Toàn cảnh Chiến dịch Vận động Nhân quyền của VOICE tại UPR năm 2017
Tiếp nối chiến dịch vận động quốc tế UPR (Universal Periodic Review: Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát) năm 2014, một phái đoàn vận động nhân quyền Việt Nam đã có mặt tại châu Âu để cập nhật cho các cơ quan Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác về những điểm tiến bộ cũng như vi phạm của chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền kể từ lần kiểm điểm gần nhất năm 2014.
Ngày sinh nhật của tù nhân lương tâm, blogger Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh, thứ Sáu 15 tháng 9 cũng sẽ là ngày khởi động của Chiến dịch Vận động Nhân quyền UPR giữa kỳ, còn gọi là Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát năm 2017 và kéo dài đến ngày 10 tháng 10 năm 2017. Chiến dịch này cũng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong nước cũng như quốc tế về tình hình Nhân quyền và Tù nhân lương tâm Việt Nam.
Đại diện phái đoàn vận động nhân quyền Việt Nam UPR giữa kỳ lần này gồm có bà Lê Thị Minh Hà, vợ của ông Nguyễn Hữu Vinh và hai đại diện của VOICE là cô Anna Nguyễn, Giám đốc chương trình của VOICE và cô Đinh Thảo, Điều phối viên chương trình của VOICE ở châu Âu. Chuyến đi vận động diễn ra ở Đức, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Nauy, Bỉ và Cộng hoà Séc.
Tin tức về chiến dịch từ phái đoàn vận động nhân quyền Việt Nam được cập nhật thường xuyên tại trang Vietnam UPR
- Đài Á Châu Tự Do – RFA đã có cuộc phỏng vấn “Thông điệp của Chiến dịch vận động nhân quyền UPR 2017” với đại diện của VOICE, cô Đinh Thảo, người có mặt trong phát đoàn vận động nhân quyền Việt Nam tham dự UPR và sẽ trình bày trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thuỵ Sĩ ngày 19 tháng chín.
- Bản tin từ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ – VOA
– NGÀY 15 THÁNG 9
GẶP BỘ NGOẠI GIAO ĐỨC, CHIẾN DỊCH VẬN ĐỘNG NHÂN QUYỀN UPR 2017 CHÍNH THỨC BẮT ĐẦU
Phái đoàn vận động nhân quyền UPR 2017 của chúng ta đã có mặt tại Berlin, Đức để bắt đầu chiến dịch kéo dài gần một tháng của mình.
Phái đoán đã có cuộc làm việc vào chiều ngày 15.9 với bà Annette Knobloch, Phó Phòng Đông Nam Á/Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức.
Các nhà vận động Việt Nam đã cập nhật bà Knobloch về tình hình nhân quyền Việt Nam, trong đó có việc gia tăng bắt bớ và giam giữ các nhà hoạt động nhân quyền.
Phái đoàn cũng đề nghị Đức và EU mở các chương trình tài trợ cho các tổ chức xã hội dân sự không có đăng ký ở Việt Nam, cũng như cân nhắc các chuẩn mực về nhân quyền trong đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU.
Cũng trong cuộc gặp này, các thành viên phái đoàn cũng đề cập đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức và hoan nghênh phản ứng của Đức trong việc đảm bảo pháp quyền và nhân quyền trong vụ việc này.
Bà Lê Thị Minh Hà (bên trái), vợ nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm), cùng Nhà hoạt động Đinh Thảo (bìa phải) gặp gỡ bà Annette Knobloch, Phó Phòng Đông Nam Á/Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức tại Berlin ngày 15 tháng 9.
Bà Annette Knobloch cũng ký tên vào bích chương chúc mừng sinh nhật Anh Ba Sàm, nhân dịp sinh nhật lần thứ 61 của nhà báo độc lập đang thụ án 5 năm tù này.
Sau ngày vận động đầu tiên, Phái đoàn gồm 3 người phụ nữ đã có những phát biểu:
Phát biểu của bà Lê Thị Minh Hà
Bà Lê Thị Minh Hà, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Vinh, phát biểu trong ngày đầu tiên của chiến dịch vận động nhân quyền UPR 2017, ngay sau buổi làm việc với Bộ Ngoại giao Đức tại Berlin.
