Đưa tin liên quan Formosa xả thải, Blogger Việt Nam nhận án 7 năm tù giam
Nguyễn Văn Hóa tại phiên tòa ở tỉnh Hà Tĩnh vào thứ Hai, 27/11/2017. Anh bị kết tội Tuyên truyền chống phá nhà nước vì đã đăng tải video và bài viết về những cuộc biểu tình liên quan đến thảm họa môi trường. (Ảnh Công Tường, Thông tấn xã Việt Nam)
Vụ xả thải hóa chất đã tàn phá bờ biền miền Trung Việt Nam năm ngoái vừa tạo thêm một hậu quả mới vào thứ Hai. Một blogger 22 tuổi bị kết án 7 năm tù vì đăng tải các tin tức về thảm họa này.
Theo các cơ quan báo chí Việt Nam, sau một phiên tòa ngắn và xử kín tại tỉnh Hà Tĩnh, blogger Nguyễn Văn Hóa bị kết tội Tuyên truyền chống phá nhà nước vì đã sản xuất các video và viết bài về những cuộc biểu tình phản đối vụ xả thải độc.
Việc xả thải xảy ra khi một nhà máy thép của Đài Loan đổ chất Cyanide cùng nhiều loại hóa chất khác qua đường ống xả thải, giết chết các sinh vật biển và gây bệnh đến người dân dọc 193 km bờ biển. Đó là một trong những thảm họa môi trường lớn nhất tại Việt Nam.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch, đã chỉ trích bản án: “Việc kết án Nguyễn Văn Hóa cho thấy ham muốn hoang tưởng của chính quyền kinh khủng đến mức nào chỉ để nhằm duy trì sự kiểm soát chính trị vượt trên cả những quan niệm về công lý và nhân quyền”.
Ông nói thêm: “Làm sao có thể giải thích cho việc những Giám đốc điều hành của một Tập đoàn quốc tế đã đầu độc biển, phá hủy nền kinh tế biển của bốn tỉnh, lại có thể tự do tiếp tục kinh doanh trong khi một nhà báo trẻ đầy lý tưởng lại bị tống vào tù vì đã vạch trần những việc phạm pháp của họ?”.
Trong tháng Sáu, một phiên tòa khác xử blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ( bút danh Mẹ Nấm) 10 năm tù giam cũng vì những bài viết về thảm họa cá chết.
Ban đầu, Chính quyền đã cung cấp rất ít thông tin liên quan đến vụ xả thải, từ chối cung cấp tên của các loại chất độc, kể cả tên những nạn nhân bị nhiễm độc và những người bác sĩ đã điều trị cho họ.
Công ty cổ phần thép Formosa Hà Tĩnh, một công ty con của Tập đoàn Formosa, cuối cùng đã nhận trách nhiệm về việc xả thải. Họ bị yêu cầu bồi thường 500 triệu USD vì đã gây ra thảm họa và công ty đã chính thức xin lỗi.
Các nhà phê bình cáo buộc chính quyền đã cố gắng bảo vệ cho công ty này, khi họ cho biết đã nhận một thỏa thuận đặc biệt từ các quan chức khi mua những bất động sản ven biển cho nhà máy.
Vụ xả độc đã tước đi nguồn sống của ngư dân và khơi màu những cuộc biểu tình dài khắp khu vực biển miền trung, những nơi mà thường không bị kiểm soát chặt bởi Công an Việt Nam.
Hóa bị bắt vào tháng Tư, anh là một trong số ngày càng nhiều những nhà hoạt động ở Việt Nam sử dụng facebook và những nền tảng trực tuyến khác để đăng video, hình ảnh và những bình luận trái với quan điểm chính thức từ chính quyền.
Tác giả Richchard C.Paddock, The New York Times