Giáo sư Đại học Stanford Larry Diamond: 3 lời khuyên dành cho các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam
“Các chế độ độc tài như Trung Quốc hay Việt Nam rồi sẽ rơi vào bế tắc bởi những vấn đề do chính họ gây ra,” Giáo sư Larry Diamond khẳng định trong cuộc trao đổi khi ghé thăm văn phòng VOICE hồi tháng Tám vừa rồi.
Ảnh: Giáo sư Larry Diamond chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực của ông về dân chủ với các học viên của VOICE
Larry Diamond hiện là Giáo sư ngành Khoa học Chính trị và Xã hội học tại Đại học Stanford, đồng thời là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hoover. Ông cũng là sáng lập viên và biên tập viên của tờ Tạp chí Dân chủ, một diễn đàn học thuật giàu sức ảnh hưởng trong lĩnh vực dân chủ.
Chia sẻ với các học viên đang học tập tại VOICE về phong trào đấu tranh cũng như tương lai chính trị của Việt Nam, Giáo sư Larry cho rằng có nhiều điểm sáng đáng kỳ vọng.
Song, trước những khó khăn gây ra bởi chính quyền độc đảng, Giáo sư Larry Diamond khuyến khích rằng phong trào dân chủ nên nghiên cứu sâu hơn về phương thức đấu tranh. Dưới đây là ba lời khuyên của Giáo sư Larry Diamond dành cho các nhà hoạt động Việt Nam.
Giáo dục các giá trị dân chủ
Để thúc đẩy phong trào dân chủ một cách bền vững, Giáo sư Larry Diamond khuyên rằng điều cấp thiết là phải tạo ra một hệ thống đào tạo để phổ biến các giá trị dân chủ một cách sáng tạo, dễ hiểu, dễ gần, qua đó chạm tới được đa số công chúng.
“Nếu bạn không thay đổi được ý nghĩ của người dân, thì bạn sẽ khó lòng thực hiện những hoạt động khác. Bạn muốn người dân biết chất vấn chính quyền? Bạn muốn huy động họ đi biểu tình? Bạn muốn phơi bày những vi phạm của chế độ cầm quyền? Mọi chuyện sẽ trở nên đỡ khó khăn nếu người dân có nhận thức cao hơn về dân chủ, và do đó họ sẵn sàng hơn,” Larry khẳng định.
“Các bạn hãy nỗ lực giáo dục người dân, nhất là người trẻ, về các giá trị dân chủ như tự do, nhân quyền, và pháp quyền”, Larry nói, “đây nên được xem là ưu tiên cao nhất trong cuộc đấu tranh chống độc tài.”
Để làm được điều này khi đứng trước bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản, giáo sư Larry cho rằng các nhà hoạt động Việt Nam nên phát triển các kênh truyền thông độc lập như báo chí và mạng xã hội nhằm khai thông dòng thông tin và tri thức vốn đang bị nhà nước kiểm soát.
Giáo sư Larry Diamond đến từ trường Đại học Stanford, Mỹ. Ảnh: National Endowment for Democracy.
Kiên định với con đường phản kháng phi bạo lực
Từng gặp gỡ và làm việc với giới đấu tranh dân chủ của hàng chục nước, cũng như đi khảo sát thực địa từ vùng châu Phi Hạ Saharan cho tới châu Á, Mỹ Latin và Trung Đông, và thực hiện nghiên cứu tại Đài Loan đúng lúc nước này đang diễn ra quá trình dân chủ hóa, Larry Diamond không chỉ là một học giả uyên bác mà còn sở hữu bề dày kinh nghiệm về phương thức đấu tranh thúc đẩy dân chủ.
Khi được hỏi về cách đấu tranh hiệu quả nhất, Giáo sư Larry Diamond đã đáp ngay rằng ấy chính là phương pháp phản kháng phi bạo lực.
“Từ phong trào giành độc lập do Gandhi dẫn dắt ở Ấn Độ cho tới phong trào phản kháng Otpor ở Serbia, hay cuộc cách mạng Quyền lực Nhân dân ở Philippines,” Giáo sư Larry dẫn chiếu, “phản kháng phi bạo lực luôn là phương pháp đấu tranh hiệu quả nhất nhằm chống lại các chế độ độc tài.”