“Buổi làm việc hôm nay rất có ý nghĩa vì là ngày sinh nhật lần thứ 61 của Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Đây cũng là món quà tặng Anh Ba Sàm cũng như nói về những việc Anh Ba Sàm đang làm cho bản thân anh và cho rất nhiều người về nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp”.
“Buổi hôm nay cũng là buổi đầu tiên khởi hành cho một đợt vận động từ 15/9 đến 10/10 như VOICE đã công bố. Rất cảm ơn mọi người và các thành viên trong đoàn đã tổ chức ra sự kiện này”.
Phát biểu của Đinh Thảo – Điều phối viên chương trình của VOICE ở châu Âu
Nhà hoạt động Đinh Thảo, từ Berlin, sau cuộc gặp đầu tiên với Bộ Ngoại giao Đức:
“Chúng tôi rất hy vọng sau chuyến đi này có thể thu hút thêm sự chú ý của cộng đồng quốc tế cũng như các chính phủ ở châu Âu về tình hình nhân quyền Việt Nam nói chung và tình hình của các tù nhân lương tâm ở Việt Nam nói riêng. Chúng tôi rất mong các bạn sẽ quan tâm, theo dõi và ủng hộ hành trình của chúng tôi”.
Anna Nguyễn, Giám đốc Chương trình của VOICE, nói về ngày đầu tiên của chiến dịch vận động UPR 2017
“Hôm nay chúng tôi đã gặp gỡ với bà Annette Knobloch, người phụ trách các vấn đề Đông Nam Á/Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức. Chúng tôi đã cập nhật cho bà về tình hình Việt Nam, cũng như thảo luận với bà về việc làm thế nào họ có thể giúp cải thiện được tình hình nhân quyền ở Việt Nam, và làm thế nào họ có thể hỗ trợ tốt hơn cho các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam”.
– NGÀY 18 THÁNG 9
PHÁI ĐOÀN VẬN ĐỘNG NHÂN QUYỀN UPR 2017 ĐÃ TỚI GENEVA, THUỴ SĨ
Để chuẩn bị cho hàng loạt cuộc gặp với các cơ quan Liên Hiệp Quốc, phái đoàn của chúng tôi đã tới Geneva, Thuỵ Sĩ ngày hôm nay.
Tại đây, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với tổ chức CIVICUS, một tổ chức phi chính phủ và cũng là một liên minh quốc tế nhằm củng cố xã hội dân sự trên toàn thế giới.
CIVICUS cũng là tổ chức được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tham vấn ECOSOC và có tư cách trực tiếp tham gia các chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc. Đây cũng chính là tổ chức đã trợ giúp VOICE và sắp xếp cho nhà hoạt động Đinh Thảo phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 19/9/2017
– NGÀY 19 THÁNG 9
ĐẠI DIỆN CỦA VOICE CÓ BÀI PHÁT BIỂU TRƯỚC HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HIỆP QUỐC
Vào lúc 5h chiều giờ Geneva, tức 10 giờ đêm giờ Việt Nam, ngày 19/9, nhà hoạt động Đinh Thảo, điều phối viên chương trình của VOICE ở châu Âu, đã thay mặt phái đoàn vận động nhân quyền của Việt Nam phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Cùng tham dự phiên họp này còn có bà Lê Thị Minh Hà, vợ nhà báo độc lập Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh, và cô Anna Nguyễn – Giám đốc Chương trình của VOICE.
Chúng tôi xin đăng toàn văn bài phát biểu của nhà hoạt động Đinh Thảo dưới đây:
Thưa Ngài Phó Chủ tịch,
Chúng tôi cực kỳ quan ngại về việc đàn áp các nhà bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đang hoàn toàn đi ngược lại với các nghĩa vụ theo các công ước quốc tế và những khuyến nghị UPR đã được chấp nhận về việc tôn trọng quyền tự do biểu đạt và không gian xã hội dân sự.
Trong tám tháng đầu năm nay, ít nhất 16 nhà hoạt động đã bị bắt, giam giữ hoặc kết án theo Bộ luật Hình sự hà khắc, trong đó có sáu thành viên của Hội Anh em Dân chủ, những người có thể phải đối mặt với mức án tối đa là bản án tử hình vì những hoạt động nhân quyền ôn hoà của họ. Hai nhà hoạt động nữ, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga, đã bị kết án 10 năm và chín năm tù vì chỉ trích chính quyền một cách ôn hoà, và đang phải chịu điều kiện giam giữ tồi tệ. Tôi có mặt ở đây cùng với bà Lê Thị Minh Hà, vợ của Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, người đã bị kết án năm năm tù chỉ vì viết blog [khai dân trí] trái ý chính quyền.
