Anna Nguyễn: Nếu khôn ngoan hơn, ta sẽ cố gắng thay vì buông xuôi.

             

Dưới đây là những chia sẻ của cô Anna Nguyễn, Giám đốc Chương trình của VOICE, nhân chuyến đi vận động nhân quyền của phái đoàn Việt Nam tại châu Âu.

“Rõ ràng là lịch sử đã cho thấy, khôn ngoan thì phải biết hy vọng hơn là sợ, biết cố gắng tốt hơn là buông xuôi. Một điều mà chúng ta công nhận không cần bàn cãi: kẻ thoái thác “không làm được đâu” sẽ không bao giờ gặt hái được kết quả.” – Eleanor Roosevelt

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày công bố Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR), tôi suy ngẫm về một tuần vừa qua của mình ở Brussels. Tôi đã học hỏi được rất nhiều sau một tuần căng thẳng với các cuộc họp liên tiếp với các thành viên của Nghị viện và Ủy ban Châu Âu, bàn về tầm quan trọng của các nhượng bộ nhân quyền mà Chính quyền Việt Nam cần phải thực hiện trước khi phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và đòn bẩy EVFTA có thể sử dụng để yêu cầu cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Anna_Nguyen-giam-doc-chuong-trinhg-VOICE-nhan-chuyen-van-dong-nhan-quyen-tai-chau-au

EVFTA là một thỏa thuận thương mại giữa EU và Việt Nam, với hy vọng rằng một khi được ký kết, EU sẽ tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam. “EVFTA là bước quan trọng để tiến tới một thỏa thuận thương mại quy mô hơn giữa EU và Đông Nam Á, điều EU đã hướng đến trong gần 10 năm qua. Việt Nam, một nền kinh tế cạnh tranh và tăng trưởng nhanh với thương mại song phương cùng EU đã tăng gấp năm lần trong mười năm qua, cũng rất quan tâm đến hiệp định này khi nó có tiềm năng tăng GDP của Việt Nam thêm 15%”, theo Ủy ban châu Âu.(*)

Dù UDHR đã ký kết được 70 năm, nhưng nhân quyền vẫn thụt lùi và sự hiện diện của chúng ta ở đây vẫn để vận động cho những cải thiện quyền con người cơ bản. Tuy nhiên, qua từng cuộc họp trong tuần rồi, tôi được nhắc rằng chúng ta là một con cá nhỏ bé nhường nào trong đại dương của ngoại giao, thỏa thuận thương mại và các hiệp định. Chúng ta có thể nói hàng giờ về sự xấu đi của nhân quyền ở Việt Nam và số lượng đáng kinh ngạc những người bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù vì thực hiện các quyền dân sự và chính trị một cách ôn hòa. (165 người dựa theo nguồn từ https://vietnamprisoners.info/). Chúng ta có thể tiếp tục nói về việc chính quyền Việt Nam cần EVFTA đến mức nào, không chỉ là để tăng GDP, mà còn để cân bằng lợi ích với Trung Quốc và Phương Tây. Chúng ta có thể tiếp tục áp lực để EU dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy việc trả tự do cho các tù nhân chính trị và sửa đổi các điều luật liên quan đến vi phạm các quyền như tự do ngôn luận, và rằng nếu EU muốn được coi trọng, ít nhất họ cần phải bảo đảm những yêu cầu này trước khi một hiệp định được ký kết.

Liệu tiếng nói của chúng ta có thực sự tạo ra thay đổi. Đôi khi, tôi tự hỏi liệu những cuộc họp này có thực sự ảnh hưởng đến bất cứ cuộc đàm phán ngoại giao nào hay không. Những tiếng nói của các thành phần xã hội dân sự liệu có tác động thực sự đến một quốc gia trong 5, 10 hay 100 năm tới, và những đóng góp của chúng ta liệu có thể đảm bảo các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền được tự do và an toàn mà hoạt động trong một đất nước đàn áp như Việt Nam. Sau cùng, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, tiếng nói của tôi quá nhỏ bé trong đấu trường khổng lồ của ngoại giao và thỏa thuận này, sự khác biệt mà tôi thực sự có thể tạo ra là bao nhiêu?!

Nhưng như bà Roosevelt đã nói: “kẻ thoái thác “không làm được đâu” sẽ không bao giờ gặt hái được kết quả”. Điều quan trọng là biết hy vọng, tranh đấu, ngay cả lúc đối diện với tuyệt vọng và xuống tinh thần. Một điều chắc chắn là, nếu khôn ngoan hơn, ta sẽ cố gắng thay vì buông xuôi.

(*) http://www.europarl.europa.eu/legislative-train/theme-a-balanced-and-progressive-trade-policy-to-harness-globalisation/file-eu-vietnam-fta

Bài chia sẻ của cô Anna trên đây được dịch từ bài viết gốc bằng tiếng Anh của cô dưới đây.

https://www.facebook.com/ana.nguyen/posts/10157185635121111