn phải sống trong một nỗi sợ hãi, thấp thỏm. Hai con của chị, bé Nấm trở nên lầm lũi ít nói, còn bé Gấu liên tục khóc đòi mẹ và giục bà gọi mẹ về. “Cuộc sống của chúng tôi thật sự khó khăn và bị đe dọa khi thiếu vắng Quỳnh,” bà Lan, mẹ của chị Quỳnh, chia sẻ.
Bà Lan cho rằng con bà vô tội nếu sống trong một quốc gia tự do, nhân quyền được tôn trọng. Và đối với bà, đó cũng chính là ý nghĩa cốt lõi của Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế mà Bộ Ngoại giao Mỹ trao tặng con gái bà năm nay. Theo trao đổi của bà với Đài VOA.
Giám đốc điều hành tổ chức VOICE Luật sư Trịnh Hội cảm thấy vui khi hay tin Mẹ Nấm nhận được giải thưởng từ Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tuy nhiên “điều đó chỉ nói lên một sự thật đó là còn quá nhiều sự bất công, đàn áp nhân quyền ở Việt Nam”. “Mỗi người trong chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công việc tranh đấu cho những tù nhân lương tâm của Việt Nam trong đó có Mẹ Nấm” ông nói thêm.
VOICE đã có dịp quen biết và làm việc với Blogger Mẹ Nấm trước khi chị bị bắt. Hiện nay, VOICE vẫn tiếp tục vận động với các giới chức và tổ chức quốc tế để nhiều người biết hơn về việc làm của chị. Cũng như giúp đỡ cho gia đình của chị, đặc biệt là hai bé Nấm và Gấu tuổi còn quá nhỏ mà đã phải sống xa mẹ, không được gặp mẹ từ lúc mẹ bị bắt.