Lịch Sử Hình Thành Và Phát Triển

VOICE, viết tắt của Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment, có nghĩa là Sáng kiến Thể hiện Lương Tâm Người Việt Hải ngoại, là một tổ chức độc lập, phi chính phủ và phi lợi nhuận, lên tiếng cho cộng đồng người Việt Nam thông qua thúc đẩy phát triển xã hội dân sự, vận động cho nhân quyền và pháp quyền, và giúp tái định cư những người Việt tị nạn.

VOICE hoạt động từ năm 1997 như một văn phòng đại diện của Cộng đồng người Việt Úc châu tại Manila, Philippines, nhằm tư vấn pháp lý, hỗ trợ 2.500 người Việt Nam vô quốc gia đang tị nạn tại nước này. Từ đó VOICE hợp tác với những Tổ chức phi chính phủ và nhóm cộng đồng khác đã giúp được khoảng 2.000 người được Mỹ nhận năm 2005, khoảng 1.000 người đi Úc, Canada và Na Uy, bao gồm cả những người có vợ chồng, con cái là người Philippines, từ năm 2000 đến năm 2009.

VOICE đăng ký thành một tổ chức chính thức, được cấp quy chế pháp lý 501(c)(3) từ chính quyền bang California, Hoa Kỳ vào năm 2007.

Tóm lược về công tác tị nạn của chúng tôi:

    • 2000 – 2002: Chúng tôi vận động để chương trình Nhân đạo Đặc biệt của Úc cho phép 230 người tị nạn đoàn tụ với người thân tại Australia;
    • 2004 – 2007: Dự án Tái định cư Mỹ Việt tại Philippines (VRPP) giúp cho 1.573 cá nhân ở Philippines sang Hoa Kỳ định cư;
    • 2005 – 2007: 49 trường hợp (hay 188 cá nhân) người tị nạn Việt Nam tại Philippines được Cấp giấy phép cư trú với Thân nhân tại Na Uy;
    • 2005 – 2009: Chính sách của Canada về người Việt Nam tị nạn tại Philippines cho phép khoảng 200 cá nhân gồm cả vợ chồng, con cái người Philippines đi định cư tại Canada với sự hỗ trợ của các nhóm cộng đồng.
    • 2007 đến nay: Tiếp tục vận động cho các trường hợp còn lại tại Philippines, Thái Lan và Campuchia.
    • 2007 đến nay: Bắt đầu thực hiện chương trình đào tạo cho các nhà hoạt động xã hội trẻ tại Việt Nam.
    • 2013 đến nay: chúng tôi vận động được chính phủ Canada chính thức chấp thuận cho người Việt tị nạn được nhập cư diện nhân đạo với hai điều kiện. Thứ nhất là phải tìm được người bảo trợ lo cho họ trong năm đầu tiên để không trở thành gánh nặng cho xã hội Canada. Thứ hai là VOICE phải trang trải mọi chi phí xuất nhập cảnh, vé máy bay…

Cuối năm 2013, chúng tôi gây quỹ quyên góp được tổng cộng gần 500.000 USD để góp sức giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão lịch sử Haiyan ở Philippines và xây dựng lại 2 trường học tại 2 thành phố Ormoc và Coron.

Bắt đầu từ ngày 12/1/2014, VOICE cử một số đại diện tham gia vào phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam bao gồm đại diện các tổ chức phi chính phủ như VOICE, Mạng lưới Bloggers Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, International Service for Human Rights, Freedom House, Human Rights Watch, Amnesty International và tổ chức CIVICUS. Chiến dịch vận động này nhân kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review) của Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2014.

Vào ngày 22/6/2014, Luật gia Trịnh Hữu Long, thành viên của VOICE, thành viên của phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam, đại diện cho 10 tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam, đã đọc bản tuyên bố trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nêu rõ tình trạng trả đũa các nhà hoạt động đi vận động UPR 2014, việc bắt bớ và giam cầm các nhà hoạt động nhân quyền cũng như sự vi phạm pháp luật quốc gia và quốc tế của chính phủ Việt Nam.

