Anna Nguyễn vì quyền sống của người dân trong nước
Từ trung tuần tháng 9, phái đoàn vận động Nhân quyền UPR 2017 đã có mặt tại thủ đô Berlin, Đức, khởi đầu chiến dịch kéo dài trong một tháng tranh đấu cho quyền làm người của người dân trong nước.
Ngày 15/09, phái đoàn đã tiếp xúc với bà Annette Knobloch, Phó Phòng Đông Nam Á/ Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức. Các thành viên phái đoàn đã cập nhật với bà Knobloch về tình hình Nhân quyền Việt Nam, trong đó có việc gia tăng bắt bớ và giam giữ các nhà tranh đấu Dân chủ.
Phái đoàn cũng đề nghị Đức và Liên hiệp châu Âu (EU) mở các chương trìnhg tài trợ cho các tổ chức Xã hội dân sự không được ghi danh ở Việt Nam, cũng như cân nhắc các tiêu chuẩn về nhân quyền trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và EU.
Dịp này, phái đoàn cũng đề cập đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức và hoan nghênh phản ứng của Đức đối với việc bảo vệ Pháp quyền và Nhân quyền trong sự việc này.
Trong gần một tháng qua, phái đoàn đã gặp gỡ các đại diện chính phủ và giới chức có thẩm quyền của các nước: Bỉ, Thụy Điển, Na Uy và Tiệp Khắc.
Thành viên phái đoàn vận động nhân quyền UPR 2017 gồm có luật sư Anna Nguyễn, Giám đốc Chương trình tổ chức VOICE, Đinh Thảo, tốt nghiệp Y khoa Hà Nội năm 2015, và bà Lê Thị Minh Hà, vợ của Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh, người bị kết an 5 năm tù chỉ vì viết blog chống lại nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
Anna Nguyễn, sinh tại Úc, tốt nghiệp University of Technology, thành phố Sydney, Úc, phân khoa luật và tài chính. Sau khi ra trường, luật sư Anna nguyễn cộng tác với một công ty luật quốc tế chuyên về di trú và tị nạn trong 3 năm.
“Anna muốn tìm hiểu thêm về vấn đề tị nạn và Nhân quyền và nhờ mẹ gợi ý, Anna đã tìm đến tổ chức VOICE”, Anna Nguyễn cho biết.
Trước khi gia nhập VOICE, với cương vị là luật sư, Anna đã giúp rất nhiều người tị nạn thiết lập hồ sơ xin nhập cư miễn phí.
“Mục tiêu của VOICE là thúc đẩy Xã hội dân sự ở Việt Nam và tranh đấu cho người dân trong nước có được quyền làm người nên Anna tham gia cuộc vận động này”.
Đối với Anna Nguyễn, phần trình bày của đại diện tổ chức VOICE, cô Đinh Thảo, trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc là sự kiện đáng ghi nhớ nhất trong chuyến đi này. Trước đó ba đại diện VOICE có nói chuyện với phái đoàn Cộng sản Việt Nam. Họ đồng ý việc VOICE nói sự thật nhưng đề nghị không đưa ra các trường hợp cá nhân. Tuy nhiên đại diện VOICE không chấp nhận yêu cầu này, đã nêu ra sự việc bà Nguyễn Ngọc như Quỳnh bị tuyên án 10 năm tù, Trần Thị Nga 9 năm tù và Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh 5 năm tù.
Anna Nguyễn cho biết cảm tưởng cá nhân cô khi đối thoại trực tiếp với đại diện nhà cầm quyền Hà Nội tại phiên họp thứ 36 của Hội đồng Nhân Quyền Liên hiệp quốc: “Thứ nhất, việc đưa ra một tuyên bố trước Hội đồng Nhân quyền nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các thành viên hội đồng về những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Sự kiện này buộc Chính phủ Việt Nam phải trả lời rõ ràng các câu hỏi tại sao họ vi phạm Nhân quyền, tại sao những người này phải bị ở tù, tại sao các nhà tranh đấu Nhân quyền lại đang trong tình trạng không an toàn. Thứ hai, phiên họp này là cơ hội cho chúng tôi có một cuộc đối thoại mở với Chính phủ Việt Nam. Các tổ chức Xã hội dân sự và các Nhà hoạt động độc lập không có nhiều cơ hội có thể nói chuyện với phái đoàn Cộng sản Việt Nam. May mắn là trong kỳ kiểm điểm này chúng tôi có dịp để đối thoại với họ. Cơ hội để nói chuyện với họ là rất hiếm. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ việc nói về những gì đang diễn ra ở Việt Nam với Hội đồng Nhân quyền thực sự rất quan trọng”.
