Chia sẻ: Học về Internet ở giữa rừng Myanmar
Bao nhiêu điều mới mẻ và ấn tượng khi tham gia một khóa đào tạo về công nghệ và lần đầu tiên đặt chân đến đất nước mới chuyển đổi dân chủ Myanmar
Khóa đào tạo 5 ngày về Truyền thông mạng xã hội và Bảo mật kỹ thuật số được một NGO có trụ sở ở Đức kết hợp với các NGOs Myanmar tổ chức tại thành phố Bago, Myanmar. Người tham gia là khoảng 30 nhà hoạt động trẻ đến từ khu vực Đông Nam châu Á.
Bài chia sẻ của một thực tập sinh sau khi tham gia một khóa đào tạo tại Myanmar.
Nói một cách ngắn gọn thì khóa học này giúp những người tham gia hiểu được cách hoạt động của internet, cách di chuyển của dòng dữ liệu khi chúng ta lướt web, gửi email .v..v.., những nguy cơ tiềm ẩn khi chúng ta truy cập internet, và các phương pháp bảo mật giúp chúng ta an toàn hơn.
Về cơ bản là vậy, nhưng có lẽ mình sẽ không nói nhiều về kỹ thuật, mà mình sẽ nói nhiều hơn về cách tổ chức chương trình và những trải nghiệm với những người bạn quốc tế.
Tấm biển trong phòng họp chính ghi mỗi người chỉ nên lấy một chai nước và dùng trong suốt khóa học
“Chuẩn bị là chìa khóa thành công”
Trước ngày xuất hành, những người tham gia được ban tổ chức đưa vào một Group Mail (Nhóm thư điện tử), và được khuyến khích viết một đoạn ngắn giới thiệu và làm quen với nhau gồm các thông tin như Tên tuổi, Quốc tịch, nghề nghiệp, tại sao biết đến và muốn tham gia khóa học, có kỹ năng gì đặc biệt… Điều này khiến những người tham gia cảm thấy gần gũi dù chưa hề gặp mặt.
Ban tổ chức còn gửi cho mỗi người một file gọi là Hậu cần, gồm tất cả các thông tin cần thiết như ngày đến ngày đi, địa điểm tổ chức, thông tin để có thể liên hệ khẩn cấp, bảo hiểm, đồ dùng cá nhân (có cả kem chống muỗi, không biết làm gì), nói chung là rất chu đáo.
Vác balo lên và đi
Ngày khởi hành, mình bắt chuyến bay từ Manila – Philippines đến Yangon, thủ đô cũ của Myanmar. Nhân viên sân bay Myanmar thân thiện lắm, vừa xuống khỏi máy bay đi qua cửa check-in, khi mình đưa hộ chiếu Việt Nam, anh chàng nhân viên liền nói tiếng Việt “xin chào” rất cởi mở. Sau đó một anh nhân viên khác giúp đỡ khuân hành lý. Thật bất ngờ khi thấy anh ấy ăn trầu, anh vừa làm vừa nhai trầu bỏm bẻm, mình liền nói “ở nước tôi người già cũng thường ăn thứ này”. Anh ấy liền mời mình một miếng, mình đang tò mò muốn thử xem trầu Myanmar khác Việt Nam như thế nào, nên không ngại ngần nhận lấy rồi cho vào miệng nhai lấy nhai để. Ôi thôi, nó vừa nồng vừa cay, kết hợp với cái bụng đói meo, suýt nữa thì say trầu mà ngã vật ra đấy. Rồi cũng chẳng biết nó khác trầu Việt Nam thế nào vì ăn từ mười mấy năm trước, lúc nhỏ nhỏ, đi đám cỗ thì đua đòi ấy mà.
Ra được bên ngoài, ban tổ chức có xe chờ để chở những người tham gia đến địa điểm tập trung, mình lên xe cùng một người bạn Indonexia vừa tới đó. Chiếc xe chạy đến Bago một thành phố cách Yangon 80 km về phía Bắc. Chạy được hơn 1 tiếng trên đường quốc lộ, chiếc xe bắt đầu rẽ vào một con đường rừng với rất nhiều cây cối và ổ voi, ổ gà. Xe chạy thêm mấy cây số thì có vài ngôi nhà bất ngờ xuất hiện. Đích đến cuối cùng là một khu khách sạn ở giữa rừng sâu. Gọi là khách sạn chứ thực ra nó là những khu nhà gỗ, với mái lá và điện đóm tối thui. Cảm giác cứ như là đi làm cách mạng lên căn cứ địa trong rừng sâu núi độc ấy (giờ thì mình đã hiểu tại sao phải cầm theo thuốc muỗi). Nhưng điều còn bất ngờ hơn là ở đây không hề có internet, mọi người chỉ có thể sử dụng mạng 3G di động, mạng mẽo ở Myanmar vốn đã yếu, nay còn giữa rừng thế này. Thú thực, đến lúc này mình cảm thấy cực kỳ tệ và khó hiểu, tại sao một khóa đào tạo Công nghệ về mạng di động lại được tổ chức ở giữa rừng và ở một nơi không có internet.