Trên thực tế, hiện có hàng trăm tù nhân lương tâm ở Việt Nam, trong khi chính phủ Việt Nam không thừa nhận thực tế này.
Thưa ngài Phó Chủ tịch, chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam thực thi một cách có thiện chí các khuyến nghị UPR mà họ đã chấp thuận vào năm 2014 cũng như khuyến nghị của các Thủ tục Đặc biệt và các Cơ quan theo Công ước [của Liên Hiệp Quốc]. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc thúc giục Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm.
CIVICUS trình bày bài phát biểu này cùng với VOICE.
Xin cảm ơn, ngài Phó Chủ tịch.
Phái đoàn vận động nhân quyền UPR 2017 của chúng ta tại khuôn viên các cơ quan của Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thuỵ Sĩ.
Đây là cụm cơ quan lớn thứ hai của Liên hiệp Quốc sau trụ sở chính ở New York. Cụm cơ quan này được xây dựng trên nền tảng trụ sở của Hội Quốc Liên – cơ quan tiền thân của Liên Hiệp Quốc tồn tại trước Thế Chiến thứ Hai. Đây chính là nơi làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
BÊN LỀ BÀI PHÁT BIỂU TRƯỚC HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HIỆP QUỐC
Chúng ta vừa có một bài phát biểu trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Chắc chắn là các bạn có thắc mắc rằng làm thế nào chúng tôi đã làm được điều đó, làm sao VOICE có thể làm được?
- Cô Anna Nguyễn, Giám đốc chương trình VOICE, sẽ giải thích điều này qua video dưới đây:
*Dưới đây là bản dịch tiếng Việt:
Xin chào tất cả mọi người, tên tôi là Anna và chúng tôi đang ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Chúng tôi vừa mới bay tới đây từ thành phố Geneva vài ngày trước, nơi mà chúng tôi đã có một bài phát biểu trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Chúng tôi vừa có một bài phát biểu trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Chắc chắn là các bạn có thắc mắc rằng làm thế nào chúng tôi đã làm được điều đó, làm sao VOICE có thể làm được?
Để một tổ chức được tham gia vào một buổi họp của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, họ cần phải có tư cách ECOSOC. Đó là tư cách tư vấn với Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội Liên Hiệp Quốc.
VOICE không có tư cách ECOSOC tuy nhiên chúng tôi có làm việc cùng một tổ chức có tư cách ECOSOC. Chúng tôi đã bắt đầu làm việc với tổ chức này từ năm 2014 khi mà chúng tôi tham gia vòng thứ hai đợt Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát của Việt Nam. Và riêng với chuyến đi lần này, chúng tôi đã bắt đầu làm việc với họ từ cuối năm trước.
Có phải ai cũng có thể đến buổi họp đó không?
Không, không phải ai cũng đến đó được giống như tôi đã nói từ trước. Các bạn cần có tư cách EOCOSOC hoặc là phải làm việc với một tổ chức có tư cách ECOSOC. Vậy nên, nếu có ai đó trong các bạn muốn được phát biểu trước Hội Đồng Nhân Quyền để nêu lên những vi phạm nhân quyền ở nước của bạn, hãy liên lạc với một tổ chức có tư cách ECOSOC nhé.
- Nhà hoạt động Đinh Thảo chia sẻ về trải nghiệm phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
“Có thể nói đây là 90 giây dài nhất trong cuộc đời tôi”,
Thảo đã nói như thế.
- Cô Anna Nguyễn, Giám đốc Chương trình VOICE, phát biểu cảm nghĩ sau bài phát biểu tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
*Dưới đây là bản dịch tiếng Việt:
Chúng tôi đã cảm thấy thế nào khi hiện diện cùng một hội trường với Chính phủ Việt Nam để nói về những vi phạm nhân quyền?
Thứ nhất, việc đưa ra một tuyên bố trước Hội đồng Nhân quyền là một điểm nhấn mạnh để nâng cao nhận thức về những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Nó buộc chính phủ Việt Nam trả lời rõ ràng các câu hỏi tại sao họ vi phạm nhân quyền, tại sao những người này đang ở trong tù, tại sao các nhà bảo vệ nhân quyền lại đang trong tình trạng không an toàn.
