Tình hình tự do báo chí đang xấu đi trên toàn cầu
Hai phần ba trong số 180 nước được Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới khảo sát có tình trạng đàn áp tự do báo chí tệ hơn trước đây.
Báo cáo thường niên của Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) cùng với bản Chỉ Số Tự Do Báo Chí Thế Giới năm 2017 (2017 World Press Freedom Index) cho thấy một bức tranh ảm đạm về tình hình tự do báo chí trên thế giới, nhất là tại những nước có chế độ độc tài đảng trị, quân phiệt hay tôn giáo cuồng tín.
Năm năm trở lại đây, các vụ vi phạm quyền tự do báo chí của các chính quyền trên thế giới tăng 14%. Bản báo cáo viết: “Chưa bao giờ thấy Quyền tự do báo chí trên thế giới bị đe dọa như hiện nay”.
Tự do báo chí đang trong tình trạng “khó khăn” (màu đỏ) và “nguy ngập” (màu đen) tại 72/180 quốc gia, bao chùm Trung Quốc, Nga, Ân Độ, hầu như toàn bộ Trung Đông, Trung Á và Trung Mỹ và hai phần ba châu Phi. Báo chí chỉ được tự do tại khoảng 50 nước ở Bắc Mỹ, châu Âu, Úc, Nam Phi.
Mười vị trí đội sổ tự do báo chí thế giới gồm: Lào, Guinea, Djibouti, Cuba, Sudan, Việt Nam, Trung Quốc, Syria, Turkmenistan, Entrea, Triều Tiên.
Còn 10 nước đứng đầu là: Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Netherland, Costa Rica, Thụy Sĩ, Jamaica, Bỉ, Iceland.
Trong báo cáo này, Việt Nam vẫn giữ thứ hạng 175/180 như năm 2016. Đầu năm 2017, tổ chức Bảo Vệ Ký Giả Quốc Tế (CPJ) ở New York tố cáo Việt Nam là nước bỏ tù nhiều người nhất ở Ðông Nam Á chỉ vì họ dùng internet để bày tỏ quan điểm ngược với chính sách của đảng cộng sản.
Theo CPJ, Hà Nội đang bỏ tù nhiều người cầm bút như Trần Huỳnh Duy Thức, Ðặng Xuân Diệu, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… Tuy nhiên không thấy CPJ nêu tên Luật Sư Nguyễn Văn Đài, bị bắt từ tháng Mười Hai 2015 đến nay.
Từ sau khi bắt Mẹ Nấm và Hồ Hải vào tháng 11/2016, công an Việt Nam còn bắt giữ thêm khoảng 7 nhà bất đồng chính kiến nữa như: Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Nguyễn Danh Dũng, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Bùi Hiếu Võ, và Phan Kim Khánh, với những cáo buộc theo Luật Hình sự Việt Nam như “Âm mưu lật đổ”, “phát tán thông tin độc hại”.
Tháng 11/2016, RSF liệt kê Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng vào danh sách “kẻ thù của tự do truyền thông” trên thế giới, cùng 34 người khác là lãnh đạo một số nước, chính khách, lãnh tụ tôn giáo.