Chia sẻ: Một tháng sống với công nhân Việt Nam tại Malaysia

             

Chuyến đi Malaysia của chúng tôi gồm 5 thành viên, đa số là những người trẻ. Và do thế cũng có chút bỡ ngỡ vào những ngày đầu nhưng rồi cũng thích nghi nhanh chóng. Mặc dù không thực sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng cũng đem đến cho chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp ở đây.

Tuần đầu tiên chúng tôi ở tại tiểu bang Melaka, ở đây nhiều công ty điện tử và thực phẩm, có rất nhiều công nhân Việt làm việc. Chúng tôi đã tiếp xúc với 3 nhóm công nhân: Một nhóm 10 người tại công ty điện tử MACSALE, một nhóm khác 8 người của công ty ROTI MANUFAC- chuyên về thực phẩm trà, cafe và đồ uống, nhóm cuối 20 người đến từ công ty sản xuất linh kiện điện tử MINAIK.

Bài chia sẻ của một cựu thực tập sinh của VOICE sau chuyến đi làm việc với công nhân Việt ở Malaysia.

Tuần thứ hai chúng tôi tiếp xúc với 3 nhóm công nhân tại Joho Baru (khu vực gần Singapore), cũng là khu vực có đông người Việt sinh sống và làm việc. Chúng tôi đã tiếp xúc với 2 nhóm tại công ty điện tử và loa VEGA (3 người), một nhóm ở công ty PLEXIT, cũng là công ty điện tử (5 người).

Một tháng sống với công nhân Việt Nam tại Malaysia (1)

Một góc khu nhà trọ của các công nhân

Ngoài ra, ở đây có nhiều người Việt qua mở đại lý gia công tổ Yến, thu hút nhiều lao động làm việc. Tuy nhiên cuộc sống và thu nhập khá hơn so với các công ty ở địa phương.

Các tuần tiếp theo, chúng tôi tiếp xúc một số phụ nữ Việt Nam hành nghề mại dâm tại tiểu bang Muar để tìm hiểu thêm về tình trạng mại dâm ở đây. Tôi cũng đã cố gắng tìm lên khu vực Penang, để gặp một nhóm khoảng 3 công nhân làm công ty về xích xe máy.

Những câu chuyện đáng nhớ

Trong thời gian ở đây, chúng tôi gặp được chị Ng, nhân viên công ty MINAIK. Chị bị công ty đuổi sau đợt đi khám bệnh do công ty đưa đi định kỳ, họ chỉ nói chung chung là không đảm bảo sức khỏe mà không đưa ra bất cứ lý do gì cụ thể. Họ đặt vé máy bay cho chị 5 ngày sau ngày khám bệnh, và tiền đó cũng trích từ tiền lương của chị, tất nhiên chị không được bồi thường gì thêm. Dù rất muốn giúp chị, nhưng thời gian quá gấp vì 2 – 3 hôm nữa là chúng tôi phải rời Malaysia, mà trong khi lịch chúng tôi sắp xếp gặp công nhân đã kín. Chúng tôi đành phải dành những ưu tiên khác. Tới bây giờ tôi vẫn cảm thấy áy náy và cảm thấy có chút bất lực.

Những ngày cuối cùng ở Johor Baru , nhờ người quen dẫn đi tiếp xúc một vài nhóm ở đây, chờ đến gần 8 giờ tối mà vẫn chưa thấy công nhân về. Hỏi ra mới biết công nhân ở đây tăng ca tới 10 giờ tối. Chúng tôi quyết định chờ tới lúc đó.

Thực ra trước đó, chúng tôi cũng đã gặp một hai công nhân. Nhưng họ ái ngại và có chút sợ sệt vì không hiểu rõ chúng tôi. Và không cho chúng tôi tiếp xúc trò chuyện nhiều. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng giải thích cho họ.

Tới giờ công nhân về, chúng tôi gặp một chị trạc 30 tuổi. Đó là chị L, công nhân công ty Vega gần đó, chị nhiệt tình đưa chúng tôi về phòng trọ, nơi ở công ty cấp cho chị cùng với gần 15 người nữa.

Trong lúc trò chuyện, chị có đưa chúng tôi xem bản hợp đồng ký giữa chị và công ty môi giới tại Việt Nam.

