New York Times: Nhờ mạng xã hội, các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam ngày càng quả cảm bất chấp các cuộc đàn áp
Hà Nội, Việt Nam – Một blogger và nhà hoạt động môi trường nổi tiếng ở Việt Nam đã bị kết án 10 năm tù giam vì tội xâm phạm an ninh quốc gia, bao gồm việc tuyên truyền chống nhà nước trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn gọi là Mẹ Nấm, đã bị biệt giam kể từ khi chị bị bắt vào tháng 10 năm ngoái, và phiên tòa xét xử chị bị kiểm soát chặt chẽ.
Song chỉ một giờ sau khi phán quyết được đưa ra vào thứ 5 vừa qua, một luật sư của Mẹ Nấm đã tóm tắt các lập luận của ông và đăng tải lời tuyên bố cuối cùng của Mẹ Nấm tại phiên tòa trên trang Facebook cá nhân với 61.000 người theo dõi.
Theo lời kể của luật sư, Mẹ Nấm đã nói “tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn”. Lời tuyên bố này sau đó đã được người dùng Facebook chia sẻ hàng ngàn lượt.
Ở chế độ độc tài của Việt Nam, Internet trên thực tế đã trở thành một diễn đàn cho những tiếng nói bất đồng trong nước ngày một tăng lên. Cụ thể, kết nối Facebook đã giúp mọi người huy động việc phản đối các chính sách của chính phủ, nó cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình chống lại cách nhà nước xử lý vụ thảm họa môi trường hồi năm ngoái. Giờ đây, chính phủ đang siết chặt internet, bắt giữ và đe dọa các blogger, và gây sức ép buộc Facebook và YouTube phải kiểm duyệt những nội dung được đăng tải trên các trang này.
“Facebook đang được sử dụng như là một công cụ tổ chức, một diễn đàn cho phép người dùng tự đăng tải, một công cụ theo dõi cho người dân khi họ bị giam giữ hay khi họ được thả ra”, Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế cho biết.
Theo ông, Facebook đang được sử dụng “để kết nối những cộng đồng mà vốn dĩ sẽ không thể kết nối nếu không có Facebook.”
Anh Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động dân chủ cho biết, ngày càng xuất hiện nhiều nhà bất đồng chính kiến trên các phương tiện truyền thông xã hội và điều này khiến anh cảm thấy mạnh dạn hơn.
Anh kể, lần đầu tiên bị an ninh thẩm vấn vào năm 2011, anh cảm thấy hoàn toàn cô độc. Cha mẹ và bạn bè anh đã không chấp nhận những bài viết về chính trị của anh, và anh chỉ quen biết vài người để có thể nhờ cậy giúp đỡ.
Anh Nguyễn Anh Tuấn vẫn phải chịu sự sách nhiễu của an ninh, và hộ chiếu của anh đã bị tịch thu. Nhưng mới gần đây, khi bị gọi đi thẩm vấn, anh đã đăng ảnh tờ giấy triệu tập lên Facebook, cùng với một lá thư châm biếm đòi phải được thanh toán cho thời gian anh bỏ ra để đi thẩm vấn.
Lá thư của anh lan truyền khắp nơi và nhiều người khác đã làm theo, họ đăng thư mời của cảnh sát lên Facebook và yêu cầu bồi thường. Anh nói, “về chuyện hoạt động, tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa”.
Người sử dụng Facebook ở Việt Nam – với con số hiện nay lên tới 45 triệu tài khoản, chiếm gần một nửa dân số quốc gia – đã dùng Facebook để tổ chức các cuộc thăm nom tù nhân, tổ chức những buổi cầu nguyện cho người bị giam giữ bên ngoài đồn cảnh sát, và kêu gọi giúp đỡ các tù nhân chính trị. Các nhà bất đồng chính kiến cũng đang dần chuyển các blog chính trị và cá nhân – vốn dễ dàng bị chính quyền ngăn chặn – lên trên Facebook, bởi Facebook được sử dụng rộng rãi nên việc ngăn chặn nó là điều bất khả thi.