Đây là lần thứ hai, VOICE trực diện với phái đoàn Cộng sản Việt Nam.
THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Ngày 24/9, Anna Nguyễn và phái đoàn đã gặp gỡ với bà Lisbeth Hellvin Stagren, Vụ phó Vụ Châu Á – Thái Bình Dương kiêm Trưởng phòng Đông Nam Á – Thái Bình Dương cùng các viên chức Bộ Ngoại giao Thụy Điển tại thủ đô Stockholm.
Ngày 07/10, Anna Nguyễn cùng hai người bạn đồng hành đã tiếp xúc với đại diện Bộ Ngoại giao Na Uy tại thủ đô Oslo. Cùng với VOICE Na Uy, phái đoàn đã hội kiến với Phó Giám đốc phụ trách khu vực Đông Á và Châu Đại Dương, ông Gry Rabe Henriksen, và hai Cố vấn cao cấp về Đông Á và Châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Na Uy, bà Anna Lilleoren, và bà Anniken Enerson.
Phái đoàn đã thảo luận về cuộc đối thoại Nhân quyền song phương Việt Nam – Na Uy, các vụ bắt bớ gần đây, và các khuyến nghị UPR mà Na Uy đã đưa cho chính phủ Cộng sản Việt Nam (trong đó có vấn đề luật báo chí và hoạt động Nhân quyền).
Các đại diện VOICE cũng đã trao đổi về phương cách Na Uy có thể tài trợ cho các tổ chức Xã hội dân sự ở Việt Nam, cũng như thúc đẩy các vấn đề Nhân quyền trong khuôn khổ Thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và EU. Kết thúc buổi họp, Bộ Ngoại giao Na Uy cảm ơn phái đoàn đã cập nhật tình hình và đưa ra các khuyến nghị nêu trên.
Trước đây, vào tháng 7 vừa qua, Anna Nguyễn đã đồng hành với bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha trong cuộc Đối thoại Nhân quyền Úc-Việt Nam lần thứ 14. Đinh Nguyên Kha hiện đang thụ án tù 6 năm chỉ vì phân phát những tờ rơi chỉ trích Chính phủ Cộng sản Việt Nam.
Anna Nguyễn, hiện đang là đại diện VOICE tại Thái Lan, và trong thời gian qua, cô đã giúp thiết lập hồ sơ cho nhiều người Việt tị nạn Cộng sản lưu lạc tại Thái Lan trong gần 3 thập niên được định cư tại Canada.
“Sau khi tiếp xúc và trình bày với giới chức thuộc Bộ Ngoại giao các nước đã đi qua, Anna nhận thấy nhiều quốc gia Âu châu quan tâm về việc Hà Nội không tôn trọng Quyền con người. Qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, Âu châu có thể áp lực Nhà nước Cộng sản Việt Nam phải tuân theo các điều khoản quốc tế quy định về Nhân quyền”, Anna nhận định về kết quả đạt được trong chuyến đi châu Âu này.
“Anna hy vọng rằng tất cả những giới chức hữu trách phái đoàn đã gặp gỡ sẽ đưa ra khuyến nghị thúc đẩy sự phát triển Xã hội dân sự ở Việt Nam và áp lực nhà cầm quyền trong nước ngưng các hành vi đàn áp Nhân quyền”.
VPY, Theo Thoibao.com, số phát hành 2473, ngày 12/10/2017
(*) UPR (Universal Periodic Review): Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát dưới sự bảo trợ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tất cả 192 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc, được tổ chức mỗi 4 năm một lần để rà soát tình hình Nhân quyền của mỗi quốc gia.