Đạo luật Magnitsky toàn cầu của Hoa Kỳ
Kế toán người Nga Sergei Magnitsky bị tra tấn, không được chăm sóc y tế và được phát hiện đã chết trong phòng giam của ông tại Moskva năm 2009. Giới chức Nga đã đưa ông vào tầm ngắm vì vai trò của ông trong việc vạch trần một phi vụ gian lận thuế cực lớn có liên quan đến các quan chức cấp cao.
Năm 2012, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật mang tên ông nhằm trừng phạt một danh sách các quan chức Nga bị cho là đã gây ra các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bằng cách đóng băng mọi tài sản mà họ đang nắm giữ tại Mỹ và cấm họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Luật Magnitsky ban đầu chỉ tập trung vào trừng phạt Nga, Quốc hội Hoa Kỳ đã đi một bước quan trọng trong trách nhiệm toàn cầu khi ban hành Luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky (Đạo luật Magnitsky Toàn cầu), cho phép nhánh hành pháp cấm thị thực và trừng phạt bất cứ cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nhân quyền và tham nhũng trên thế giới. Đạo luật đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cả hai đảng. Thượng nghị sĩ Ben Cardin, đảng viên Dân chủ ở bang Maryland, đã trình một phiên bản của dự luật, và năm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cùng năm thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã ký với tư cách là đồng bảo trợ. Tổng thống Barack Obama đã ký vào đạo luật ngày 23 tháng 12 năm 2016.
Đạo luật Magnitsky Toàn cầu có thể làm gì?
Luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky cho phép tổng thống ngăn chặn hoặc thu hồi visa của một số “đối tượng nước ngoài” (cả cá nhân và tổ chức) hoặc đóng băng tài sản đối với họ. Đối tượng có thể bị trừng phạt (a) nếu họ chịu trách nhiệm hoặc chỉ đạo cho một ai đó ra tay và chịu trách nhiệm về “hành động giết người, tra tấn hoặc các vi phạm rõ ràng khác về các Quyền con người được quốc tế công nhận” hoặc (b) nếu họ là quan chức chính phủ hoặc cộng sự cao cấp của các quan chức chính phủ dính líu đến “hành vi tham nhũng nghiêm trọng.”
Tại sao Luật Magnitsky Toàn cầu là một công cụ hữu ích?
Đạo luật này thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền ở tất cả các cấp chính quyền bằng cách cho phép nhánh hành pháp Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt lên bất cứ cá nhân nào liên quan đến vi phạm nhân quyền, từ các quan chức cấp cao cho đến các cán bộ cấp thấp và thậm chí là cả các cộng sự ngoài chính phủ. Những biện pháp trừng phạt có thể đóng băng tài sản tại các ngân hàng Mỹ và cấm visa đến Hoa Kỳ.
Luật Global Magnitsky Toàn cầu có chức năng như một rào cản, buộc các quan chức nước ngoài ở mọi cấp, những người có thể sử dụng bạo lực bất hợp pháp hoặc tham nhũng, thấy được các hậu quả từ chính quyền Mỹ. Đạo luật này cũng khích lệ các chính phủ nước ngoài cải thiện các cơ chế giải trình của chính họ. Bằng cách hợp tác với Hoa Kỳ trong các cuộc điều tra Magnitsky toàn cầu, các nhà lãnh đạo nước ngoài có thể chứng tỏ tại chính quốc gia của mình rằng họ sẽ không dung dưỡng cho những kẻ xâm hại Nhân quyền.
Các biện pháp trừng phạt từ Luật Magnitsky Toàn cầu hiệu quả như thế nào?