Một tháng sống với công nhân Việt Nam tại Malaysia (1)

Bản hợp đồng ghi rằng “…công nhân không được tham gia các hoạt động chính trị, đi lễ nhà thờ, hội họp bất hợp pháp, đình công, lãn công, tự ý khiếu kiện tới Đại Sứ quán Việt Nam tại Malaysia..”. Tôi khá bất ngờ và có chút tức giận khi đọc những điều này, bởi vì những hoạt động này là hết sức bình thường đối với một con người. Hẳn những kẻ nghĩ ra những điều này không phải là một cá nhân hay một công ty có thể nghĩ ra, mà là cả một bộ máy mới có thể lo sợ những điều này có thể gây hại đến họ. Những công nhân, nếu họ thực hiện đúng những điều này thì họ sẽ sống dưới mức sống của một con người. Nghĩa là họ chỉ đi làm về, rồi ăn và ngủ chứ không có bất cứ một hoạt động tinh thần nào. Những điều mà đã được cả quốc tế công nhận trong Bản Tuyên Ngôn Nhân quyền 1948 mà Việt Nam cũng là một thành viên trong đó.

Tạm biệt chị, chúng tôi cố tiếp xúc thêm một nhóm nam công nhân gần đó nữa trước khi ra về.

Tuần kế tiếp, tôi theo một công nhân về phòng trọ của anh. Phòng được công ty xây cất cho công nhân giữa công trường. Nó nhỏ và hẹp. Trong cái nắng 40 độ ngoài trời, với những phòng nhỏ chắp vá bằng những miếng ván nhỏ, có phòng chứa tới 5 người với diện tích chưa đầy 20 mét vuông.

Một tháng sống với công nhân Việt Nam tại Malaysia (1)
Tình trạng vệ sinh không đảm bảo khi các toilet và nơi tắm chung lộ thiên.

Tổng quan tình trạng lao động Việt Nam ở Malaysia

Các công nhân Việt Nam ở Malaysia thường được làm những công việc gọi là 3D: Dirty, Dangerous và Difficult (Bẩn, Nguy hiểm, và Khó).

Nhức nhối nhất là tình trạng bị giới chủ giữ hộ chiếu. Các công nhân nói họ bị chủ giữ hộ chiếu ngay khi đáp xuống sân bay. Lấy lý do rằng công nhân giữ sẽ bị mất nên để họ giữ giùm (!). Nhiều công nhân bị hạn chế quyền đi lại khi không thể đi ra khỏi tiểu bang mình ở. Nhiều trường hợp gia đình đau ốm nhưng không thể về thăm vì không có bất cứ giấy tờ gì. Họ phải thế chân một khoản tiền bằng 3 tháng lương nếu muốn lấy lại hộ chiếu về nước. Điều đáng nói là có nhiều công nhân chấp nhận mất khoản tiền đó để lấy lại hộ chiếu nhưng vẫn không được trả lại. Nhiều công nhân bất mãn, họ bỏ trốn ra ngoài làm chui chấp nhận không có giấy tờ tùy thân trong người, do đó nhiều người bị cảnh sát bắt và xảy ra tình trạng tù lao động. Tất cả các trường hợp mà chúng tôi tiếp xúc đều bị chủ giữ hộ chiếu, và chỉ có vài trường hợp lẻ tẻ là được giữ hộ chiếu.

Việc giữ hộ chiếu của công nhân sẽ làm họ không dám nghỉ việc, giúp giới chủ dễ dàng quản lý công nhân và có số lượng lao động ổn định trong công ty. Và một điều quan trọng nhất là trả lương rất thấp cho công nhân. Lương tối thiểu của công nhân ở đây là 900RM/tháng, tương đương với 220$, họ bắt buộc công nhân phải làm 12 tiếng mỗi ngày. Đó là chưa tính các công nhân phải tự đóng thuế Levy (thuế dành cho người lao động làm việc tại Malaysia), tiền gia hạn hộ chiếu các công nhân cũng phải tự đóng.

Tình trạng phân biệt đối xử trong các công ty cũng rất phổ biến, tình trạng chèn ép giờ giấc, cắt tiền làm thêm, tiền thưởng nhất là đối với công nhân Việt nam, Myanmar và Nepal. Trong khi đó, công nhân Mã Lai và Trung Quốc thì không bị. Ở các tiểu bang này, các công nhân làm việc mà không có bất cứ công đoàn nào bảo vệ quyền lợi cho họ.

Đây cũng là tình trạng chung các công nhân gặp phải. Ở Việt Nam, muốn được sang Malaysia lao động, họ phải đóng khoản tiền từ 1500-2000 đô-la Mỹ và được hứa hẹn sẽ có một mức lương và cuộc sống tốt hơn. Nhưng một thực tế phũ phàng là ho phải ở những nơi chui rúc 30 – 40 người, mức lương thì không đúng hợp đồng. Các công nhân nói rằng họ đã phải ký một hợp đồng mới bằng tiếng Anh khi vừa tới sân bay và chỉ được phía công ty bên này giữ. Nhiều công nhân đã liên lạc với công ty môi giới ở Việt Nam phản ánh nhưng không được giải quyết.