Anh Tuấn đang hỗ trợ điều hành một quỹ giúp đỡ các gia đình của tù nhân lương tâm, bao gồm mẹ của chị Quỳnh và hai con nhỏ. Anh nói rằng phần lớn các khoản hỗ trợ hiện tại đến từ những người trong nước, họ gửi tiền từ tài khoản ngân hàng cá nhân và nhà nước có thể theo dõi. Theo anh, trong quá khứ, các cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã trợ giúp hầu hết những người chống đối và là nguồn hỗ trợ tài chính chính yếu.
Nói về các nhà tài trợ trong nước, anh Tuấn cho biết “họ biết rất rõ rằng họ có thể bị chính phủ kiểm tra, nhưng họ vẫn dám làm điều đó”.
Chính quyền không hề làm ngơ những chuyện này, họ vẫn đang khẳng định quyền lực của nó theo những cách thức khác. Chị Quỳnh là một trong số hơn 100 blogger và nhà hoạt động Việt Nam bị giam giữ, theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế. Phạm Minh Hoàng, một blogger nổi tiếng khác, mới tuần trước đã bị tước quốc tịch và bị trục xuất sang Pháp, nơi ông mang quốc tịch thứ hai.
Chính quyền Việt Nam từng ra chiến lược cắt giảm quyền truy cập vào Facebook khi các cuộc biểu tình sắp xảy ra, và đầu năm nay họ đã yêu cầu cả Facebook và YouTube phải loại bỏ các tài khoản giả mạo và các nội dung “độc hại” khác, như tài liệu chống chính phủ. Họ đã xác định được tới 8.000 video trên YouTube liệt vào dạng này, theo báo Tuổi Trẻ. Chính quyền cũng cảnh báo các công ty Việt Nam rằng họ không được đặt quảng cáo trên các video mang nội dung bị cấm.
Facebook cho biết chính sách của họ là tôn trọng luật pháp địa phương, mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy Facebook Việt Nam đã xóa đi nội dung nào từ trước tới nay.
Nguyễn Quang A, một nhà khoa học về hưu và cựu đảng viên Đảng Cộng sản, hiện đang là một nhà bất đồng chính kiến, cho biết ông cảm thấy tình hình nhân quyền vẫn tệ như trước nay.
Tuần trước, ngay trước một cuộc phỏng vấn, ông đã bị cảnh sát bắt ngay gần nhà ông và lái xe đưa đi trong suốt 5 tiếng rưỡi tới bờ biển rồi quay trở lại. Ông nói ông đã bị cản trở theo kiểu tương tự tới 11 lần trong một năm rưỡi vừa qua.
Ông cho rằng chính phủ đang chịu áp lực ngày càng tăng từ những người dân đang thất vọng bởi việc xử lý các vấn đề môi trường và đất đai gần đây. Khi xảy ra vụ xả thải hóa chất ở công ty thép Formosa làm chết hàng tấn cá hồi năm ngoái, sự phẫn nộ đã được đưa lên mạng, nơi người ta tổ chức các cuộc biểu tình, nhanh chóng lan truyền những bức ảnh về thảm hoạ, và từ cái hashtag #Ichoosefish (tôi chọn cá) biến thành một cuộc biểu tình.
“Tôi đoán rằng họ quá sợ hãi,” ông Quang A nói. “Họ xét thấy tình hình quá nguy hiểm đối với họ, và họ coi các nhà hoạt động vì hòa bình là những kẻ thù cực kỳ nguy hiểm.”
Trong một báo cáo công bố vào tháng trước, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế đã trình bày chi tiết về “xu hướng đáng lo ngại” về việc các blogger và các nhà hoạt động bị đánh đập trên đường phố bởi những kẻ côn đồ. Tổ chức này liệt kê được 36 cuộc tấn công như vậy kể từ tháng 1 năm 2015 cho tới tháng 4 năm nay, song cảnh sát chỉ vào cuộc điều tra một vụ duy nhất trong số đó.