Và thứ hai nó cũng cho phép chúng tôi có một cuộc đối thoại mở với chính phủ Việt Nam.Các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động độc lập không có nhiều cơ hội có thể nói chuyện với các đoàn của Việt Nam. May mắn là trong kỳ kiểm điểm này chúng tôi đã có cơ hội để nói chuyện với họ và có cuộc đối thoại mở này.
Những gì được nói trong cuộc đối thoại này là … Tôi không nghĩ chúng ta thật sự có thể nói, nhưng việc có cơ hội để nói chuyện với họ là rất hiếm. Đây là lý do tại sao tôi nghĩ việc nói về những gì đang diễn ra ở Việt Nam là thực sự quan trọng và để nâng cao nhận thức cho những người chiến đấu cho Việt Nam. Cảm ơn bạn.
– NGÀY 19 THÁNG 9
TẠI GENEVA, GẶP GỠ BÁO CÁO VIÊN ĐẶC BIỆT CỦA LIÊN HIỆP QUỐC VỀ NHÀ HOẠT ĐỘNG NHÂN QUYỀN
Phái đoàn vận động nhân quyền UPR 2017 của chúng tôi đã gặp gỡ với ông Michel Forst – Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Nhà hoạt động nhân quyền (UN Special Rapporteur on human rights defenders).
Chúng tôi đã thảo luận với ông về vụ án Mẹ Nấm, về những tác động tích cực mà những báo cáo của ông đã mang lại cho các nhà hoạt động Việt Nam, cũng như khả năng tổ chức các cuộc gặp tương tự giữa ông và các nhà hoạt động khác của Việt Nam.
Ngày 22 tháng 9, Đoàn cũng có cuộc gặp với ông Maina Kiai, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Quyền tự do hiệp hội và hội họp ôn hòa.
– NGÀY 24 THÁNG 9
LÀM VIỆC VỚI BỘ NGOẠI GIAO THỤY ĐIỂN TẠI THỦ ĐÔ STOCKHOLM
Ngày hôm qua, 24/9, chúng tôi đã làm việc với Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển tại Stockholm, thủ đô xinh đẹp của đất nước Bắc Âu này.
Phái đoàn vận động nhân quyền UPR 2017 của chúng tôi đã gặp bà Lisbeth Hellvin Stålgren, Vụ phó Vụ Châu Á – Thái Bình Dương kiêm Trưởng phòng Đông Nam Á – Thái Bình Dương cùng các viên chức ngoại giao khác.
Chúng tôi đã cập nhật cho Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển về tình hình chung của Việt Nam, hồ sơ vụ án Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, tình trạng nhà tù ở Việt Nam và việc làm như thế nào để Đại sứ quán Thuỵ Điển ở Hà Nội có thể giúp phát triển Xã hội dân sự ở Việt Nam.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng là đề tài chúng tôi bàn tới, sao cho vấn đề nhân quyền được cân nhắc cẩn trọng hơn trước khi hai bên thông qua hiệp định quan trọng này.
– NGÀY 07 THÁNG 10
ĐẾN THỦ ĐÔ OSLO, GẶP GỠ ĐẠI DIỆN BỘ NGOẠI GIAO NA UY.
Trong khuôn khổ cuộc vận động nhân quyền UPR 2017 lần này, phái đoàn của chúng tôi đã gặp gỡ với đại diện Bộ Ngoại giao Na Uy tại Oslo, thủ đô của đất nước Bắc Âu này.
Cùng với VOICE Na Uy, chúng tôi đã gặp gỡ với:
– Ông Gry Rabe Henriksen, Phó Giám đốc phụ trách Khu vực Đông Á và Châu Đại Dương;
– Bà Anne Lilleoren, Cố vấn cấp cao về Đông Á và Châu Đại Dương;
– Bà Anniken Enerson, Cố vấn cấp cao về Đông Á và Châu Đại Dương.
Chúng tôi đã thảo luận về cuộc đối thoại nhân quyền song phương Việt Nam – Na Uy, các vụ bắt bớ gần đây, cũng như về các khuyến nghị UPR mà Na Uy đã đưa cho chính phủ Việt Nam (trong đó có vấn đề luật báo chí và nhà hoạt động nhân quyền)
Chúng tôi cũng trao đổi về việc làm thế nào để Nauy hỗ trợ tài chính cho các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, cũng như thúc đẩy các vấn đề nhân quyền trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) giữa Việt Nam và EU.