Khu khách sạn nhìn như thế này
Mình đã đem những thắc mắc này đến để hỏi anh bạn tên Mio người Myanmar trong ban tổ chức, thì Mio nói là cách xa thành phố và không có internet để cho các bạn không bị phân tán bởi những thứ đó. Lý do mặc dù không được thuyết phục lắm nhưng mà mình cũng cười trừ cho xong.
Sau khi ăn bữa tối mình về phòng ngủ, căn phòng này cũng rất hòa hợp với thiên nhiên, cây dây leo mọc beo vào đầy trong nhà. Định email và trả lời tin nhắn của mọi người thì internet không có, thế là đi ngủ luôn. Phải thả màn và bôi thuốc muỗi thật kỹ nếu không muốn bị chúng khiêng đi.
Học hành vất vả, kết quả thế nào?
Buổi sáng đầu tiên thật dễ chịu với tiếng chim líu lô và không khí mát mẻ, trong lành giữa rừng. Mình tới nhà ăn và thưởng thức những món Myanmar tuy đơn giản nhưng khá hợp khẩu vị. Sau khi ăn sáng xong, mọi người tập trung về phòng họp chính. Đầu tiên là màn chào hỏi, rồi đi lướt qua chương trình cho tất cả 5 ngày, sau đó là bắt đầu ngay các lớp học. Cứ như vậy, các lớp học được triển khai liên tục trong một ngày. Sẽ có khoảng 4 lớp/ngày, 2 vào buổi sáng và 2 vào buổi chiều, xen kẽ những lớp học là những buổi thảo luận và trò chơi, rất vui.
Mọi người dần quen với nhau và có những chia sẻ về công việc, cũng như tình hình quốc gia của họ. Sau khi kết thúc một ngày bận rộn mọi người về nhà tắm rửa và đi sang nhà ăn để dùng bữa tối. Buổi tối mọi người cũng không làm việc riêng mà tất cả đều tập trung về phòng họp chính. Ban tổ chức có các lựa chọn như nhóm ca múa nhạc, đánh đàn guitar hát suốt đêm, hay có những nhóm làm workshop chia sẻ về dự án của họ, có nhóm tổ chức cả xem phim. Nói chung là không có internet và ở giữa rừng nên mọi người khó làm việc riêng, thành ra lại có nhiều điều kiện để trò chuyện chung với nhau hơn, từ đó cảm thấy vô cùng thân thuộc. Có lẽ đến bây giờ thì mình đã thấm được dụng ý của ban tổ chức. Mỗi ngày trôi qua mọi người lại được học thêm những kiến thức mới, cũng như là hiểu nhau nhiều hơn.
Sau những ngày học tập căng thẳng đến buổi chiều ngày thứ ba, ban tổ chức đưa tất cả ra phố để giải ngố. Xe buýt chở bọn mình đi thăm các địa danh nổi tiếng ở đây như Tượng Phật nằm Shwethalyaung, Chùa Rắn, Chùa Hoàng Thần Shwemawdaw, Cung điện cổ Kanbawzathadi.
Chùa Rắn đấy
Năm ngày trôi qua thật nhanh chóng. Buổi tối cuối cùng mọi người tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ để uống bia và nhảy nhót. Không thể tưởng tượng là những con người mới đó xa lạ, thậm chí chẳng muốn ở đây lâu hơn, mà bây giờ lại bịn rịn nhau đến như vậy.
Sáng hôm sau từng đoàn ra sân bay để rời khỏi Myanmar, trong lòng ngổn ngang lưu luyến. Ấn tượng về khóa đào tạo, ấn tượng về những người bạn Myanmar nhiệt tình, thân thiện, ấn tượng về những người bạn Đông Nam Á giỏi và nhiệt huyết.
Đã vài tháng qua đi, bọn mình vẫn giữ liên lạc với nhau như ngày mới.
Và đôi khi lại rất “nhớ rừng”.
Châu Linh