Báo cáo này một phần dựa trên những hình ảnh và video về thương tích của các nhà hoạt động, thường được quay vội trên điện thoại và nhanh chóng được chia sẻ trực tuyến.
Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Leiden ở Hà Lan, cho biết bất chấp những cuộc đàn áp gần đây, thì những chuyển dịch mà Internet mang lại trong một thời gian ngắn đã là điều “đáng kinh ngạc và đầy hy vọng.”
“Điều đáng chú ý là, ở một quốc gia từng là một trong những nơi có tỷ lệ sử dụng điện thoại thấp nhất trên thế giới hồi 15 năm tới 20 năm trước, nay đã nhanh chóng biến thành thời đại tin tức 24 giờ, và mọi người có thể liên tục tiếp cận những lời chỉ trích chính trị và xã hội”, ông nói.
Phạm Anh Cường, một kỹ sư điện, từng là một người không lên tiếng về các vấn đề chính trị, mãi cho tới hai năm trước, khi một nhà hoạt động xã hội mà anh theo dõi trực tuyến là anh Nguyễn Chí Tuyến bị một nhóm 5 người đánh đập tàn nhẫn. Anh Cường đã chứng kiến những bức ảnh chụp khuôn mặt đẫm máu của anh Tuyến, và anh bị xúc động trước sự tàn bạo của vụ tấn công.
Giờ đây, anh tự coi mình là “người nêu lên tiếng nói của bản thân”, chứ không hoàn toàn là một nhà bất đồng chính kiến. Mục tiêu của anh là chia sẻ thông tin với gia đình và bạn bè, thay vì phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông chính thống, mà gần như tất cả đều là của nhà nước.
“Lần đầu tiên tôi viết trên Facebook, thậm chí chẳng có ai nhấn ‘thích’ nó – người ta sợ cả việc nhấn nút like”, anh nói. “Bây giờ mọi người bắt đầu thích và họ cũng bắt đầu chia sẻ.”
Ở bên ngoài, anh coi anh Tuyến và những người bạn bất đồng chính kiến khác là bạn bè, và họ cùng chơi trong một đội bóng đá tên là No-U FC. (Chữ U trong “No-U” là về một đường lưỡi bò đánh dấu các yêu sách lãnh thổ trơ tráo của Trung Quốc trên biển Đông, một vấn đề từng gây khích động nhiều nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam từ cách đây vài năm). Một trang Facebook đã được lập ra để theo dõi chi tiết những thành công và thất bại của đội No-U, cũng như tin tức về những va chạm thường xảy ra giữa thành viên của đội với lực lượng an ninh.
Trong một quán cà phê ở Hà Nội tuần trước, hai người bạn cùng trò chuyện, hút hết điếu thuốc này tới điếu khác, và lướt Facebook. Họ đọc thấy một tin bài trên báo nhà nước, bài báo này chỉ trích Mẹ Nấm vì chị đã nhận giải thưởng bằng tiền mặt từ một tổ chức nhân quyền ở Stockholm. Anh Tuyến đã ngay lập tức tag một nhà ngoại giao Thụy Điển để báo tin cho cô về vấn đề này và yêu cầu đưa ra bình luận.
Hai người bắt đầu lướt tin xuống dưới.
“Đây là tin từ một trong những người bạn của tôi, một bác sĩ ở Sài Gòn, vừa mới nghe tin Mẹ Nấm đang mắc nợ”, anh Tuyến nói.
“Vị bác sĩ ở Sài Gòn lên tiếng rằng chúng tôi nên góp tiền giúp gia đình cô ấy”, anh nói.
Anh gõ gõ giây lát rồi nhìn lên.
“Tôi chỉ bình luận, ‘tôi sẽ ủng hộ’”.
—
Bản dịch tiếng Việt tại Hate Change
Dịch từ bài báo của tác giả Julia Wallace đăng trên tờ New York Times, ngày 02 tháng 07 năm 2017