Bộ Ngoại giao Na Uy cảm ơn đoàn đã cập nhật tình hình và đưa ra các khuyến nghị nêu trên. Họ sẽ làm việc với cơ quan ngoại giao của họ ở Hà Nội cũng như các bên liên quan để thảo luận về những khuyến nghị này.
VOICE Na Uy sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Ngoại giao Na Uy trong tương lai để thúc đẩy nghị trình này.
– Các Cuộc Gặp Với Đại Diện Của Cơ Quan Ngoại Giao Của Liên Minh Châu Âu (EEAS)
Trong khuôn khổ chiến dịch vận động nhân quyền UPR cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã gặp gỡ với đại diện của Cơ quan Ngoại giao của Liên minh Châu Âu (EEAS).
Bà Ambra Longatti, chuyên viên quan hệ quốc tế phụ trách Việt Nam và Đông Nam Á của Cơ quan Ngoại giao Châu Âu và bà Nieves FERNANDEZ DEL COTERO SECADES, chuyên viên chính sách nhân quyền phụ trách mảng tôn giáo và nhà hoạt động nhân quyền ở Đông Nam Á đã đón tiếp phái đoàn tại trụ sở ở Brussels, Bỉ.
Chúng tôi đã thảo luận về tình hình Việt Nam các xu hướng mới, đặc biệt là việc đàn áp các hoạt động nhân quyền ngày càng gắt gao hơn trong thời gian vừa qua.
Chúng tôi cũng thảo luận về chương trình đối thoại nhân quyền sắp tới giữa Việt Nam và EU. Phái đoàn cũng như trao cho EU một bản tuyên bố của một số tổ chức xã hội dân sự độc lập của Việt Nam.
Phái đoàn đặc biệt cảm ơn EEAS đã nhanh chóng ra tuyên bố đối với các vụ bắt giữ và xét xử các nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có nhà báo Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, blogger Mẹ Nấm, blogger Trần Thị Nga.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với EEAS để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các hoạt động dân sự ở Việt Nam.
– NGÀY 18 THÁNG 10
LÀM VIỆC VỚI BỘ NGOẠI GIAO CỘNG HÒA SÉC
Phái đoàn UPR của chúng tôi vừa có cuộc gặp với ông David Červenka – Giám đốc Cục Nhân Quyền và Chính sách Chuyển đổi của Bộ Ngoại giao Cộng hoà Séc, cùng với đồng nghiệp của ông là ông Jan Látal.
Cùng tham gia cuộc gặp với phái đoàn chúng tôi còn có Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người cũng có mặt tại CH Séc cùng thời điểm để tham dự Forum 2000.
Chúng tôi đã cập nhật cho Bộ Ngoại giao CH Séc về tình hình nhân quyền Việt Nam, đặc biệt là các diễn biến đàn áp các nhà hoạt động thời gian gần đây.
Chúng tôi đã đề xuất chính phủ CH Séc giúp phát triển các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam, cấp kinh phí hoạt động cho các nhóm dân sự, và dành cơ hội tham dự các sự kiện, hoạt động nhân quyền cho các nhà hoạt động Việt Nam.
Đại diện Bộ ngoại giao CH Séc đã tiếp thu các thông tin trên và sẽ xúc tiến thảo luận nội bộ trong thời gian tới.
– Kết Thúc Chiến Dịch Vận Động Nhân Quyền UPR 2017
Không như dự định ban đầu là ngày 10/10, Đoàn vận động đã kết thúc chiến dịch vào ngày 18 tháng 10 tại Cộng hòa Séc. Sau khi chiến dịch kết thúc, các thành viên trong đoàn dự kiến vẫn theo dõi các cuộc họp và duy trì các mối quan hệ họ đã có. “Thật sự thì gặp gỡ những nhân vật ấy không khó, nhưng nếu không giữ liên lạc sau đó thì sẽ không có kết quả gì”, cô Anna, Giám đốc Chương trình của VOICE, thừa nhận. VOICE đang bắt đầu lập kế hoạch tổ chức cho UPR lần 3 vào tháng 1 năm 2019, sẽ có nhiều người hơn, sẽ có các hội thảo và một phiên họp của Liên Hiệp Quốc nhằm giải quyết tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Làm một người bảo vệ Nhân quyền giống như đang chạy trong một cuộc chạy đường dài, Anna mô tả.