Quá trình xuất khẩu lao động giữa Việt Nam và Malaysia

Nhờ vào chính sách chuyển đổi kinh tế đúng đắn kết hợp với một chính phủ năng động. Chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp điện tử và dịch vụ. Kinh tế Malaysia phát triển mạnh vào những năm 2000 và thường thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động. Malaysia đã phải nhập khẩu lao động từ các nước láng giềng trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Phải khách quan mà nói rằng, nguồn lao động từ nước ngoài đóng góp một vai trò không nhỏ trong sự phát triển kinh tế ở Malaysia.

Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang Malaysia làm việc từ năm 2002. Năm 2003, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác lao động. Thực hiện Bản ghi nhớ này, Việt Nam đã đưa được trên 220.000 lao động sang làm việc tại thị trường này.

Đến tháng 8/2015 Việt Nam và Malaysia ký một Bản ghi nhớ mới để tiếp tục đưa lao động Việt sang thị trường này. Trong đó có điều khoản nói rằng “các công nhân Việt Nam sẽ được quyền giữ lại hộ chiếu khi lao động tại Malaysia” cùng với một số điều khoản khác qui định về điều kiện tuyển dụng lao động Việt Nam.

6 tháng sau khi 2 nước ký bản ghi nhớ này, chúng tôi tới đây. Nhưng dường như việc thực thi thỏa thuận này không có gì gọi là tiến triển. Các công nhân khi được hỏi, họ cũng không biết gì về thỏa thuận này. Các công ty vẫn tiếp tục giữ hộ chiếu của công nhân. Các công ty môi giới vẫn tiếp tục tìm người và đưa sang Malaysia.

Tôi thầm nghĩ có khi nào, bản ký kết này chỉ nhằm che mắt báo chí, cộng đồng thế giới về những vụ vi phạm lao động của họ?

Vì nhiều nghiên cứu của các tổ chức về quyền lao động khác đã chỉ rõ ra rằng, tình trạng buôn người ngày nay không còn giới hạn trong định nghĩa bắt cóc rồi đưa sang lao động khổ sai ở một nước khác nữa. Mà nó còn núp dưới danh nghĩa các hợp tác xuất khẩu lao động giữa các quốc gia. Vì lợi nhuận mà nó đem lại quá lớn. Điều này lý giải tại sao nạn buôn người ngày nay là một vấn nạn không dễ giải quyết.

Các công việc đã làm

Vì còn nhiều hạn chế về nhân sự và thời gian trong đợt công tác này, nên công việc của chúng tôi chủ yếu là tiếp cận công nhân và giải thích luật, các bản thỏa thuận mới của các quốc gia về vấn đề lao động tại Malaysia. Giải thích cho công nhân hiểu về quyền được giữ hộ chiếu, các định nghĩa về nghiệp đoàn, thế nào là một “nghiệp đoàn độc lập”.

Một tháng sống với công nhân Việt Nam tại Malaysia (1)
Các công nhân chơi thể thao, bóng đá

Chúng tôi cũng đã hướng dẫn công nhân cách đòi lại hộ chiếu. Giúp họ viết ra các bức thư bằng tiếng Anh gửi cho các chủ yêu cầu trả lại hộ chiếu. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành thu thập tin tức, bằng chứng về tình trạng vi phạm lao động tại Malaysia để làm tư liệu hoặc các bản báo cáo. Và cuối cùng, chúng tôi đã đi thăm hỏi các tù nhân là lao động Việt Nam trốn ra ngoài đang bị nhốt ở các nhà tù Malaysia.

Chuyến đi này là một trải nghiệm thích thú nhưng cũng có chút buồn bã cho chúng tôi.

Thích thú vì nhìn thấy được tận mắt một xã hội giàu mạnh, tân tiến nhất nhì vùng Đông Nam Á. Được nhìn thấy toà tháp đôi nổi tiếng mà từ lâu ao ước được xem. Nhưng buồn vì nhìn thấy những cảnh đời bất hạnh của công nhân Việt Nam tại đây. Họ đã phải chịu mọi khổ nhọc để hàng tháng gửi tiền về giúp gia đình. Số tiền này cũng góp phần “xoá đói giảm nghèo” theo chủ trương của nhà nước. Nhưng ngược lại, họ không được bất cứ một cơ quan chính thức nào của nhà nước Việt Nam hướng dẫn quyền lợi của công nhân xuất khẩu lao động cũng như bảo vệ họ trước những đối xử bất công của giới chủ.Nói theo ngôn ngữ công nhân tại đây là họ bị môi giới Việt Nam “đem con bỏ chợ”.

Và càng buồn hơn khi chẳng thể giúp được họ nhiều.

Reprinted with author’s permission