Đàn áp Nhân quyền: làm đau thân xác, hun đúc tinh thần

             

Vũ Ngọc Hân, nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam và cũng là một học viên của VOICE. Dưới đây là bài phát biểu của cô tại “The 2017 Dublin Platform” do Front Line Defender tổ chức tại Ireland.


Xin chào mọi người, tôi là Hannah, tôi là một người hoạt động đến từ Việt nam. Hiện tôi đang hỗ trợ chương trình đào tạo của VOICE tại Philippines. VOICE là một NGO thúc đẩy xã hội dân sự, nhân quyền và pháp trị tại Việt nam. Và hiện tại tôi cũng là một thực tập sinh của tổ chức PIN tại CH Czech.

Bây giờ tôi xin chia sẻ câu chuyện của tôi, hành trình từ một thợ may trở thành người bảo vệ nhân quyền.

Tôi sinh ra tại một miền quê ở Miền Nam Việt Nam. Tôi phải nghỉ học khi 15 tuổi, vì ba tôi mất sớm. Rồi gia đình tôi không đủ tiền để cho tôi tiếp tục đi học.

Sau đó tôi lên Sài Gòn, thành phố lớn nhất Việt Nam, và làm việc trong một công ty may trong 5 năm. Trong thời gian đó, tôi nhìn thấy rất nhiều cảnh người lao động phải biểu tình chống lại chủ, và người dân biểu tình chống lại những chính sách của chính quyền. Cũng trong thời gian đó tôi bắt đầu tìm hiểu về quyền lao động và nhân quyền. Tôi nhận ra có rất nhiều vi phạm nhân quyền đang diễn ra trên đất nước mình. Bản thân tôi, cũng đã tham gia nhiều cuộc biểu tình sau đó.

Tháng 12 năm ngoái, tôi tham gia một khóa học bí mật về nhân quyền tại Việt Nam. Hẳn các bạn cũng biết Việt Nam hiện nay vẫn là một nước độc tài cộng sản, và chính quyền thì không hề muốn người dân biết và thực hành những quyền cơ bản của họ.

Mặc dù đã rất cẩn thận, nhưng khóa học của chúng tôi cũng bị chính quyền tấn công sau chỉ một tháng hoạt động. Công an phá hủy và thu giữ toàn bộ máy tính và điện thoại của chúng tôi. Họ bắt chúng tôi về những đồn công an khác nhau. Sau khoảng 8 tiếng thẩm vấn, họ nói rằng tôi có thể về nhà, nhưng trên đường về nhà, tôi đã bị 5 cảnh sát tấn công. Họ đánh tôi liên tục trong 10 phút vào đầu, ngực, và mặt tôi. Họ bỏ đi trong khi tôi nằm lăn xuống đường. Tôi không hiểu tại sao, nhưng trong khi tôi khóc, tôi vẫn cố gắng nói với họ: “em không ghét tụi anh, em không ghét gì tụi anh hết, Chúa chúc lành cho anh”.

Những ngày sau đó, tôi tự hỏi bản thân rất nhiều. Tôi đã làm gì sai? Tại sao họ lại đánh tôi? Chỉ vỉ tôi muốn học về quyền của tôi sao?

Họ có thể làm đau thân xác tôi, nhưng tâm trí tôi lại càng thêm mạnh. Hơn bao giờ hết, tôi tin tưởng mạnh mẽ vào nhân quyền, không chỉ cho riêng tôi, mà là cho cả gia đình và bạn bè của tôi nữa.

8 tháng trước, tôi đăng kí một học bổng với VOICE, và đã được chấp nhận. Tôi phải thoát khỏi Việt Nam theo đường bộ qua Campuchia, trước khi đến được trụ sở của VOICE ở Philippines.

Ngày hôm nay, tôi đứng đây trước các bạn, hi vọng chia sẽ câu chuyện của tôi và học hỏi được những kinh nghiệm từ các bạn. Tôi hi vọng có thể tham gia vào mạng lưới những người bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, để có thể cất lên tiếng nói về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Ở đây, một đất nước tự do, sẽ chẳng có ai xông vào cuộc họp hôm nay để bắt chúng ta. Chúng ta cũng không bị thẩm vấn, hay đi tù, hay bị kết án 10 năm chỉ vì thể hiện quan điểm và suy nghĩ của chúng ta.

Nhưng cũng ngay lúc này, trên đất nước của tôi, bạn bè tôi, đồng đội tôi đang bị sách nhiễu, bắt bớ, và giam cầm. Từ đầu năm đến bây giờ, đã có ít nhất 17 người hoạt động nhân quyền bị bắt. Và ngay hôm nay, thêm một nữ đấu tranh nhân quyền bị bắt. Tôi hy vọng có thể thay họ cất lên tiếng nói, dù chỉ là trong hội nghị này.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.

*****

Xem bài phát biểu gốc từ Front Line Defender của cô tại đây.