Nói về việc chính quyền đàn áp các cuộc biểu tình ở Việt Nam hồi tháng Sáu vừa qua, giáo sư Larry cho rằng đó là những khó khăn mà bất cứ phong trào dân chủ nào cũng phải đối mặt. Tuy nhiên, theo Larry, không nên vì những khó khăn trước mắt mà rời bỏ phương thức đấu tranh phi bạo lực. Không chỉ vì hiệu quả của nó, phương thức này còn giúp tránh những xung đột đẫm máu gây hại cho người dân và tránh gây đổ vỡ hệ thống nhà nước.
Học hỏi kinh nghiệm của các nước hậu cộng sản
Trong loạt các tác phẩm của Larry Diamond, cuốn sách “Tinh thần Dân chủ” đã được Nhà xuất bản Giấy Vụn chuyển ngữ và ấn loát hồi năm ngoái. Trong năm tới, ấn bản tiếng Việt “Hệ thống Bầu cử và Dân chủ”, một trong những tác phẩm khoa học chính trị quan trọng của Larry Diamond, dự kiến cũng sẽ được phát hành.
Từ những am hiểu về hệ thống chính trị cũng như quá trình chuyển đổi dân chủ, Giáo sư Larry Diamond khuyến nghị các nhà hoạt động Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ các phong trào dân chủ ở các nước khu vực Đông Âu. Nhờ vào sự tương đồng do cùng sống dưới chế độ độc tài cộng sản, Larry tin rằng phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam có thể học hỏi được nhiều từ quá trình chuyển đổi ở các nước này, như phong trào dân chủ ở Ba Lan hay cuộc Cách mạng Nhung ở Cộng hòa Czech.
“Các bạn có thể nhìn xem những gì đã diễn ra, và xem cuộc đấu tranh ngầm của họ đã được tổ chức như thế nào, để học hỏi từ chiến thuật cho tới cách thức hoạt động, […] về cái cách mà họ đã chất vấn, thách thức, cũng như làm xói mòn tính chính danh của đảng Cộng sản”, giáo sư Larry Diamond nói.
Bên cạnh đó, Larry Diamond cho rằng lý thuyết trò chơi trở nên cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện tại. Giống như trong một ván cờ, các nhà hoạt động cần biết cách tiếp cận uyển chuyển, cố gắng nắm bắt các đường đi nước bước của chính quyền, từ đó vạch ra được hướng đi đúng đắn cho chính mình.
Tương lai nào cho Việt Nam
Trong cuốn “Tìm kiếm Dân chủ” mới ra mắt gần đây, Giáo sư Larry Diamond cho rằng dân chủ đang bước vào một giai đoạn khó khăn, khi mà nền dân chủ toàn cầu đã bị suy thoái nhẹ kể từ năm 2006 khi chỉ số dân chủ tự do liên tục giảm dần.
Tuy nhiên, chiến thắng bầu cử của liên minh đối lập ở Malaysia hồi tháng Năm vừa qua, theo đánh giá của Larry, là một điểm sáng về dân chủ trong khu vực. Kết quả này được xem như một bước tiến dân chủ hóa đầy hy vọng khi mà nước này đã chịu cảnh chi phối của liên minh cầm quyền BN trong suốt hơn 60 năm.
Cùng với đó, những chuyển biến tích cực ở Myanmar trong thời gian gần đây đã đưa Larry tới một khẳng định rằng “rồi nó [dân chủ hóa] sẽ xảy đến với toàn khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.”
Sở dĩ Larry tin tưởng như vậy là vì, ngày nay Việt Nam với nền kinh tế phát triển, tầng lớp trung lưu dần lớn mạnh, thông tin trở nên dễ dàng tiếp cận, thì người dân sẽ ngày càng biết phê phán, biết chất vấn, và biết đòi quyền tự do ý chí của mình.
“Thời gian sẽ đứng về phía các bạn,” Giáo sư Larry Diamond nhắn nhủ.
Nguyễn Vi Yên