“Bạn không thể mong chờ sẽ sớm thấy đích đến. Chặng đường sẽ khó khăn và gian nan, rồi sau đó bạn cần phải chuyền lại cây baton cho đồng đội, đồng nghiệp của bạn. Nhưng rồi sẽ giống như tất cả các cuộc đua đường trường khác, cuối cùng rồi bạn sẽ nhìn thấy đích đến”
Cô Đinh Thảo, Điều phối viên chương trình châu Âu của VOICE tại Bỉ, cho biết, đối với cô, bài phát biểu ấy đã tạo nên một chiến dịch 25 ngày thành công. Bất kể những khó khăn về điều kiện đi lại, các cuộc họp mặt triền miên và cả những quấy rối của Chính quyền Việt Nam với cô, đồng nghiệp và gia đình cô đã gặp phải ở Việt Nam.
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam thực thi một cách có thiện chí các khuyến nghị UPR mà họ đã chấp thuận vào năm 2014”, là một đoạn trong bài phát biểu cô Đinh Thảo đã nói trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. “Chúng tôi kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc thúc giục Việt Nam trả tự do cho tất cả Tù nhân lương tâm.”
Những chia sẻ ở trên có trong bài phỏng vấn “VOICE yêu cầu Việt Nam có trách nhiệm với các cam kết tại UPR” của nhà báo tự do @HaiyLe.
Trong bài phỏng vấn “Anna Nguyễn vì quyền sống của người dân trong nước”, đối với Anna Nguyễn, phần trình bày của đại diện tổ chức VOICE, cô Đinh Thảo, trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc là sự kiện đáng ghi nhớ nhất trong chuyến đi này. Trước đó ba đại diện VOICE có nói chuyện với phái đoàn Cộng sản Việt Nam. Họ đồng ý việc VOICE nói sự thật nhưng đề nghị không đưa ra các trường hợp cá nhân. Tuy nhiên đại diện VOICE không chấp nhận yêu cầu này, đã nêu ra sự việc bà Nguyễn Ngọc như Quỳnh bị tuyên án 10 năm tù, Trần Thị Nga 9 năm tù và Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh 5 năm tù.
Anna Nguyễn cho biết cảm tưởng cá nhân cô khi đối thoại trực tiếp với đại diện nhà cầm quyền Hà Nội tại phiên họp thứ 36 của Hội đồng Nhân Quyền Liên hiệp quốc: “Thứ nhất, việc đưa ra một tuyên bố trước Hội đồng Nhân quyền nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các thành viên hội đồng về những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Sự kiện này buộc Chính phủ Việt Nam phải trả lời rõ ràng các câu hỏi tại sao họ vi phạm Nhân quyền, tại sao những người này phải bị ở tù, tại sao các nhà tranh đấu Nhân quyền lại đang trong tình trạng không an toàn. Thứ hai, phiên họp này là cơ hội cho chúng tôi có một cuộc đối thoại mở với Chính phủ Việt Nam. Các tổ chức Xã hội dân sự và các Nhà hoạt động độc lập không có nhiều cơ hội có thể nói chuyện với phái đoàn Cộng sản Việt Nam. May mắn là trong kỳ kiểm điểm này chúng tôi có dịp để đối thoại với họ. Cơ hội để nói chuyện với họ là rất hiếm. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ việc nói về những gì đang diễn ra ở Việt Nam với Hội đồng Nhân quyền thực sự rất quan trọng”.
Và đây là Thông điệp của bà Lê Thị Minh Hà, vợ của nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) khi kết thúc chiến dịch vận động nhân quyền UPR 2017.
“Hôm nay là buổi làm việc cuối cùng với Bộ Ngoại giao của Cộng hòa Séc, kết thúc đợt vận động UPR của VOICE, mà tôi được là khách mời. Về tổ chức và nội dung đã đạt được tất cả yêu cầu đề ra một cách tốt nhất. Sau 40 buổi làm việc, hôm nay là buổi thứ 40, thì chúng tôi đã chuyển tải được các thông điệp để mọi người trên khắp thế giới hỗ trợ chúng tôi trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho những người tù nhân lương tâm đang bị bắt oan và đang bị tù đày. Riêng tôi thì đòi quyền tự do bày tỏ quan điểm, tự do ngôn luận, tự do báo chí và hướng tới góp phần cho việc mong muốn Việt Nam là một đất nước văn minh, dân chủ, là một nhà nước có pháp quyền.”