Ngày 27/3/2015, VOICE là đồng tổ chức Hội thảo Xã hội Dân sự Việt – Philippines về tranh chấp Biển Đông quy tụ sự tham gia của VOICE, các thành viên trong tổ chức Họp mặt Dân chủ của người Việt, Viện nghiên cứu các vấn đề Hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines, cùng các tổ chức xã hội dân sự Philippines. Ban tổ chức hội thảo nhắm tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông vượt ra ngoài các giới hạn của chính phủ.

Trong tháng 4 và 5 năm 2016, VOICE phối hợp với nhà thờ giáo xứ Đông Yên trao tặng 35 tấn gạo cho những gia đình ngư dân bị thiệt hại tại Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Trinh thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vì thảm họa môi trường biển miền Trung do một nhà máy của hãng Formosa gây ra.

Ngày 22/6/2016, VOICE cùng với vợ của Luật sư Nguyễn Văn Đài tham gia cuộc điều trần trước Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Canada, về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và về trường hợp Luật Sư Nguyễn Văn Ðài bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vào ngày 16/12/2015.

Ngày 27/10/2016, VOICE tổ chức Ðêm gây quỹ “Thương Về Miền Trung II”, quyên góp được khoảng 80.000 USD để gửi về ủng hộ trong nước sau trận mưa lũ lịch sử ở miền Trung tháng 10/2016. Chúng tôi cũng đã thực hiện được dự án xây nhà phao chống lũ từ số tiền trên và đã làm được 9 nhà ở tỉnh Quảng Bình, 8 nhà ở Hà Tĩnh và 6 nhà ở Thừa Thiên Huế.

Ngày 12/7/2017, nhân dịp trước buổi Đối thoại Nhân quyền lần thứ 14 giữa Australia và Việt Nam, nhận được lời mời từ Bộ ngoại giao Úc, VOICE tổ chức chuyến vận động cho nhân quyền Việt nam, cùng với bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha cùng các tổ chức xã hội dân sự khác.

Ngày 2 tháng 9 năm 2017, “Hội Thảo Nhân Quyền Tây Tạng và Việt Nam” tổ chức tại chùa Điều Ngự, Westminster, với sự góp mặt của các đại diện VOICE cùng các thành viên của Chính phủ lưu vong Tây Tạng và nhiều khách mời khác.

Vào lúc 5h chiều giờ Geneva, tức 10 giờ đêm giờ Việt Nam, ngày 19/9/2017, nhà hoạt động Đinh Thảo, Điều phối viên chương trình của VOICE ở Châu Âu, đã thay mặt phái đoàn vận động nhân quyền của Việt Nam phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Bài phát biểu kết thúc chiến dịch vận động quốc tế UPR năm 2017 của VOICE. Trong khuôn khổ chuyến đi vận động, phái đoàn đã có các cuộc gặp với các cơ quan hữu trách ở các nước Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Bỉ, Cộng hòa Séc, để đưa ra các đề xuất giúp chính quyền Việt Nam cải thiện các vấn đề nhân quyền.

Ngày 27 tháng 6 năm 2018, VOICE cho ra mắt chính thức bộ Phim tài liệu ‘Mẹ Vắng Nhà’ (When Mother’s Away) tại Câu lạc bộ báo chí FCCT tại Bangkok, Thái Lan. Bộ phim đã có 50 suất chiếu, ở 14 nước (Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Đài Loan, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Bỉ, Đức, Na Uy, Đan Mạch, Séc), và được dịch ra 5 phụ đề ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc phồn thể, tiếng Hàn Quốc, và tiếng Séc). ‘Mẹ Vắng Nhà’ là bộ phim tài liệu đầu tiên do tổ chức VOICE sản xuất cùng với Clay Phạm, một đạo diễn tại Việt Nam. Bộ phim nói về cuộc sống của gia đình của nữ tù nhân lương tâm – blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sau khi chị phải thụ án tù 10 năm với tội danh theo điều 88 khoản 1 – tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Các nhân vật chính trong phim bao gồm bà ngoại của cô, mẹ – bà Nguyễn Thị Tuyết Lan và 2 đứa con nhỏ tên Nấm và Gấu. Bộ phim được sản xuất với mục đích đưa câu chuyện của Mẹ Nấm để đại điện và vận động cho tự do của tất cả Tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Đây cũng là cuốn phim đầu tiên nói về một tù nhân lương tâm tại Việt Nam.