Các biện pháp trừng phạt từ chối cho các đối tượng nhập cảnh vào Hoa Kỳ, cho phép tịch thu bất kỳ tài sản nào của họ tại Mỹ, và ngăn chặn hiệu quả việc họ tham gia vào các giao dịch lớn với các ngân hàng và các công ty. Cả công ty Mỹ và các công ty quốc tế có công ty con Mỹ đều có nguy cơ vi phạm các biện pháp của Mỹ nếu họ làm ăn với những người bị trừng phạt. Ảnh hưởng của đạo luật được minh chứng khi các quan chức Nga đã bị đạo luật này trừng phạt đã thuê một luật sư Nga, Natalia Veselnitskaya, để vận động chống lại đạo luật tại Quốc hội Hoa Kỳ và giúp thành lập một tổ chức phi lợi nhuận phản đối đạo luật này.
Quan điểm của Tổng thống Trump về Đạo luật Magnitsky Toàn cầu là gì?
Trong một bức thư gửi đến các thành viên Quốc hội vào ngày 20 tháng 4 năm 2017, Tổng thống Trump đã khẳng định “sự ủng hộ của ông đối với đạo luật quan trọng này” và “cam kết thực thi mạnh mẽ và toàn diện”. Ông Trump cũng lưu ý rằng chính quyền của ông đang tiến hành xác định những người và những đối tượng nên áp dụng đạo luật này và “đang thu thập các bằng chứng cần thiết để áp dụng nó.” Vừa mới nhận chức không lâu nhưng ông Trump đã có bảng thành tích không mấy sáng sủa về thúc đẩy nhân quyền. Tuy nhiên, áp dụng hợp lý Luật Magnitsky toàn cầu, sẽ là cơ hội cho ông thể hiện với thế giới rằng bảo vệ nhân quyền vẫn là một phần cơ bản trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Ai có thể khuyến nghị các cá nhân nên bị trừng phạt đến tổng thống?
Đạo luật này cho phép Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đệ trình những người nên bị trừng phạt lên Bộ trưởng ngoại giao, sau khi tham vấn ý kiến các thành viên Bộ Ngoại giao khác. Ủy ban về Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị và Ủy ban Quan hệ Đối ngoại tại Thượng viện và Ủy ban Dịch vụ Tài chính và Ủy ban Ngoại giao tại Hạ viện cũng có thể đệ trình lên Tổng thống. Trong quá trình thẩm định, Tổng thống cũng có thể xem lại thông tin đáng tin cậy thu được từ các quốc gia khác hoặc từ các tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi các vi phạm nhân quyền. Trên thực tế, quyết định về việc đưa ra lệnh trừng phạt có nhiều khả năng sẽ được thực hiện bởi Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính.
Đạo luật Global Magnitsky Toàn cầu đã làm được gì?
Thượng nghị sĩ Cardin, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, và Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Hội đồng Quân sự Thượng viện, vào tháng Tám đã gửi đến ông Trump danh sách 20 người mà họ tin rằng cần bị trừng phạt theo Luật Magnitsky Toàn cầu. Vào ngày 8 tháng Chín, ông Trump chính thức giao quyền cho bộ trưởng ngân khố áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, và bộ trưởng ngoại giao áp đặt lệnh cấm thị thực, mở đường thực thi các lệnh trừng phạt theo đạo luật.
Các quốc gia khác có luật định tương tự như Đạo luật Magnitsky Toàn cầu không?
Một số quốc gia châu Âu, Canada và Nghị viện châu Âu đã thông qua các dự luật nhằm trừng phạt các quan chức Nga liên quan đến cái chết của Sergei Magnitsky. Gần đây, một số quốc gia đã mở rộng đối tượng trừng phạt của họ bao gồm những kẻ vi phạm nhân quyền ở bất kỳ quốc gia nào. Ngày 21 tháng 2, Vương quốc Anh đã thông qua phiên bản Luật Magnitsky toàn cầu của mình. Estonia đã thông qua một đạo luật tương tự vào năm 2016. Quốc hội Canada và Nghị viện châu Âu đều đang xem xét các dự luật nhắm đến những người vi phạm nhân quyền quốc tế.
Nguồn từ The US Global Magnitsky Act – Human Rights Watch.